Những đêm hè mất ngủ:

Phát rồ vì ơ-rô

ANTĐ - Thời điểm này, nhiều sinh viên đã về quê nghỉ hè, song vẫn còn không ít người nán lại Thủ đô hòng tìm cách gỡ gạc số tiền, tài sản trót nướng vào cá cược EURO. Thậm chí có sinh viên phải sống cảnh chui lủi, trốn sự truy lùng của các chủ hiệu cầm đồ. 

Còn gì “cầm” nấy

Cầm trên tay giấy xin nghỉ hè có dấu xác nhận của ký túc xá trường, Nam - sinh viên năm 3 trường ĐK Bách Khoa không ra thẳng bến xe về quê mà quyết định xin ngủ nhờ nhà một người bạn. “Mấy trận rồi thua độ nên xe máy, máy vi tính, điện thoại… em đều “gửi” quán cầm đồ hết rồi. Giờ mà về, bố mẹ em biết chuyện thì chết”, Nam tiết lộ. Không chỉ Nam mà rất nhiều sinh viên cũng đang rơi vào tình cảnh “chết dở” vì trót lao vào cá độ EURO. Đến hẹn lại lên, cứ mỗi mùa EURO hay World Cup là dịch vụ cầm đồ lại vào “mùa thu”.

Những phố cầm đồ lâu năm tại đường Láng, Đặng Dung, Nguyễn Trãi, Trường Chinh… và đặc biệt là những hiệu cầm đồ nhỏ lẻ (đa phần tự phát) quanh các trường đại học, cao đẳng luôn tấp nập người ra vào. Khách hàng chủ yếu là sinh viên đến cầm cố tài sản cũng “rất sinh viên”. Ngoài xe máy, điện thoại… sinh viên các trường kỹ thuật thường có “món tủ” là máy tính hoặc laptop đem đi cầm, trong khi với sinh viên những trường nghệ thuật thì thứ cầm cố “ưa thích” là máy ảnh, máy quay. Mục đích duy nhất là để lấy tiền cá độ EURO. 

Dịch vụ cầm đồ mùa EURO cũng “thoáng” hơn ngày thường. Sinh viên có thể chỉ cần mang thẻ sinh viên, hoặc CMND đến cũng có thể cầm được mà không cần tài sản thế chấp, với điều kiện: Phải ghi chính xác địa chỉ quê quán và phải là sinh viên chưa ra trường. Riêng với những sinh viên con nhà “máu mặt”, thủ tục có khi đơn giản chỉ là một tờ giấy vay nợ, số tiền cũng có thể lên đến cả trăm triệu. Thời gian trả theo thỏa thuận đôi bên. Lãi suất thế chấp kiểu này có phần nhỉnh hơn, từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng/1 triệu đồng/ngày. “Lãi suất cao, lại nhiều rủi ro nhưng vì không còn cách nào khác nên đành nhắm mắt làm liều”, một sinh viên cho biết. Rủi ro mà ý sinh viên này muốn nói đến là nhiều trường hợp không trả tiền đúng thời hạn, chủ hiệu cầm đồ vào tận trường đòi nợ, khiến nhiều sinh viên bị cảnh cáo, lưu ban. Cá biệt có trường hợp còn bị côn đồ về tận nhà đòi, đánh đập. 

Hệ lụy khôn lường

 

EURO mới qua hết vòng bảng nhưng các hiệu cầm đồ đã hầu như chật kín. Cùng với đó, không ít sinh viên trắng tay, phải trốn chui lủi tránh sự truy lùng của chủ nợ. Như “trình bày” của Mạnh - sinh viên trường ĐH Bách Khoa thì “Năm nay đa phần các trận đều có tỷ số bất ngờ nên “nhà cái” họ ăn hết”. Khi đã nướng hết tiền của bố mẹ vào cá độ, các “con nợ” xoay sang vay mượn người thân, bạn bè với đủ các lý do và lời lẽ cứ gọi là “ngọt như mía lùi”. Cá biệt, đến bước đường cùng, nhiều sinh viên sẵn sàng lao vào trộm cắp, cướp giật để kiếm tiền gỡ gạc mùa EURO. 

Trở lại với câu chuyện của Nam ở trên. “Thôi tiền thì đã mất rồi, về quê nghỉ hè cho thanh thản rồi lên mà còn học. Năm sau, năm cuối rồi”, tôi khuyên. Ngẫm nghĩ một lúc, mắt Nam bỗng sáng lên như chợt nhớ ra điều gì: “À, hè này lớp em đi thực tập, xin bố mẹ chắc được khoảng 5 triệu. Em sẽ chơi “tất tay” luôn trận tứ kết tối mai, được ăn cả ngã về không. Mà kiểu gì Đức chả ăn Hy Lạp”. Tôi chia tay Nam trong sự bất lực. “Không hiểu bố mẹ cậu khi nhìn gương mặt phờ phạc vì thức đêm và nhất là biết chuyện “động trời” của cậu, họ sẽ đau xót đến đâu”.

Bắt quả tang cá độ bóng đá

22h ngày 18-6, Đội CSĐT tội phạm về TTXH Công an thị xã Sơn Tây bắt quả tang một vụ đánh bạc hình thức cá độ bóng đá, tại nhà Vũ Anh Bình (SN 1974), ở tổ 22B, phường Xuân Khanh, thị xã Sơn Tây gồm 3 đối tượng: Vũ Anh Bình; Triệu Trung Kiên (SN 1990) và Nguyễn Hải Nam (SN 1988), đều ở thôn Kim Đái, xã Kim Sơn, thị xã Sơn Tây. Tang vật thu 3 triệu đồng, 1 quyển sổ ghi cá độ bóng đá. Vụ việc đang được làm rõ.