Phong cách đặc biệt của vợ chồng tân Tổng thống Peru

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
ANTD.VN - Ngày 28-7, ông Pedro Castillo - Tổng thống đắc cử Peru đã chính thức tuyên thệ nhậm chức. Ghi dấu ấn lịch sử khi bước lên vị trí lãnh đạo cao nhất với xuất thân từ giáo viên nông thôn, vợ chồng Tổng thống Peru xác định rất rõ họ đến từ đâu và sẽ trở về đâu, bởi vì “chức vị không phải là mãi mãi”.
Vợ chồng Tổng thống Peru Pedro Castillo tại lễ tuyên thệ nhậm chức ngày 28-7

Vợ chồng Tổng thống Peru Pedro Castillo tại lễ tuyên thệ nhậm chức ngày 28-7

Tổng thống đi vào lịch sử Peru

Ngày 6-6, ông Pedro Castillo, một giáo viên nông thôn chưa từng giữ một chức vụ lớn nào trong chính quyền, đã bất ngờ đánh bại đối thủ của mình là chính trị gia cánh hữu Keiko Fujimori chỉ với 44.000 phiếu trong cuộc bầu cử. Ủng hộ ông Castillo là những người nghèo và nông dân ở quốc gia Nam Mỹ này. Khẩu hiệu “Không còn nghèo ở một quốc gia giàu có” khiến mọi người nhớ đến ông khi mà nền kinh tế của Peru đã bị đè bẹp bởi đại dịch Covid-19 và 1/3 dân số rơi vào tình trạng nghèo đói, bất chấp việc đất nước là nhà sản xuất đồng lớn thứ hai thế giới.

“Người đàn ông 51 tuổi này thực sự là một Tổng thống đặc biệt trong lịch sử Peru, người đầu tiên bước lên chức vị cao nhất mà xuất thân là một “campesino” (nông dân không có mối liên hệ với các hành lang quyền lực của Lima). Vì thế, cũng có những lo ngại rằng, ông Castillo sẽ thiếu bản lĩnh chính trị cho những trọng trách mới của mình. Rất nhiều người đang đánh giá thấp ông ấy cho dù ông ấy là một nhà lãnh đạo công đoàn giàu kinh nghiệm và là một nhà đàm phán tuyệt vời. Đây là lần đầu tiên sau 200 năm, một người không có mối liên hệ nào với Lima trở thành Tổng thống” - Rafael Otero, một nhà sản xuất âm nhạc ở Thủ đô Lima nói.

Tại lễ nhậm chức, nhà lãnh đạo cánh tả Peru khẳng định sẽ triển khai các biện pháp cải cách một cách có trách nhiệm, của cải nên được phân phối công bằng cho tất cả người dân, tránh nạn độc quyền. Tân Tổng thống Peru cũng cam kết sẽ tăng cường các chính sách phục hồi cơ sở hạ tầng hoặc cấp các gói hỗ trợ lên tới 700 soles (khoảng 170 USD) cho các gia đình bị ảnh hưởng nhất từ khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra. “Đã đến lúc xây dựng lại khối đại đoàn kết dân tộc. Chúng tôi sẽ làm điều đó một cách dân chủ, tìm kiếm sự đồng thuận của quốc gia. Và tôi đảm bảo rằng, vào ngày 28-7-2026, tôi sẽ trở lại công việc của mình với tư cách là một giáo viên” - ông Castillo nói trong bài phát biểu nhậm chức trước Quốc hội đúng dịp kỷ niệm 200 năm giành độc lập của đất nước.

Quan điểm của Đệ nhất phu nhân

Trước khi chuyển đến Lima, gia đình ông Castillo sống trong ngôi nhà khiêm tốn ở một trong những tỉnh nghèo nhất của Peru sâu trong dãy núi Andes. Không giống như tất cả các cựu Tổng thống của Peru trong 40 năm qua, gia đình Castillo không có nhà ở Lima. Phu nhân Lilia Paredes (48 tuổi) cũng là một giáo viên, cho biết: “Chúng tôi không có bất kỳ tài sản nào ở Lima. Chúng tôi là dân quê, hầu như dân tỉnh lẻ phải mất hàng năm trời mới có cơ ngơi ở thủ đô. Nếu họ bảo tôi đến sống ở nơi khác thì cũng vậy thôi, chúng tôi không phải là vua sống trong cung, chúng tôi đến đây để làm việc” - bà Paredes nói.

Bà Paredes mang đến Lima một số túi đựng thực phẩm tự làm, từ rau cỏ đến sữa bò nuôi tại nhà. Ngôi nhà mà ông Castillo đã xây cách đây hơn 20 năm sẽ do chị gái của bà Paredes chăm sóc. Phu nhân Tổng thống cũng đóng gói sách vở cho 2 con là Arnold (16 tuổi) và Alondra (9 tuổi). Cậu con trai lớn muốn học kỹ sư dân dụng vì thích toán, còn cô con gái nhỏ có thể học ở một trường công lập. Nếu điều đó xảy ra, đây sẽ là lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, con cái của một Tổng thống Peru đăng ký vào học tại các cơ sở giáo dục công lập. Bởi những người quyền lực ở Peru từ lâu đã ưa thích các trường tư thục.

Một số phương tiện truyền thông địa phương đã gợi ý rằng, vào ngày tân Tổng thống nhậm chức, bà Paredes sẽ mặc chiếc váy thời trang cao cấp của một nhà thiết kế tại Lima, nhưng bà dứt khoát từ chối. Phu nhân Tổng thống đã chọn Lupe de la Cruz (một thợ may từ thị trấn Chugur) để may 2 bộ quần áo cho mình. “Tôi thích đơn giản. Chồng tôi thích những gì tôi mặc và tôi thích những gì ông ấy mặc” - bà nói. Trước khi đến Lima, bà Paredes và gia đình đã tham dự một buổi lễ ở nhà thờ Nazarene cách nhà của họ vài mét. Mục sư Victor Cieza đã mời nhiều người từ các làng xung quanh đến chia tay. “Mọi người đều biết chúng tôi. Chúng tôi sẽ không bao giờ quên mình đến từ đâu và sẽ phải trở về đâu, bởi vì chức vị không phải là mãi mãi” - Đệ nhất phu nhân khẳng định.