Phó Thủ tướng: Cần có biện pháp hỗ trợ pháp lý hữu hiệu giúp doanh nghiệp phòng ngừa rủi ro

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp cần đúng và trúng, có biện pháp hữu hiệu để các doanh nghiệp vừa tuân thủ tốt pháp luật, vừa có khả năng phòng ngừa và xử lý tốt rủi ro pháp lý…

Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh tại Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2022 với chủ đề "Nhận diện, tháo gỡ vướng mắc pháp lý: Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển", do Bộ Tư pháp tổ chức sáng nay 20/12.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi nhanh và phát triển bền vững sau đại dịch Covid-19 là nhiệm vụ rất quan trọng, được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ hết sức quan tâm.

Trong những năm qua, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương ngày càng quan tâm nhiều hơn đến công tác này.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh phát biểu tại diễn đàn

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh phát biểu tại diễn đàn

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thẳng thắn, thực tế doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các chương trình, dịch vụ hỗ trợ pháp lý. Hiệu quả của các hoạt động hỗ trợ, tư vấn pháp luật ở một số nơi chưa cao. Nguồn lực dành cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và người dân còn hạn chế.

Trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện với hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm, dưới tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhu cầu hỗ trợ pháp lý để doanh nghiệp vừa hoạt động tốt ở trong nước vừa cạnh tranh hiệu quả ở thị trường nước ngoài là rất lớn.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực, yêu cầu về chất lượng và nội dung hỗ trợ, tư vấn pháp lý sẽ ngày càng cao hơn, đòi hỏi thời gian nhanh hơn, từ đó đặt các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội ngành nghề, các tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ pháp lý trước các nhiệm vụ ngày càng nặng nề hơn, trách nhiệm ngày càng lớn hơn.

Để xác định đúng và trúng nhu cầu của doanh nghiệp, không chỉ ở hiện tại mà cả trong trung và dài hạn, cần có cả tiếng nói của các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia, các tổ chức cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý và đặc biệt là từ cộng đồng doanh nghiệp - đối tượng thụ hưởng trực tiếp của quá trình này.

Quang cảnh Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2022

Quang cảnh Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2022

Trên cơ sở đánh giá nhu cầu của doanh nghiệp, đề xuất các biện pháp hỗ trợ đồng bộ, thiết thực và khả thi, Phó Thủ tướng cho rằng Diễn đàn có thể tập trung vào các nội dung như: Tăng cường khả năng tiếp cận các chương trình, dịch vụ hỗ trợ pháp lý; phòng ngừa và giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư; giảm thiểu rủi ro khi tham gia hội nhập kinh tế quốc tế...

Từ đó đề xuất, kiến nghị những bước đi, lộ trình phù hợp với từng giai đoạn nhằm không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả của các hoạt động hỗ trợ pháp lý dành cho doanh nghiệp.

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, cho biết diễn đàn được tổ chức trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

"Diễn đàn được tổ chức với mục tiêu trở thành một kênh trao đổi, kết nối giữa cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp. Qua những ý kiến phản ánh từ các doanh nghiệp, bộ ngành, địa phương sẽ có thêm thông tin, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp để từng bước có giải pháp tháo gỡ khó khăn"- ông Hiếu nhấn mạnh.

Ngược lại, doanh nghiệp cũng nhận diện được tầm quan trọng của thể chế, pháp luật trong việc đảm bảo ổn định và thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Đồng thời, hiểu rõ hơn về vai trò của doanh nghiệp trong đóng góp ý kiến xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật hiệu quả.

Lãnh đạo Bộ Tư pháp khẳng định không chỉ dừng lại trong khuôn khổ diễn đàn, Bộ sẽ theo đuổi, hỗ trợ nhằm tìm ra lời giải cụ thể, rõ ràng cho những khó khăn, vướng mắc pháp lý đã được nhận diện.