Quan hệ Mỹ - Trung Quốc vẫn căng thẳng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bất chấp những nỗ lực hàn gắn từ cả hai phía, quan hệ Mỹ-Trung vẫn trong trạng thái căng thẳng, mà kết quả nhạt nhòa của cuộc điện đàm cấp cao Mỹ-Trung là bằng chứng mới nhất.

Những tín hiệu tích cực ít ỏi

Tối 28-7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden theo đề nghị của ông chủ Nhà Trắng. Đây là cuộc điện đàm ở cấp thượng đỉnh lần thứ 5 giữa hai bên và là một phần trong nỗ lực của phía Mỹ nhằm duy trì và thắt chặt các kênh liên lạc giữa hai nước, quản lý khác biệt một cách có trách nhiệm và hợp tác trong các lĩnh vực mà hai bên có chung lợi ích. Lần gần đây nhất hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung điện đàm là ngày 18-3-2022.

Cuộc điện đàm diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh với nhau ngày càng mạnh mẽ cả về kinh tế và chính trị. Ngay trước cuộc điện đàm, Thượng viện Mỹ hôm 27-7 đã cho thông qua một biện pháp để đầu tư vào lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn nhằm vực dậy ngành công nghiệp Mỹ và giảm sự phụ thuộc vào các sản phẩm của Trung Quốc. Nghị sĩ Adam B. Schiff, một đảng viên Đảng Dân chủ cấp cao đến từ California, thì đề xuất thông qua một luật riêng cho phép chính quyền Joe Biden áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức hoặc thực thể của Trung Quốc hỗ trợ Nga trong cuộc xung đột với Ukraine.

Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc gặp trực tuyến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hồi tháng 11-2021

Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc gặp trực tuyến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hồi tháng 11-2021

Đặc biệt, thông tin về chuyến thăm Đài Loan (Trung Quốc) của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi khiến Trung Quốc phản ứng mạnh. Bắc Kinh coi đây là hành động khiêu khích và một mối đe dọa mà giới Mỹ cố tình tận dụng theo những gì rút ra từ cuộc xung đột Nga-Ukraine. Nếu chuyến thăm diễn ra, bà Nancy Pelosi sẽ là quan chức dân cử cấp cao nhất của Mỹ đến Đài Loan kể từ khi cựu Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich, thành viên Đảng Cộng hòa, đến thăm hòn đảo này vào năm 1997. Các nhà quan sát cho rằng, Trung Quốc có thể sẽ triển khai một số biện pháp quân sự nếu bà Pelosi quyết tới Đài Loan, từ các cuộc tập trận (thường diễn ra cùng lúc các chuyến công du mà Trung Quốc phản đối) cho tới đóng cửa không phận hoặc khóa đường biển tạm thời.

Trong bối cảnh đó, tín hiệu đáng ghi nhận trong cuộc điện đàm là nhận thức về vai trò của Mỹ và Trung Quốc trong một thế giới đang có nhiều biến động và ở thời điểm quan trọng. Tổng thống Joe Biden khẳng định hợp tác Mỹ-Trung không chỉ mang lại lợi ích cho người dân hai nước mà còn mang lại lợi ích cho người dân tất cả các nước. Mỹ hy vọng sẽ duy trì một đường dây liên lạc cởi mở với Trung Quốc để tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tránh hiểu lầm cũng như các tính toán sai lầm. Nhà lãnh đạo Mỹ nêu rõ giới chức Washington sẽ làm việc với Bắc Kinh về những điểm phù hợp lợi ích của hai nước và quản lý những khác biệt một cách hợp lý.

Về phía Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ ra rằng trong thế giới ngày nay, các xu hướng hỗn loạn và biến đổi đang tiến triển, và những sự thiếu hụt về phát triển và an ninh ngày càng lớn. Đối mặt với một thế giới đầy biến động, với tư cách là hai nước lớn, Trung Quốc và Mỹ được kỳ vọng đi đầu trong việc duy trì hòa bình và an ninh thế giới cũng như thúc đẩy sự phát triển và thịnh vượng toàn cầu. Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh, Mỹ và Trung Quốc cần duy trì liên lạc ở tất cả các cấp và tận dụng tốt các kênh thông tin hiện có để thúc đẩy hợp tác song phương.

