Quản dịch vụ OTT như thế nào cho hợp lý?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Nội dung quản lý dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (OTT) tại dự thảo Luật Viễn thông đang được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) lấy ý kiến nhận được nhiều ý kiến tranh luận.
Chưa có quy định pháp luật quản lý các dịch vụ OTT

Chưa có quy định pháp luật quản lý các dịch vụ OTT

Xuất hiện từ lâu, các dịch vụ OTT như: Zalo, Viber, Telegram... được sử dụng ngày càng phổ biến, thậm chí có khả năng thay thế cho các dịch vụ viễn thông. Dù vậy, Bộ TT-TT cho biết, pháp luật hiện hành chưa có quy định quản lý, dẫn đến không bảo đảm quyền lợi của người sử dụng, an toàn, an ninh thông tin.

Tại dự thảo Luật Viễn thông, cơ quan soạn thảo đưa ra hướng quản lý các dịch vụ này là: Phân loại dịch vụ dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet là dịch vụ viễn thông và quản lý theo khung pháp luật chung về viễn thông;

Và quản lý bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Tức là, trường hợp dịch vụ OTT viễn thông có thu cước, nhà cung cấp dịch vụ trong nước phải có giấy phép, nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới phải thông qua thỏa thuận thương mại với nhà cung cấp OTT trong nước được cấp phép.

Trường hợp dịch vụ OTT viễn thông không thu cước, nhà cung cấp dịch vụ trong nước và xuyên biên giới phải thông báo/đăng ký với Bộ TT-TT; nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới nếu có quy mô lớn tại Việt Nam (ví dụ số người sử dụng lớn theo quy định của Chính phủ) phải có thỏa thuận thương mại hoặc đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam để giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền lợi người sử dụng và bảo đảm tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Góp ý cho nội dung này, ông Vũ Tú Thành- Phó Giám đốc điều hành, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - Asean (USABC) nêu quan điểm, dịch vụ OTT khác với dịch vụ viễn thông và không được quy định trong luật viễn thông truyền thống.

“Các dịch vụ như tin nhắn, hội thoại hay hội họp … trên các nền tảng Internet chỉ có thể được cung cấp dựa trên kết nối Internet. Những người sử dụng dịch vụ này bắt buộc phải đang sử dụng dịch vụ viễn thông để kết nối Internet. Sự phụ thuộc của các dịch vụ OTT vào các dịch vụ viễn thông là một khác biệt cơ bản giữa các dịch vụ này và dịch vụ viễn thông và vì vậy không thể điều chỉnh các dịch vụ này như những dịch vụ viễn thông.

Còn với nội dung một số nhà cung cấp dịch vụ OTT xuyên biên giới có một số lượng người sử dụng và lưu lượng dịch vụ nhất định sẽ phải thành lập văn phòng đại diện (VPĐD) hoặc ký kết thỏa thuận thương mại với công ty viễn thông trong nước, theo ông Vũ Tú Thành là bất hợp lý, vì không có giao dịch thương mại nào giữa doanh nghiệp OTT và doanh nghiệp viễn thông.

“Những người sử dụng dịch vụ OTT đã có hợp đồng dịch vụ hoặc thuê bao với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông để có thể truy cập Internet và sử dụng các dịch vụ OTT. Vì vậy, sẽ rất bất hợp lý nếu các dịch vụ OTT phải ký thêm hợp đồng dịch vụ với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông”- ông Vũ Tú Thành nói thêm.

Bên cạnh đó, việc giới hạn sở hữu nước ngoài đối với dịch vụ OTT ở mức 65% (tương tự như các dịch vụ viễn thông) được cho là sẽ tạo nên những rào cản để các nhà cung cấp dịch vụ OTT đầu tư vào Việt Nam.

Bà Đào Thị Nga- Đại diện Liên minh Internet Châu Á (AIC) cũng cho rằng, việc cung cấp dịch vụ OTT phụ thuộc hoàn toàn vào kết nối và có tính cạnh tranh cao hơn dịch vụ viễn thông. Đại diện AIC cho rằng nên loại bỏ nội dung này khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật Viễn thông.

Đồng quan điểm trên, ông Trần Mạnh Hùng- Luật sư điều hành Công ty Luật BMVN cho hay, các nước ASEAN không coi OTT là dịch vụ viễn thông và không quản lý các dịch vụ này như dịch vụ viễn thông.

Chẳng hạn như Malaysia hiện nay chưa có quy định cụ thể nào đối với OTT thông tin liên lạc. Hoạt động kiểm duyệt nội dung của các OTT truyền hình được thực hiện qua Đạo luật Truyền thông và Đa phương tiện 1998 (CMA) và Đạo luật kiểm duyệt phim 2002; hay ở Philippines cũng chưa có quy định cụ thể nào đối với OTT.

Phản hồi góp ý của các doanh nghiệp và hiệp hội, ông Nguyễn Hồng Thắng- Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT-TT) cho biết, ban soạn thảo đã tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước khi đưa ra các quy định này.

Về ý kiến dự thảo điều chỉnh dịch vụ OTT không phải là dịch vụ viễn thông, ông Nguyễn Hồng Thắng cho biết, qua tham khảo, có nước cũng đang quan sát, nhưng cũng có nước đã điều chỉnh (Nhật Bản, Hàn Quốc…), hay đang lấy ý kiến (Ấn Độ…), Ban soạn thảo đã mạnh dạn đưa nội dung vào dự thảo Luật.

“OTT là xu thế tất yếu, là nền tảng quan trọng sẽ thay thế dịch vụ viễn thông, nhưng hiện nay chúng ta chưa có luật quản lý. Do vậy, ban soạn thảo đề nghị các đơn vị đóng góp cung cấp cụ thể các qui định của các nước cũng như thực tế tác động như thế nào ở chuyên ngành cụ thể của mình để ban soạn thảo có thông tin sâu hơn để điều chỉnh phù hợp” - đại diện Ban soạn thảo nói.