Philippines muốn Mỹ triển khai máy bay do thám tới biển Đông

ANTĐ - Hàng trăm binh sĩ Mỹ và Philippines ngày 2-7 bắt đầu triển khai cuộc tập trận chung hàng năm mang tên Huấn luyện và hợp tác trên biển (CARAT). Cuộc tập trận diễn ra trong 9 ngày tại thành phố biển General Santos, miền Nam Philippines.
Philippines muốn Mỹ triển khai máy bay do thám tới biển Đông ảnh 1
Tàu USNS Safeguard tham gia cuộc diễn tập

Tham gia cuộc tập trận, hải quân Mỹ triển khai 2 tàu USS Vandegrift và USNS Safeguard, 1 máy bay do thám P3C Orion, 1 trực thăng SH-60B và 350 binh sỹ. Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ cử tàu USCG Waesche và 150 binh sỹ tham gia cuộc tập trận này. Hải quân Philippines có 4 tàu BRPs Magat Salamat, Miguel Malvar, Salvador Abcede and Teotimo Figuracion và 400 binh sĩ tham gia cuộc diễn tập. Lực lượng Bảo vệ bờ biển Philippines cũng triển khai tàu chiến BRP Pampanga, máy bay trực thăng và 150 binh sĩ tham gia.

Người phát ngôn lực lượng vũ trang Philippines, Đại tá Arnulfo Marcelo Burgos cho biết, cuộc diễn tập nhằm thử nghiệm khả năng sẵn sàng tác chiến của lực lượng hải quân hai nước và cải thiện sự phòng vệ của hải quân Philippines. Ngoài ra, nét mới trong cuộc tập trận năm nay là diễn tập các phương pháp liên quan đến tác chiến bằng thủy lôi và sử dụng các đơn vị hải quân đặc biệt tham gia tác chiến vào ban đêm.

Cũng trong ngày 2-7, Tổng thống Philippines Benigno Aquino cho biết ông có thể sẽ đề nghị Mỹ triển khai máy bay do thám tại Biển Đông để giúp giám sát các vùng biển tranh chấp, động thái có thể làm gia tăng căng thẳng giữa Manila với Trung Quốc. Theo Reuters, trong một cuộc phỏng vấn, Tổng thống Aquino nói: “Chúng tôi có thể sẽ đề nghị về các chuyến bay đó. Chúng tôi không có các máy bay có khả năng này”, ông Aquino muốn nói tới máy bay do thám P2C của Mỹ.

Ngoài việc cam kết hỗ trợ Philippines tàu chiến và radar giúp Philippines tăng khả năng phòng thủ, Mỹ giờ đây lại đang đề nghị mua chuối của Philippines khi mặt hàng xuất khẩu này trở thành “nạn nhân” sau căng thẳng tranh chấp lãnh thổ giữa Philippines và Trung Quốc.

Trung Quốc - thị trường nhập khẩu chuối lớn của Philippines - đã từ chối nhập khẩu mặt hàng này vì cho rằng chuối Philippines bị nhiễm sâu bệnh. “Cuộc chiến chuối” trở nên căng thẳng kể từ khi xảy ra tranh chấp lãnh thổ ở bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham trên Biển Đông khi hàng nghìn lô hàng chuối của Philippines không được xuất và bị hư hỏng. Nhiều người Philippines cho rằng, đây là sự trả đũa của Trung Quốc liên quan đến việc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.