Quản lý thị trường sẽ triển khai chữ ký số, "số hóa" công văn, giấy tờ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Ông Trần Hữu Linh- Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết, Tổng cục QLTT sẽ triển khai chữ ký số, "số hóa" mọi công văn giấy tờ… trong thời gian tới.
Hệ thống xử lý vi phạm INS rất hữu ích với lực lượng QLTT

Hệ thống xử lý vi phạm INS rất hữu ích với lực lượng QLTT

Theo ông Trần Hữu Linh, ứng dụng công nghệ thông tin luôn là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu của Tổng cục QLTT.

Từ năm 2022, Tổng cục đã đưa vào vận hành Hệ thống xử lý vi phạm hành chính - INS trong quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý các hành vi vi phạm.

“Đây được coi là cuộc cách mạng trong chuyển đổi số của lực lượng Quản lý thị trường. Thời gian tới, Tổng cục sẽ triển khai chữ ký số; mọi công văn, giấy tờ sẽ được triển khai trên nền tảng số, sử dụng công nghệ thông tin, hạn chế mức thấp nhất các văn bản giấy...” – Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh cho hay.

Tại Bộ Công Thương, không chỉ lực lượng QLTT mà nhiều đơn vị khác như Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Văn phòng Bộ… đã đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong công tác.

Bà Lê Hoàng Oanh- Cục trưởng Cục TMĐT&KTS cho biết, công tác chuyển đổi số tại Bộ Công Thương đã đạt được những kết quả hết sức đáng khích lệ. Trong đó phải kể đến là, dịch vụ công trực tuyến triển khai ngày càng hiệu quả, sâu rộng trong đó cơ bản hoàn thành việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, số hóa hơn 79% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Công Thương trên Cổng Dịch vụ công quốc gia;

An ninh, an toàn thông tin tiếp tục được chú trọng; Kết nối Cổng dịch vụ công của Bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia; triển khai cơ chế Một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, chuyển đổi số là nhiệm vụ là cấp thiết của các đơn vị thuộc Bộ Công Thương.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị có cơ sở dữ liệu cần cập nhật thường xuyên, liên tục, bảo đảm dữ liệu luôn “Đúng – Đủ - Sạch - Sống”.

Đồng thời thực hiện số hóa 100% hồ sơ thủ tục hành chính do tổ chức, cá nhân nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện và đưa vào hệ thống Một cửa của Bộ theo đúng quy định. Số hóa 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực, chậm nhất là ngày 15-12-2023 phải hoàn thành.

Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng yêu cầu các đơn vị khẩn trương lập kế hoạch sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật quy định về thủ tục hành chính liên quan, đẩy mạnh công tác hậu kiểm; giảm tối đa việc kiểm tra thực tế hoặc yêu cầu tổ chức, cá nhân phải hiện diện tại cơ quan nhà nước từ đó để tạo điều kiện để triển khai áp dụng quy trình dịch vụ công trực tuyến; Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa trong một số lĩnh vực để thực hiện thành công mục tiêu chuyển đổi số…