Phiên tòa đặc biệt xử tội phạm "thảm sát lịch sử"

ANTD.VN - Tòa án Hình sự Quốc tế ở The Hague, Hà Lan vừa mở một phiên tòa đặc biệt, trong đó bị cáo là một trùm khủng bố al-Qaeda bị truy tố về tội mạo phạm khu di tích cổ Timbuktu, Mali. Những gì diễn ra quanh phiên tòa này cho thấy, ít nhất chúng ta có thể làm được điều gì đó để bảo vệ các di tích cổ trước sự tàn phá man rợ của phiến quân Hồi giáo cực đoan.

Phiên tòa đặc biệt xử tội phạm "thảm sát lịch sử" ảnh 1Timbuktu, Mali được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới nhưng đã bị quân khủng bố phá hoại vào năm 2012

Tội phá hoại công trình lịch sử

Ahmad al-Faki al-Mahdi là thủ lĩnh của nhóm Ansar Dine có liên quan đến Al-Qaeda ở Bắc Phi. Vào năm 2012, đã có lúc nhóm Ansar Dine kiểm soát gần như toàn bộ đất nước Mali, nhưng sau đó bị quân đội Pháp can thiệp và tiêu diệt. Ahmad al-Faki al-Mahdi là phiến quân đầu tiên bị xét xử tại tòa tội phạm chiến tranh. Tuy nhiên, kẻ này ra tòa không phải vì các tội chặt đầu, tra tấn, hãm hiếp… mà là vì tội “thảm sát lịch sử” do đã ra lệnh phá hủy các công trình lịch sử ở Timbuktu, quê hương của hắn suốt 10 ngày vào giữa năm 2012.

Thế giới đã chứng kiến nhiều vụ phá hủy các công trình lịch sử của nhân loại trong vòng 15 năm qua. Năm 2001, Taliban giật đổ đôi tượng Phật ở khu di tích cổ nổi tiếng Bamayan, Afghanistan. Vài tháng sau, các thành viên khác của al-Qaeda làm thế giới rung chuyển với sự kiện 11-9, đâm sập tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại thế giới ở New York. Gần đây, nhân loại đầy xót xa, tiếc nuối khi đội quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tàn phá các bức tượng cổ ở Nimrud ở Iraq hay Palmyra ở Syria. Những phiến quân này hành động nhân danh đạo Hồi, quyết tâm tiêu diệt bất cứ ai và bất cứ điều gì được cho là không thuận theo tư tưởng chúng.

Vì thế, phiên tòa xử al Mahdi mang ý nghĩa đặc biệt bởi “nạn nhân” là các lăng tẩm của các vị thánh Hồi giáo trong một thành phố được coi là một trong những cái nôi của nền văn minh Hồi giáo. Vị công tố viên đứng ra cáo buộc chống lại al Mahdi hôm 22-8 là Fatouh Bensouda, một phụ nữ Hồi giáo người Gambia.

Trong phần mở đầu phiên tòa, công tố viên Bensouda nhấn mạnh: “Phiên tòa này là câu trả lời cho những hành động phá hoại đáng nhớ trong thời đại của chúng ta, trong đó các di sản chung của nhân loại đã bị tàn phá có chủ ý và liên tục”. Bà Bensouda cho rằng, các lăng mộ mà al Mahdi ra lệnh triệt phá “là hiện thân của lịch sử Mali, là di sản của quá khứ còn in nguyên trong trí nhớ và niềm tự hào của những người trân quý chúng”. Công tố viên Bensouda đặt vấn đề: “Cố ý chỉ đạo tấn công các di tích lịch sử và các công trình tôn giáo đủ cấu thành tội phạm chiến tranh bởi nó là cuộc tấn công thâm hiểm vào bản sắc, ký ức và cả tương lai của một dân tộc”.

Đứng trước tòa hôm 22-8, al Mahdi đã thừa nhận tội lỗi của mình. “Tôi mong muốn được người dân Timbuktu tha thứ. Tôi xin hứa rằng đây là sai lầm đầu tiên và cũng là cuối cùng mà tôi phạm phải. Tôi hy vọng, bản án đủ để cho người dân Mali và nhân loại tha thứ cho tôi”, al Mahdi nói. Nhưng dù có thành thật nhận tội, bị cáo đang phải đối mặt với bản án hàng chục năm tù.

Cần hành động trước khi quá muộn

Joshua Hammer, tác giả của cuốn sách mới xuất bản về khu đền Timbuktu cho rằng, vụ xử al Mahdi là “một bước đột phá quan trọng khi nhắc nhở thế giới rằng sự hủy diệt các di sản văn hóa là một trong những hành vi tàn bạo và hiệu quả nhất của những chiến binh thánh chiến khi chúng muốn triệt phá sức mạnh tinh thần của vùng đất mà chúng chiếm đóng”.

Nhưng liệu đây có phải là tiền lệ cho việc xét xử những tên khủng bố IS đã san phẳng và cướp phá các khu di tích thuộc Iraq và Syria? Đáng buồn là điều này gần như không thể do Tòa án Hình sự Quốc tế không có thẩm quyền xét xử vụ việc xảy ra trên vùng lãnh thổ mà chính phủ nơi đó không tham gia Quy chế Rome năm 1998.

Trong số 5 nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, có đến 3 nước gồm Nga, Trung Quốc, Mỹ đều không phải thành viên Quy chế Rome, vì thế hiện thời chỉ có binh lính Anh là những người duy nhất điều tra về tội ác chiến tranh ở Iraq. Và một thực tế khác là dù IS là đội quân đa quốc gia có đủ công dân Pháp, Anh, Đức, Bỉ, Hà Lan, Áo… những kẻ cầm đầu, chịu trách nhiệm cho tội ác hàng loạt lại là người Iraq và Syria nên công tố viên của ICC không đủ thẩm quyền để xử kiện.

Các thợ xây của Timbuktu đang cần mẫn phục dựng lại khu di tích cổ của họ. Họ được coi là những “kho báu sống” bởi vẫn giữ được nghề thủ công độc đáo của cha ông. Nhưng những bức tượng điêu khắc hình sư tử có cánh ở Nimrud và các khu đền đài kỳ vĩ ở Palmyra đã ra đi mãi mãi.