- Tưởng “thoát” nhưng vẫn bị xử phạt!
- Không có “lỗ hổng” cho người vi phạm
- Kết nối dữ liệu hình ảnh, phạt “nóng” các lái xe vi phạm
- Xin ông cho biết tình hình xử phạt vi phạm giao thông bằng hình ảnh của Công an TP Hà Nội trong thời gian qua?
- Thực hiện kế hoạch của Lãnh đạo Bộ Công an, Cục CSGT Đường sắt đường bộ và Ban Giám đốc CATP Hà Nội, trong năm 2014 Trung tâm chỉ huy đèn giao thông của phòng CSGT Công an TP Hà Nội được nâng cấp lắp đặt 500 camera, trong đó có 100 camera đo đếm phương tiện, 100 camera kiểm tra toàn bộ xe vi phạm giao thông đường bộ và 300 camera giám sát các hoạt động giao thông trên địa bàn Thủ đô. Sau khi thành lập trung tâm, Phòng CSGT đã có kế hoạch báo cáo Giám đốc CATP Hà Nội tổ chức các hoạt động tuyên truyền băt đầu từ tháng 4-2014 và hiện nay các trường hợp vi phạm luật giao thông đường bộ thông qua camera như vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm, đường ngược chiều, đỗ dừng sai quy định, vượt sai quy định... đều đã được xử lý.
- Việc phạt “nguội” được tiến hành như thế nào, thưa ông?
- Việc xử phạt các trường hợp vi phạm bằng hình ảnh camera được tiến hành bằng hai biện pháp. Một là trung tâm chỉ huy đèn giao thông thông qua camera phát hiện sai phạm của phương tiện giao thông sẽ thông báo cho các tổ cảnh sát tuần tra trên đường kiểm tra, bắt giữ và xử lý. Hiện nay, các đơn vị đều có các tổ tuần tra lưu động đi trên đường để kiểm tra xử lý vi phạm. Cụ thể, trong thời gian trước, trong và sau Tết Ất Mùi 2015, lực lượng này đã xử lý hơn 100 trường hợp vi phạm qua camera giám sát theo dõi. Thứ hai nếu trung tâm phát hiện qua camera nhưng chưa có lực lượng xử lý thì Trung tâm chỉ huy đèn giao thông sẽ có giấy mời người điều khiển phương tiện lên xử lý theo quy định của pháp luật.
- Sau một thời gian thực hiện phương pháp phạt “nguội”, ông đánh giá như thế nào về ý thức chấp hành nộp phạt của người vi phạm?
- Nhìn chung các trường hợp vi phạm đều chấp hành việc nộp phạt nghiêm chỉnh. Trong trường hợp người điều khiển phương tiện bị kiểm tra xử lý ngay tại chỗ, sau khi được thông báo lỗi vi phạm thì người dân đều đồng tình và chấp hành nộp phạt ngay. Còn những trường hợp được CSGT mời đến để xử lý, sau khi cho họ xem lại hình ảnh vi phạm được camera ghi lại họ đều công nhận hành vi phạm luật của mình. Hầu hết các trường hợp đều thừa nhận lỗi sai và tự giác nộp phạt.
- Nếu người điều khiển phương tiện giao thông sau khi được thông báo về lỗi vi phạm nhưng vẫn cố tình chây ỳ không chịu nộp phạt thì hình thức xử lý là như thế nào?
- Tất cả các trường hợp khi CBCS đã lập biên bản chúng tôi đều gửi vi phạm theo địa chỉ của chủ phương tiện. Nếu quá ngày mà người vi phạm không đến thì chúng tôi sẽ viết giấy mời mời người vi phạm đến để giải quyết. Nếu người vi phạm vẫn cố tình chây ỳ, chúng tôi sẽ cử cán bộ tiến hành xác minh nhân thân, địa chỉ cũng như cơ quan làm việc để mời lên giải quyết theo quy định của pháp luật.
- Thực tế ở TP HCM đã có trường hợp vi phạm mà tiền nộp phạt lên tới hàng chục triệu đồng, do hành vi vi phạm thường xuyên diễn ra, vậy làm thế nào để không xảy ra tình trạng vi phạm “chồng lên” vi phạm như vậy?
