Philippines dùng chiêu "dương đông kích tây"

ANTD.VN - Trong một tuyên bố mới đây, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết ông đang cân nhắc mua vũ khí của Nga và Trung Quốc, đặc biệt Manila sẽ ngừng tham gia tuần tra chung với các lực lượng quân sự Mỹ trên Biển Đông. Giới phân tích nhận định quyết định gây sốc này của Tổng thống Rodrigo Duterte thực chất chỉ là chiêu “dương đông kích tây” Bắc Kinh và Washington.

Muốn mua vũ khí của Nga và Trung Quốc

Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đưa tin trong bài phát biểu trên truyền hình trước các quan chức quân sự Philippines tại Manila hôm 13-9, ông Duterte tuyên bố 2 quốc gia (song không nói cụ thể là nước nào) đã đồng ý cung cấp cho Philippines một khoản vay trong 25 năm để mua các thiết bị quân sự. Cũng theo ông Duterte, sắp tới Bộ trưởng Quốc phòng và các nhân viên kỹ thuật quân sự Philippines sẽ lên đường sang Nga và Trung Quốc để “lựa chọn những thiết bị tốt nhất”. 

Mặc dù ông Duterte nhấn mạnh rằng ông không muốn cắt đứt “mối quan hệ trọng tâm” với các nước đồng minh nhưng rõ ràng tuyên bố mua vũ khí của Nga và Trung Quốc cho thấy khả năng hiệp ước quốc phòng giữa Philippines và Mỹ được ký kết năm 1951 sẽ sớm không còn hiệu lực. Sau khi có những lời xúc phạm nặng nề Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi tuần trước, Tổng thống Duterte còn đưa ra một quyết định gây sốc khi khi muốn toàn bộ lực lượng đặc nhiệm Mỹ, vốn chịu trách nhiệm cố vấn cho các binh sĩ địa phương chiến đấu chống lại các tay súng hồi giáo cực đoan, rút quân khỏi khu vực miền Nam nước này. Tuy nhiên, phía Mỹ khẳng định chưa nhận được yêu cầu chính thức từ Chính phủ Philippines.

Theo Tổng thống Philippines, ông muốn mua các loại vũ khí “giá rẻ và ở những nơi không bị các thỏa thuận ràng buộc cũng như thông tin minh bạch”. “Tôi không cần các chiến đấu cơ như F-16, bởi chúng tôi không sử dụng tới chúng. Chúng tôi cũng không có ý định tấn công bất cứ quốc gia nào”, ông Duterte nói. 

Dữ liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm cho hay, kể từ năm 1950, vũ khí của Mỹ chiếm 75% tổng số lượng thiết bị quân sự mà Philippines nhập khẩu. Trong khi đó, Nga và Trung Quốc chưa xuất khẩu bất cứ loại vũ khí nào sang Philippines. 

Tuy nhiên, chuyên gia quốc phòng Jon Grevatt tại Viện IHS Janes ở Bangkok cho rằng, Mỹ sẽ thúc đẩy biện pháp ngoại giao để ngăn Philippines mua các hệ thống phòng thủ quy mô lớn từ Trung Quốc. Còn trong năm nay, Manila đã tăng khoản chi tiêu mua sắm vũ khí lên 25 tỷ peso (4,08 tỷ USD), tăng hơn 60% so với năm 2015. 

Chỉ là bài “xui nguyên, giục bị”?

Những tuyên bố gây sốc gần đây của Tổng thống Duterte cho thấy, Philippines đang dần tách khỏi Mỹ, quốc gia đồng minh lâu đời của Manila, để xích lại gần Trung Quốc. Mặc dù hồi tháng 7, Tòa Trọng tài quốc tế đã ra phán quyết phủ nhận chủ quyền phi lý đường chín đoạn của Trung Quốc trên Biển Đông. Phán quyết của Tòa án đã mang lại chiến thắng cho Philippines, quốc gia đệ đơn kiện Trung Quốc hồi năm 2013.

Về phần mình, Bắc Kinh cũng bày tỏ hy vọng nối lại các mối quan hệ với Manila. Trong tuyên bố cuối ngày 13-9 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Thứ trưởng Liu Zhenmin nhấn mạnh chuyến thăm của phái đoàn Philippines là “bước chuyển biến mới” cho mối quan hệ song phương giữa hai nước và hy vọng Philippines “có cách giải quyết tranh chấp phù hợp, đồng thời thúc đẩy quan hệ hai nước bằng con đường đối thoại, tham vấn và hợp tác hữu nghị”.

Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu cấp cao Oh Ei-sun tại Trường nghiên cứu quốc tế S Rajaratnam ở Singapore, tuyên bố mua vũ khí của Trung Quốc từ Tổng thống Duterte vẫn chưa được làm sáng tỏ trong bối cảnh tranh cãi xung quanh phán quyết của Tòa quốc tế vẫn tiếp diễn.

Chủ tịch Viện Nghiên cứu Biển Đông Trung Quốc, ông Wu Shicun, cho rằng Tổng thống Duterte đang muốn thử lòng Mỹ và hy vọng Washington sẽ hỗ trợ Manila nhiều hơn, nhất là thiết bị quân sự. “Hiệp ước quốc phòng song phương giữa Mỹ và Philippines là văn bản pháp lý do Tòa án tối cao Philippines phê chuẩn, do đó một vài tuyên bố của ông Duterte không thể đặt dấu chấm hết cho mối quan hệ quân sự gắn bó giữa hai nước”, ông Wu nhận định. “Vì chưa tin tưởng lẫn nhau, có thể Trung Quốc sẽ không cung cấp vũ khí cho Philippines như mong muốn của ông Duterte. Và thật nực cười nếu như Philippines sử dụng tàu chiến của Trung Quốc để chống lại quân đội Trung Quốc”, ông Wu nói thêm.

Trong khi đó, nhà quan sát quân sự Zhou Chenming thì cho rằng Philippines không đủ dũng cảm và sức mạnh để rời bỏ Mỹ. Do đó, đề xuất mua vũ khí Trung Quốc của ông Duterte chỉ là cách làm xoa dịu Bắc Kinh sau khi Trung Quốc tức giận chỉ trích phán quyết của Tòa quốc tế, chứ không phải là kế hoạch thực tế của Manila. 

Giới nghiên cứu nhấn mạnh đề xuất bằng miệng mua vũ khí Trung Quốc của Tổng thống Duterte chưa thể xem là dấu hiệu cho thấy các tranh chấp trên Biển Đông đã được xóa bỏ, bởi ngay cả khi Philippines xí xóa thì các quốc gia Đông Nam Á vẫn sẽ thực thi theo phán quyết của Tòa án quốc tế. Tương tự, tình hình Biển Đông hiện tạm thời yên lặng nhưng sẽ nhanh chóng nóng trở lại khi một trong các bên tranh chấp có hành động khiêu khích.

Thêm nữa, Philippines sẽ không dễ dàng phớt lờ phán quyết của Tòa quốc tế, bởi Mỹ và Nhật Bản sẽ không để điều này xảy ra. Lý do là Washington và Tokyo đều mong muốn kiềm chế các hành động ngang nhiên của Trung Quốc trên Biển Đông, tuyến đường biển quan trọng mang lại giá trị thương mại hơn 5 nghìn tỷ USD/năm.