Trước các thách thức mà nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt, hai bên nhấn mạnh việc cần đảm bảo duy trì tiếp xúc về các vấn đề quan trọng như phối hợp các chính sách kinh tế vĩ mô, giữ ổn định chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu cũng như bảo vệ năng lượng và an ninh lương thực toàn cầu… Những vấn đề như các “điểm nóng” khu vực, đại dịch Covid-19, nguy cơ lạm phát và suy thoái, vai trò của LHQ cũng được đề cập đến trong cuộc điện đàm.

Lời cảnh báo “chớ chơi với lửa”

Tuy nhiên, đi vào những vấn đề nhạy cảm, quan điểm của hai bên vẫn đối đầu như nước với lửa. Theo tờ New York Times, trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo đã đối đầu trực diện về vấn đề Đài Loan và hai bên cũng không đưa ra thông tin về bất kỳ tiến bộ cụ thể nào trong vấn đề này cũng như các vấn đề gây tranh cãi giữa hai nước thời gian qua. Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh, lịch sử của vấn đề Đài Loan là rõ ràng và thực tế, hai bờ eo biển Đài Loan thuộc về “một nước Trung Quốc” và nguyên tắc “một Trung Quốc” là nền tảng chính trị của quan hệ song phương. Trung Quốc kiên quyết phản đối ly khai đòi “Đài Loan độc lập” và sự can thiệp của các thế lực bên ngoài.

Mặc dù đánh giá đây là một cuộc điện đàm hiệu quả nhưng Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tiếp tục chỉ trích cái mà Bắc Kinh gọi là “sự khiêu khích của Mỹ” liên quan đến kế hoạch của Chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan thời gian tới. Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Trung Quốc cảnh báo phía Mỹ “ chớ chơi với lửa kẻo có ngày bỏng tay” và Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói rõ với Tổng thống Joe Biden rằng Trung Quốc sẽ “không để không gian cho các thế lực đòi Đài Loan độc lập dưới bất kỳ hình thức nào”.

Về phía Mỹ, ông Joe Biden cho rằng, chính quyền Mỹ không định tìm cách đảo lộn quan hệ hiện tại giữa hai bờ eo biển Đài Loan nhưng cũng cảnh báo rằng không bên nào được làm điều này. Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh, chính sách của Mỹ về Đài Loan không thay đổi và Mỹ phản đối mạnh mẽ các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng hoặc gây phương hại tới hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan.

Liên quan đến cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, vấn đề mà dư luận thế giới đang rất quan tâm, Tổng thống Joe Biden trong cuộc điện đàm đã không đề cập bất cứ điều gì liên quan đến những mức thuế mà Mỹ đang áp đặt đối với hàng hóa của Trung Quốc. Cho đến nay, chính quyền Joe Biden đã không loại bỏ các loại thuế quan đánh vào hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump, bất chấp việc các mức thuế thái quá này là nguyên nhân chính gây ra tình trạng lạm phát đang bùng nổ thời gian gần đây tại Mỹ. Chỉ số CPI ở Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục 9,1% trong tháng 6-2022. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc cắt giảm thuế đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ giúp lạm phát giảm 1 điểm phần trăm, đồng nghĩa với việc tiết kiệm hàng trăm USD cho mỗi gia đình Mỹ.

Cuộc chiến thương mại cũng khiến giới doanh nghiệp Mỹ đánh mất thị phần. 4 hãng hàng không của Trung Quốc đã đặt hàng tổng cộng 292 máy bay từ Airbus trong một thỏa thuận trị giá 37 tỷ USD hồi đầu tháng 7 vừa rồi. Đây là một lời cảnh báo với Mỹ bởi đối với các tập đoàn đa quốc gia, thị trường Trung Quốc không chỉ mang ý nghĩa là đem lại lợi nhuận lớn hơn mà còn là sự đầu tư và cạnh tranh để đổi mới và phát triển bền vững.