- Đối với những trường hợp vi phạm được camera ghi lại chúng tôi xác định sẽ tiến hành giải quyết ngay, không để xảy ra trường hợp quá hạn hoặc vi phạm nhiều lần dẫn đến số tiền phải nộp phạt cao.
- Trong trường hợp vi phạm luật giao thông được camera ghi lại nhưng người điều khiển phương tiện đi mượn phương tiện của người khác thì sẽ xử lý như thế nào thưa ông?
- Trong quá trình lưu thông mà vi luật phạm giao thông, hành vi vi phạm là của người điều khiển phương tiện, nên người bị xử lý chắc chắn là người điều khiển phương tiện chứ không phải chủ xe. Trong trường hợp như vậy, thông qua chủ xe chúng tôi sẽ xác minh người điều khiển phương tiện vi phạm Luật Giao thông để xử lý. Tuy nhiên, cũng có khó khăn cho lực lượng CSGT là có thể chủ xe chủ xe cho nhiều người mượn xe dẫn đến không biết chính xác được người vi phạm. Ngoài ra, quá trình xử phạt qua hình ảnh sẽ còn gặp phải những khó khăn như xe chưa sang tên đổi chủ, người vi phạm khai địa chỉ chưa chính xác hoặc mua bán qua nhiều chủ. Quan điểm của Phòng CSGT là đề nghị tất cả phương tiện khi tham gia giao thông phải đăng ký đúng chủ theo tên của mình để đảm bảo quyền sở hữu phương tiện. Các trường hợp không sang tên đổi chủ đến làm thủ tục đăng ký sẽ bị xử phạt nghiêm.
- Thưa ông nếu người dân chụp ảnh hay quay được hành vi phạm luật giao thông sau đó gửi cho cơ quan công an thì đây có được coi là cơ sở để xử phạt bằng hình ảnh hay không?
- Đương nhiên đây được coi là cơ sở để lực lượng CSGT tiến hành xử lý vi phạm giống như những hình ảnh thu được từ hệ thống camera giám sát.
- Một số người dân cho rằng, việc xử phạt qua hình ảnh chỉ được lực lượng cảnh sát giao thông thực hiện trong thời gian cao điểm. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Hiện nay trung tâm điều khiển giao thông của Phòng CSGT Công an TP Hà Nội làm việc 24h/24h. Khi phát hiện những tình huống vi phạm Luật Giao thông đều thông báo bằng bộ đàm cho các đơn vị địa bàn để kiểm tra xử lý theo quy định bất kể thời gian nào trong ngày. Trong trường hợp chưa có lực lượng xử lý thì Trung tâm chỉ huy đèn giao thông sẽ có giấy mời người điều khiển phương tiện lên xử lý theo quy định của pháp luật. Tất cả mọi vi phạm của người dân được camera ghi lại sẽ đều bị xử lý.
- Xin ông cho biết, đối với những trường hợp đã bị xử phạt bằng hình ảnh nhưng sau đó vẫn cố tình vi phạm thì phương hướng xử lý của lực lượng Cảnh sát giao thông là như thế nào?
- Đối với những trường hợp ô tô vi phạm nhiều lần chúng tôi đề nghị nếu là xe kinh doanh chở khách thì sẽ cắt “nốt” không cho vào thành phố, đối với taxi sẽ đề nghị tịch thu phù hiệu. Đối với trường hợp là ô tô và xe máy của cá nhân nếu vi phạm hành vi nào thì xử lý hành vi đó. Những trường hợp cố tình vi phạm nhiều lần, tùy theo mức độ quy định của pháp luật có thể sẽ xử lý tước giấy phép lái xe, tạm giữ phương tiện, phạt tiền theo hành vi theo quy định của pháp luật.
- Hiện nay, vẫn còn tình trạng người tham gia giao thông cố tình vi phạm khi không có lực lượng CSGT?
- Ý thức tham gia giao thông của người tham gia giao thông trên địa bàn thành phố cũng như trên cả nước có thể nói nhiều người chấp hành tốt, nhưng cũng có một số bộ phận ý thức chưa tốt. Nếu không có lực lượng CSGT hướng dẫn, chỉ huy, điều khiển giao thông hoặc tuần tra kiểm soát thì ý thức tự giác chấp hành luật giao thông là rất yếu, đi tùy tiện, thiếu sự nhường nhịn lẫn nhau.
- Ông đánh giá thế nào về ý thức của người tham gia giao thông từ khi thực hiện phương pháp phạt “nguội”, ý thức có được cải thiện không thưa ông?
