Quân sự hóa Biển Đông - nấc thang mới nguy hiểm của Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong tham vọng độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc đang nỗ lực quân sự hóa các đảo nhân tạo chiếm được ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, từng bước thực hiện mục tiêu kiểm soát hoàn toàn khu vực này.

Từ tôn tạo trái phép đến quân sự hóa các thực thể ở Trường Sa

Những thông tin mới nhất cho thấy, Trung Quốc đã hoàn tất hoạt động xây dựng kho tên lửa, nhà chứa máy bay, hệ thống radar và các cơ sở quân sự khác trên đá Vành Khăn, đá Subi và đá Chữ Thập. Đây là 3 trong số 7 thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng và bồi đắp trái phép thành đảo nhân tạo. Các thực thể còn lại là đá Ga Ven, đá Tư Nghĩa, đá Gạc Ma và đá Châu Viên.

Đường băng, nhà chứa máy bay và cơ sở radar mà Trung Quốc xây dựng phi pháp trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Đường băng, nhà chứa máy bay và cơ sở radar mà Trung Quốc xây dựng phi pháp trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Kể từ cuối năm 2013, các tàu nạo vét Trung Quốc bắt đầu xuất hiện ở quần đảo Trường Sa để tiến hành bồi đắp 7 bãi đá ngầm là đá Chữ Thập, Ga Ven, Châu Viên, Gạc Ma, Tư Nghĩa, Vành Khăn và Subi thành các đảo nhân tạo. Kết thúc quá trình bồi đắp, tổng diện tích các đảo nhân tạo mà Trung Quốc chiếm đóng đã lên tới khoảng 13,21km2 (tập trung chủ yếu trên 3 đá là Vành Khăn, Subi và Chữ Thập).

Từ đầu năm 2017, Trung Quốc chuyển sang giai đoạn 2 là xây dựng cơ sở hạ tầng trên các đảo nhân tạo để phục vụ mục đích quân sự và dân sự, bao gồm các đường băng dài hơn 3.000m, nhà để máy bay và tên lửa, các cơ sở radar, thiết bị thu thập thông tin tình báo, kho chứa vũ khí và nhiên liệu, các cầu cảng nước sâu… Phần lớn công việc này được hoàn tất vào cuối năm 2017.

Giai đoạn 3 được thực hiện ngay sau đó bằng việc nhanh chóng triển khai các khí tài quân sự tân tiến ra các đảo nhân tạo. Bao gồm đưa máy bay chiến đấu J-11B tới các đá Subi và Vành Khăn, tiến hành hạ cánh thử trên đá Chữ Thập của các máy bay vận tải và tuần tra biển, đưa các tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B có tầm bắn gần 500km và tên lửa đất đối không HQ-9B có tầm bắn 250km ra Trường Sa, thiết lập các thiết bị phá sóng…

Đến nay, quá trình này cơ bản đã hoàn tất, tập trung chủ yếu ở đá Vành Khăn, đá Subi và đá Chữ Thập. Hiện chưa rõ Trung Quốc có xây thêm hạ tầng quân sự ở các thực thể khác hay thuộc Trường Sa hay không, nhưng theo Đô đốc John Aquilino, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, đây là đợt xây dựng lực lượng quân đội lớn nhất của Trung Quốc kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Trước đó, Trung Quốc đã triển khai 2 khẩu đội tên lửa phòng không hiện đại nhất của nước này HQ-9 (tương đương như S-300 của Nga), gồm 8 ống phóng tên lửa đi kèm radar tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đang chiến đóng. Với việc triển khai máy bay chiến đấu, tên lửa phòng không hiện đại tới Hoàng Sa và Trường Sa, Trung Quốc có thể khống chế cả một vùng rộng lớn trên Biển Đông.

Trước đây, trong các giới chức Trung Quốc cũng xuất hiện hai luồng tư tưởng về “quân sự hóa”. Có ý kiến cho rằng, quân sự hóa chỉ làm tồi tệ thêm các cuộc tranh chấp, cải thiện, làm mạnh mẽ thêm các khả năng thực thi dân sự của Trung Quốc mới là giải pháp bảo vệ tốt nhất các lợi ích của họ. Việc đưa giàn khoan HD981 hoạt động trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam năm 2014 là đi theo hướng này. Tuy nhiên, việc bồi đắp mở rộng các đá của Việt Nam mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép đã thể hiện sự thắng thế của giới chức quân sự Trung Quốc. Việc “quân sự hóa” các đảo nói trên đã được tiến hành và Trung Quốc coi đây là giải pháp “linh hoạt” trong giai đoạn mà các nhà hoạch định chiến lược biển của Trung Quốc gọi là “cạnh tranh chủ quyền”.

