"Quả bom" nợ của Trung Quốc lăm le phát nổ

ANTD.VN - Con số nợ của Trung Quốc đang tăng lên nhanh chóng và đã ở mức báo động: 30.000 tỷ USD. Nếu không mạnh tay xử lý, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có thể phải hứng chịu hậu quả thảm khốc khi “quả bom” nợ này phát nổ.

"Quả bom" nợ của Trung Quốc lăm le phát nổ ảnh 1Thị trường bất động sản dư thừa là một trong những nguyên nhân khiến các khoản nợ của Trung Quốc tăng cao

Theo tạp chí Bloomberg của Mỹ, các khoản nợ của Trung Quốc hiện đang ở mức 30.000 tỷ USD, khoảng 259% GDP nước này. Phần lớn nhất, khoảng 17.000 tỷ USD, là nợ của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước sản xuất đủ thứ từ thép đến than đá, các công ty xây dựng và các nhà đầu tư bất động sản.

Nguyên nhân chính dẫn đến các khoản nợ khổng lồ là do cách vận hành nền kinh tế theo mệnh lệnh từ trên xuống dưới. Ông Junheng Li, người sáng lập Công ty Warren 

Capital chuyên nghiên cứu thị trường Trung Quốc đặt trụ sở ở New York, nhận xét: “Chính phủ Trung ương đưa chỉ tiêu cho chính quyền tỉnh, từ tỉnh đưa chỉ tiêu xuống huyện, từ huyện đưa chỉ tiêu xuống khu, và các chỉ tiêu đó dội vào các công ty nhà nước, họ buộc phải phát triển bằng mọi cách để đạt chỉ tiêu”.

Thêm vào đó, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007 - 2008, Chính phủ Trung Quốc “bật đèn xanh” cho chính sách mở rộng tín dụng với các doanh nghiệp nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Việc các ngân hàng sẵn sàng bơm tín dụng cho các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp không có khả năng cạnh tranh, đã dẫn đến tình trạng dư thừa và tạo ra nạn “công ty zombie” (xác sống) - thuật ngữ để chỉ các doanh nghiệp mắc nợ, không có tiền để trả toàn bộ khoản vay.

Bằng chứng là ngay cả những ngành công nghiệp mới mà Chính phủ Bắc Kinh mạnh tay chi tiền trợ cấp và giảm thuế cũng đang dư thừa. Báo chí đặt câu hỏi liệu Trung Quốc có thực sự cần hơn 200 nhà sản xuất xe điện và 800 công ty công nghệ robot. Ở nhiều thành phố trong cả nước, có thể bắt gặp những tòa nhà dang dở, mặt tiền trống rỗng với nước sơn đen gạch chéo cửa ra vào. Không biết bao nhiêu tiền đang bị “chôn” trong các khối bất động sản như vậy.

Một nguyên nhân nữa khiến số nợ của Trung Quốc tăng cao là trong những năm vừa qua, các công ty nước này đã thâu tóm hàng loạt công ty lớn trên thế giới với tổng trị giá của các cuộc giao dịch lên tới 343 tỷ USD. Những thương vụ lớn nhất có thể kể đến như: Tập đoàn Wanda mua lại công ty tài chính và sản xuất phim Hollywood của hãng Legendary Entertainment với giá 3,5 tỷ USD vào năm 2016. Tập đoàn bảo hiểm Anbang mua khách sạn Waldorf Astoria. Tập đoàn Fosun mua Câu lạc bộ Méditerranée SA và Cirque du Soleil…

Với một nền kinh tế tăng trưởng phụ thuộc vào tiền đi vay trong nhiều năm qua, hậu quả mà Trung Quốc phải gánh chịu là tất yếu. Theo tính toán của Bloomberg, nếu Chính phủ Trung Quốc không thực hiện các biện pháp kiểm soát. khoản nợ này sẽ lên đến 327% GDP vào năm 2022. Đến một lúc nào đó, quốc gia này sẽ không còn có khả năng vừa thanh toán nợ hiện tại vừa tài trợ cho các dự án mới nữa. 

Cũng có ý kiến cho rằng “quả bom” 30.000 tỷ USD nợ của Trung Quốc sẽ khó phát nổ bởi nước này có các nguồn lực tài chính to lớn. Hiện Trung Quốc có 3.000 tỷ USD dự trữ ngoại hối và 24.000 tỷ USD tiền tiết kiệm trong nước, đủ để giữ cho các ngân hàng “ngập trong tiền” mà không phải vay từ nước ngoài.

Tuy nhiên, nếu Trung Quốc không thể giảm mức độ phụ thuộc vào nợ, tác động trước mắt có thể thấy ngay là tăng trưởng sẽ chậm lại. Theo dự báo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), tăng trưởng của Trung Quốc có thể tụt xuống mức 5% vào năm 2021 và thậm chí có thể giảm xuống dưới 3% nếu nước này gặp khủng hoảng tài chính. “Hãm phanh” các khoản vay là điều mà Trung Quốc phải tính đến.