- Nếu lắp được camera nhiều trên đường phố, tôi tin tưởng và chắc chắn rằng ý thức người tham gia giao thông sẽ được nâng lên rõ rệt vì người dân sẽ tự định hình được mình đi trên đường có camera giám sát. Nếu vi phạm sẽ bị xử lý. Tuy nhiên tôi cũng đề nghị Chính phủ, các cơ quan ban ngành quản lý Nhà nước cần phải nâng chế tài xử phạt. Căn cứ vào các hành vi vi phạm để nâng mức xử phạt, có thể tước giấy phép lái xe, thậm chí nếu tái phạm nhiều lần cần phải tịch thu giấy phép lái xe vĩnh viễn. Như vậy mới đủ sức răn đe.
- Có ý kiến cho rằng thời gian qua số lượng xử phạt các trường hợp vi phạm luật giao thông bằng hình ảnh còn chưa nhiều. Quan điểm của ông về việc này thế nào?
- Hiện nay lượng camera để giám sát theo dõi việc vi phạm còn ít, chưa có đủ để cho các lực lượng tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm. Hiện hệ thống camera phát hiện phương tiện vi phạm giao thông mới chỉ có trên tuyến thuộc các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình và Đống Đa. Trong thời gian đầu, chúng tôi mới chỉ tập trung vào việc tuyên truyền nhắc nhở để nâng cao ý thức của người dân. Thời gian tới đây chúng tôi sẽ làm kiên quyết để góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.
- Qua thời gian thực hiện phương pháp phạt “nguội”, ông đánh giá như thế nào về sự tiến bộ của phương pháp này?
- Có thể thấy, việc lắp camera có rất nhiều thuận lợi, không chỉ giúp giám sát toàn bộ tình hình, hoạt động giao thông mà còn kiểm soát được hoạt động cũng như sự kiện diễn ra trên địa điểm đó. Nhiều vụ tai nạn giao thông, người gây tai nạn bỏ chạy đã bị camera phát hiện và ghi lại. Đây chính là tài liệu củng cố chứng cứ. Bên cạnh đó các hình ảnh từ camera còn giúp theo dõi, phát hiện những vụ việc phạm pháp hình sự, trộm cắp, cướp giật, những vụ đánh nhau, gây rối trật tự, tụ tập đông người...
-Ông có thể cho biết việc triển khai xử phạt các vi phạm về Luật Giao thông trong thời gian tới sẽ được tiến hành như thế nào?
- Vừa qua, Phòng CSGT đã thành lập các tổ tuần tra kiểm soát lưu động để đồng bộ xử lý các vi phạm qua hình ảnh. Thời gian tới sau khi hoàn chỉnh việc lắp trên toàn bộ camera trên một số tuyến trọng điểm ra vào thành phố thì chúng tôi sẽ tiếp tục xử lý mạnh hơn, tiến hành làm đồng loạt trên toàn thành phố. Tôi cho rằng việc lắp đặt camera là một bước tiến quan trọng của Công an TP Hà Nội trong việc ứng dụng Công nghệ thông tin vào điều khiển giao thông và bước đầu đã phát huy được hiệu quả cao. Theo tôi, trong thời gian tới chúng ta cần phải nghiên cứu và đẩy mạnh việc này hơn nữa.
- Có ý kiến cho rằng, việc dùng hình thức phạt “nguội” là khó áp dụng đối với nền hành chính còn thiếu đồng bộ ở Việt Nam và lực lượng CSGT sẽ vất vả hơn khi áp dụng phương pháp này, quan điểm của ông thế nào?
- Tôi cho rằng khó thì cũng phải làm. Có đi thì mới thành đường. Nếu chúng ta cứ ngồi một chỗ mà nói khó thì không bao giờ có thể áp dụng được được khoa học tiến bộ trên thế giới. Cách thức này, nhiều nước đã áp dụng từ lâu. Còn vất vả thì khi mới bắt đầu làm việc gì đó phải chấp nhận vất vả, chấp nhận khó khăn. Nếu lực lượng công an mà vất vả để người dân nâng cao ý thức, để đảm bảo an toàn trên những cung đường, vất vả vì sự tiến bộ thì đó là nhiệm vụ mà chúng tôi cảm thấy có ý nghĩa.