Tham vọng “kín đáo” trở nên “trắng trợn” hơn

Những hành động trên của Trung Quốc hoàn toàn trái ngược với cam kết của nước này rằng sẽ không biến các đảo nhân tạo thành căn cứ quân sự. Vào mùa thu năm 2016, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói với Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng, họ sẽ không quân sự hóa các đảo mà nước này đã bồi đắp phi pháp ở Biển Đông. Tuy nhiên, theo Tướng Joseph Dunford, nguyên Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, những gì chúng ta thấy hiện nay là đường băng dài hơn 3.000m, các kho chứa đạn, triển khai thường xuyên các hệ thống phòng thủ tên lửa... Rõ ràng, họ đã rời xa những cam kết này.

Không những thế, những hành động đó cho thấy độc chiếm Biển Đông từ tham vọng “kín đáo” của Bắc Kinh nay đã trở nên “trắng trợn” hơn. Với một nước lớn có GDP đứng thứ 2 thế giới, Trung Quốc luôn muốn có vai trò lãnh đạo khu vực và cạnh tranh vị thế toàn cầu với Mỹ. Theo giới quan sát, hiện nay tại Trung Quốc cũng đang có nhiều cuộc tranh luận sôi nổi làm thế nào để theo đuổi các lợi ích “cốt lõi” của Trung Quốc ở Biển Đông một cách tốt nhất và phần lớn đều không hài lòng với nguyên trạng hiện nay, nên cần phải tạo ra “vùng sở hữu chung”. Thực chất của quan điểm này là biến sở hữu của nước khác thành “sở hữu chung”.

Bằng việc quân sự hóa Biển Đông, Trung Quốc củng cố sức mạnh quân sự của mình, từng bước mở rộng khả năng tấn công của Trung Quốc ra ngoài bờ biển của họ, lấn vào các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước khác. Họ có thể cho tiêm kích và oanh tạc cơ xuất kích, cộng thêm khả năng tấn công bằng tên lửa. Đô đốc John Aquilino cảnh báo rằng, giờ đây bất cứ máy bay quân sự hay dân sự nào bay qua khu vực Biển Đông đều có thể dễ dàng lọt vào tầm bắn của các hệ thống tên lửa Trung Quốc triển khai trên những thực thể thuộc quần đảo Trường Sa.

Việc làm của Trung Quốc đã đẩy tranh chấp ở Biển Đông lên nấc thang mới nguy hiểm, khi Bắc Kinh sẵn sàng dùng vũ lực để hiện thực hóa yêu sách chủ quyền trên Biển Đông. Hồi tháng 3-2022, trong suốt chuyến bay tuần tra ở Biển Đông, máy bay P-8A Poseidon của Mỹ đã liên tục nhận được lời cảnh báo từ Trung Quốc rằng đã xâm nhập bất hợp pháp vào vùng mà Bắc Kinh tuyên bố là lãnh thổ của mình và yêu cầu rời khỏi khu vực này ngay lập tức. Sĩ quan Joel Martinez, người đứng đầu đội bay P-8A Poseidon của Mỹ, cho biết đã xảy ra vụ việc khi một máy bay của Trung Quốc áp sát một cách nguy hiểm một máy bay Mỹ tại vùng lãnh hải tranh chấp, buộc phía Mỹ phải yêu cầu Trung Quốc tuân thủ các quy tắc an toàn hàng không.

Thúc đẩy quân sự hóa trên một số cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa không chỉ vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, mà còn gây lo ngại cho các nước trong khu vực, cộng đồng quốc tế, như được phản ánh trong những văn kiện của ASEAN, không có lợi cho việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực Biển Đông.

Liên quan đến vấn đề này, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển phù hợp luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định: “Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, chấm dứt việc quân sự hóa, không có hành động gây gia tăng căng thẳng ở khu vực, duy trì điều kiện thuận lợi và tiếp tục nỗ lực cùng ASEAN đàm phán, sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS năm 1982”.