Quá nhiều bất cập, cao tốc Hà Nội- Bắc Giang trở lại cấp quốc lộ

ANTD.VN -Sau một thời gian cố ép dự án cải tạo QL1 đoạn Hà Nội- Bắc Giang thành cao tốc, thì mới đây, chính Bộ GTVT đã buộc nhà đầu tư phải hạ vận tốc lưu thông trên tuyến đường này xuống tương đương với quốc lộ vì mất ATGT. 

Cao tốc thu tiền thật, tổ chức giao thông tạm

Dự án cải tạo, nâng cấp QL1 đoạn Hà Nội-Bắc Giang hoàn thành và đưa vào thu phí từ tháng 5-2016, nhưng liên tiếp nhận phản ứng của hai địa phương là tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang liên quan đến việc đảm bảo ATGT cũng như hoàn thiện các hạng mục còn lại.

Bản thân chủ đầu tư là Công ty CP BOT Hà Nội- Bắc Giang cũng thừa nhận, hiện nay tuyến đường vẫn đang được khai thác theo phương án tổ chức giao thông tạm. Đoạn trên địa bàn Bắc Giang, các phương tiện cơ giới lưu thông trên đường chính tuyến với tốc độ khai thác 100km/h, xe máy lưu thông theo đường gom dọc tuyến.

Quá nhiều bất cập, cao tốc Hà Nội- Bắc Giang đã bị ép khai thác tốc độ quốc lộ

Đối với đoạn Bắc Ninh - Hà Nội, do chưa có đường gom nên các phương tiện xe gắn máy được lưu thông chung với xe cơ giới. Hiện đoạn tuyến này được khai thác 2 làn cao tốc với tốc độ khác nhau là 100km/h (làn sát dải phân cách giữa) và làn kế tiếp với tốc độ 80km/h.

Tuy nhiên, ông Lê Ngọc Tuyển, Giám đốc Sở GTVT Bắc Ninh cho rằng, do chưa có đường gom để tách xe máy đi riêng, đoạn tuyến Hà Nội - Bắc Ninh không hoàn chỉnh, chưa đảm bảo tiêu chuẩn cao tốc nên việc khai thác tốc độ như hiện nay chưa hợp lý, lộn xộn. Tình trạng này cùng với việc không có đường lên cầu Như Nguyệt và cầu Xương Giang khi đi từ Hà Nội lên Bắc Giang khiến phương tiện không biết đi đường nào, gây bức xúc cho người dân. Vì vậy, khi chưa có đường gom để tách xe máy thì không thể cho lưu thông với tốc độ 100km/h như hiện tại. “Tỉnh Bắc Ninh đã nhiều lần có văn bản kiến nghị Bộ GTVT, nhà đầu tư về việc này nhưng chưa được đáp ứng”, ông Lê Ngọc Tuyển bày tỏ.

Mới đây nhất, UBND tỉnh Bắc Giang cũng tiếp tục có văn bản đốc thúc nhà đầu tư nhanh chóng hoàn thiện những hạng mục còn lại để đảm bảo ATGT trên tuyến. Theo đó, ông Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, mặc dù tuyến đường đã thu phí từ tháng 5-2016 nhưng đến nay còn nhiều hạng mục vẫn chưa hoàn hiện.

Cụ thể như, đoạn đường 200m từ khu đô thị Nam Dĩnh Kế đến đầu công viên TP Bắc Giang chưa thi công; một số nút giao chưa thi công xong như nút giao Hùng Viên, nút giao Thanh Niên, nút giao với QL17; một số hầm chui dân sinh trên tuyến tầm nhìn hạn chế, thường xuyên bị ngập khi có mưa gây ách tắc giao thông, mất ATGT nhưng không được xử lý… Do vậy, tỉnh Bắc Giang đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo là nhà thầu là Công ty CP BOT Hà Nội- Bắc Giang đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm hoàn thành các hạng mục còn lại của dự án để đảm bảo ATGT, hạn chế ảnh hưởng bất lợi đến đời sống và sản xuất của của địa phương.

Hạ tốc độ về cấp quốc lộ

Trước kiến nghị liên tiếp của 2 địa phương trên tuyến, mới đây, Bộ GTVT đã họp với nhà đầu tư và các bên liên quan để giải quyết sự việc. Theo ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác với tốc độ 100km/h (làn phía trong giáp dải phân cách) trên đoạn Hà Nội- Bắc Ninh là chưa hợp lý vì đoạn tuyến này chưa phải đường cao tốc.

Do đó, cần điều chỉnh tốc độ đoạn Hà Nội - Bắc Ninh về đúng với cấp đường là từ 70 - 90km/h đối với 2 làn. Ngay sau đó, tại văn bản gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam, lãnh đạo Bộ GTVT chỉ đạo, trước mắt để đáp ứng nhu cầu vận tải và ATGT, giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện các thủ tục về điều chỉnh giảm tốc độ khai thác đoạn Hà Nội- Bắc Ninh trước mắt theo tốc độ khai thác đối với đường quốc lộ; rà soát lại hệ thống biển báo để Nhà đầu tư điều chỉnh kịp thời.

Liên quan đến việc rà soát biển báo, Công ty CP BOT Hà Nội- Bắc Giang kiến nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam rà soát hệ thống biển báo cần tháo dỡ, thay thế (về số lượng, loại biển ...), phương án xử lý đối với các biến tháo dỡ không sử dụng khi điều chỉnh tốc độ trên đoạn Hà Nội- Bắc Ninh.

Đặc biệt, nhà đầu tư còn đề nghị Tổng cục Đường bộ hướng dẫn nguồn kinh phí ở đâu để thực hiện việc thay thế biển báo tốc độ theo chỉ đạo của Bộ GTVT. Bởi theo nhà đầu tư, do dự án được các nhà thầu thi công, theo thiết kế được duyệt và được Bộ GTVT chấp thuận nghiệm thu đưa vào khai thác, thu phí. “Vì vậy đối với các khoản chi phí để thực hiện các công việc này (tháo dỡ biển báo và thay thế biển báo tốc độ mới- PV) kính đề nghị Tổng cục Đường bộ hướng dẫn để nhà đầu tư có nguồn kinh phí thanh toán cho đơn vị thực hiện”, đại diện Công ty CP BOT Hà Nội- Bắc Giang bày tỏ.

Mặc dù theo chỉ đạo của Bộ GTVT, tuyến đường gom đoạn Hà Nội- Bắc Ninh phải xong trước Tết Nguyên đán 2017, tuy nhiên chiều 4-10, trao đổi về việc này, ông Lê Ngọc Tuyển cho biết, nhà đầu tư mới đang lấy ý kiến thỏa thuận của địa phương về việc mở đường gom. Do vậy, khó có thể chốt được tiến độ hoàn thành.