Quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ phát huy hiệu quả và thực chất

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ thăm Việt Nam trong tuần này với trọng tâm thúc đẩy “các cuộc thảo luận quan trọng với đối tác Việt Nam trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện”. Quan hệ Việt - Mỹ tiếp tục có bước khởi sắc.

Mối quan hệ sâu rộng, hiệu quả và thực chất

Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ông Antony Blinken trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ. Chuyến thăm diễn ra không lâu sau cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày 29-3. Theo đó, hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương trong thời gian tới.

Vượt qua bao nhiêu thách thức và nghi kỵ, Việt Nam và Mỹ đã bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1995. Với quan điểm nhất quán của Việt Nam “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”, từ mở đầu bằng việc xây dựng niềm tin thông qua các vấn đề do chiến tranh để lại, như tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam (MIA), tái đoàn tụ các gia đình tị nạn, đến các chương trình nhân đạo, quan hệ Việt - Mỹ đã mở rộng trên nhiều mặt, cả về chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học, giáo dục...

Thủy sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường Mỹ

Thủy sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường Mỹ

Nhưng chỉ đến khi đối tác toàn diện Việt - Mỹ được thiết lập, quan hệ Việt - Mỹ mới bùng nổ. Tuyên bố về quan hệ đối tác toàn diện được công bố trong chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tháng 7-2013. Trong đó, hai bên khẳng định các nguyên tắc quan hệ, bao gồm các nguyên tắc như tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Tuyên bố cũng xác định 9 trụ cột trong hợp tác giữa hai bên, từ chính trị, ngoại giao, đến kinh tế, thương mại, đầu tư, an ninh quốc phòng, giáo dục, khoa học công nghệ, giao lưu nhân dân và khắc phục hậu quả chiến tranh, cũng như hợp tác trên các vấn đề quốc tế và khu vực.

Sau 10 năm thiết lập, mối quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ đã phát triển sâu rộng, hiệu quả và thực chất trên 3 bình diện gồm song phương, khu vực và quốc tế. Hai nước duy trì các hoạt động tiếp xúc, đối thoại, trao đổi đoàn ở các ngành, các cấp, nhất là các chuyến thăm cấp cao. Đặc biệt là lần đầu tiên có chuyến thăm lịch sử tới Mỹ của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 7-2015. Trong chuyến thăm, hai bên đã ra Tuyên bố tầm nhìn về quan hệ và nhấn mạnh các nguyên tắc, nhất là việc tôn trọng thể chế chính trị của nhau.

Tiếp đó, đã có một loạt chuyến thăm của cả hai bên, như chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama vào tháng 5-2016 và Tổng thống Donald Trump vào tháng 11-2017. Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris cũng đã thăm Việt Nam vào tháng 8-2021 trong chuyến thăm cấp cao đầu tiên tới Đông Nam Á của chính quyền mới ở Mỹ. Về phía Việt Nam, đó là chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tháng 5-2017. Tháng 5-2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi Mỹ dự cấp cao ASEAN - Mỹ và gặp gỡ Tổng thống Joe Biden cùng lãnh đạo cấp cao của Mỹ.

Trên cơ sở quan hệ chính trị ngày càng mở ra, hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại, đầu tư có bước phát triển mạnh. Kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ đến nay, kim ngạch thương mại song phương đã tăng hơn 240 lần, từ nửa tỷ USD năm 1995 lên tới hơn 120 tỷ USD vào năm 2022. Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu đầu tiên của Việt Nam vượt mốc 100 tỉ USD, còn Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ. Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Mỹ tại Việt Nam đạt 11,4 tỉ USD, đứng thứ 11 trong số những nước đầu tư vào Việt Nam.

Không chỉ lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư, các lĩnh vực khác như ứng phó với dịch bệnh Covid-19, phục hồi sau đại dịch, khoa học công nghệ, giáo dục, môi trường, du lịch…cũng có những tiến triển tích cực. Theo ông Marc E. Knapper, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, năm 2019, ngay trước đại dịch Covid-19, Việt Nam đón 750.000 khách du lịch Mỹ. Trong khi đó chỉ riêng trong hai tháng đầu năm nay, con số này đã lên tới 150.000. Ngược lại, số lượng người Việt Nam xin thị thực đi Mỹ đã tăng xấp xỉ 250% trong 10 năm qua, lên tới 1,2 triệu thị thực du lịch. Trong đó, 256.000 thị thực là cho sinh viên, học sinh, khách đến Mỹ trao đổi và 11.000 thị thực cho cán bộ Nhà nước Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam có số học sinh, sinh viên theo học tại Mỹ cao thứ 5 trên thế giới.

Nhiều dư địa để phát triển quan hệ Việt - Mỹ

Năm 2023 - kỷ niệm 10 năm đối tác toàn diện Việt - Mỹ là dịp để hai nước nâng mối quan hệ đối tác này lên tầm cao mới, phục vụ cho lợi ích quốc gia của mỗi nước, thúc đẩy đà quan hệ, cũng như đóng góp vào hòa bình, hợp tác, phát triển chung ở khu vực. Việt Nam luôn coi Mỹ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu, mong muốn thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ ngày càng thực chất, ổn định, đi vào chiều sâu, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau.

Trong cuộc điện đàm cấp cao giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Joe Biden, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh những kết quả đạt được trong quan hệ giữa hai nước là phù hợp với nguyện vọng của nhân dân hai nước. Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí thúc đẩy, phát triển, làm sâu sắc hơn quan hệ song phương, vì lợi ích của hai nước, hòa bình, hợp tác và phát triển, đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng của hai bên trao đổi các nội hàm cụ thể nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ trong thời gian tới.

Dư địa để phát triển hơn nữa quan hệ Việt - Mỹ còn rất lớn, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại. Mỹ là một thị trường quan trọng hàng đầu nhưng hiện giữa hai nước mới chỉ dừng ở hiệp định thương mại song phương đã ký cách đây hơn hai thập kỷ. Thêm vào đó, hiện nay, thế giới có ba trung tâm kinh tế lớn là châu Á, với các trụ cột như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ; châu Âu với Liên minh châu Âu (EU) và Bắc Mỹ với Mỹ là cường quốc kinh tế số một. Với các đối tác châu Âu, Việt Nam có Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư với EU. Với các đối tác châu Á, Việt Nam có thể hợp tác thông qua Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Việc có thêm một khung kinh tế tương tự với trung tâm Bắc Mỹ là điều cần thiết.

Hai bên cũng có thể tiếp tục mở rộng hợp tác khoa học, công nghệ, thực hiện các thỏa thuận hợp tác quốc phòng - an ninh, coi trọng việc thúc đẩy thương mại hài hòa, bền vững, hợp tác bảo đảm chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng và các lĩnh vực mới như logistics, kinh tế số, chuyển đổi xanh, y tế. Thêm vào đó là các lĩnh vực như khắc phục hậu quả chiến tranh, gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, phối hợp tại các diễn đàn đa phương như ASEAN, Liên hợp quốc, APEC, Tiểu vùng sông Mekong, phát triển bền vững và biến đổi khí hậu…

Nền tảng và kết quả tích cực của 10 năm quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ cùng nỗ lực từ cả hai hai phía sẽ cho phép Việt Nam và Mỹ có thể mở rộng tầm nhìn, từng bước nâng mối quan hệ đối tác lên tầm cao mới, phục vụ cho lợi ích quốc gia của mỗi nước, cũng như đóng góp vào hòa bình, hợp tác, phát triển chung ở khu vực và trên thế giới.