Quái vật một thời tung hoành hoang mạc cổ đại

ANTĐ - Hơn 200 triệu năm trước, một loài sinh vật với khuôn mặt khô ráp, có kích cỡ bằng một con bò cái, đã từng thống trị vùng sa mạc trung tâm của nơi mà sau đó trở thành siêu lục địa Pangea…
Loài sinh vật này với tên khoa học Bunostegos akokanensis, thuộc một nhóm động vật có tên Pareiasaurs (nhóm các loài bò sát ăn cỏ cỡ lớn sống khoảng từ 266 triệu đến 252 triệu năm trước vào giai đoạn giữa và cuối kỉ Pecmi). Hóa thạch của bò sát Bunostegos cho thấy rằng cuộc sống trên trái đất vào khoảng thời gian đó đa dạng hơn chúng ta vẫn biết.
Quái vật một thời tung hoành hoang mạc cổ đại ảnh 1
Bò sát Bunostegos

Xương hóa thạch phần đầu của loài bò sát này, được tìm thấy ở khu vực nay thuộc sa mạc Sahara phía Bắc Nigeria. Khoảng 260 triệu năm trước, vùng này là một hoang mạc rất rộng lớn nằm giữa siêu lục địa Pangea. Theo nhận định của các nhà cổ sinh vật học thuộc viên bảo tàng Burke và đại học Washington (Seattle), giữa vùng hoang mạc này có một ốc đảo có thể cung cấp sự sống cho cây cối và các loài sinh vật.
Quái vật một thời tung hoành hoang mạc cổ đại ảnh 2
Một trong 3 mẫu xương sọ hóa thạch được phát hiện

Các hóa thạch được tìm thấy có rất nhiều dấu hiệu của các u xương đặc biệt cấu tạo nên hộp sọ của loài này. Chính vì vậy mà nó được đặt tên là Bunostegos – có nghĩa là “sọ cục u”. Các cục u nhô ra này rất có thể là các sừng có da bọc như ở loài hươu cao cổ, và được các Bunostegos dùng để nhận diện đồng loại của mình. Các loài bò sát khác thuộc nhóm Pareiasaurs cũng có các khối u như thế này, nhưng chúng thường không lớn như loài Bunostegos.

Các bằng chứng cũng cho thấy rằng dòng dõi của bò sát Bunostegos đã bị cô lập trong hàng triệu năm bởi vì các loài sinh vật nói chung hầu như không thể vào hoặc rời bỏ vùng sa mạc do điều kiện quá cô cằn và khắc nghiệt nơi đây. Và sự cô lập này có thể là nguyên nhân cho hình thù kì dị của loài này.

Đến bây giờ, hầu hết các hiểu biết về hệ động vật hậu kỉ Pecmi đều có từ các vùng nay thuộc Nam Phi và Nga. Nhưng các loài Pareiasaurs đến từ vùng sa mạc trung tâm này trông rất khác biệt. Có lẽ, cuộc sống ở kỉ Pecmi da đạng hơn rất nhiều so với những gì được biết đến trước đây.

Việc phát hiện xương hóa thạch của những loài như bò sát Bunostegos có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bổ sung thêm vốn kiến thức khá ít ỏi về kỉ Pecmi và sự tuyệt chủng hàng loạt đã chấm dứt kỉ này.