Phát hiện VĐV sử dụng doping để giành huy chương SEA Games 29

ANTD.VN - Nước chủ nhà Malaysia vừa cho biết đã phát hiện trường hợp đầu tiên dương tính với doping (các chất cấm sử dụng trong thể thao), tuy nhiên tạm thời chưa công bố danh tính VĐV này.

SEA Games 29 đã khép lại ngày 30-8, nhưng các kết quả thử doping với VĐV giành huy chương mới chỉ vào giai đoạn đầu công bố.

Tờ The Star (Malaysia) cho biết BTC SEA Games 29 vừa công bố phát hiện trường hợp 1 VĐV giành huy chương SEA Games dương tính với doping.

Tổng thư ký Ủy ban Olympic, bà Datuk Low Beng Choo xác nhận đã được Ủy ban Y tế và chống doping của SEA Games 29 thông báo về trường hợp VĐV này, tuy nhiên chưa thể công bố danh tính vì phải chờ làm các thủ tục cần thiết liên quan. 

836 VĐV giành huy chương SEA Games phải nộp mẫu thử doping 

Một quan chức Cơ quan chống doping Malaysia (ADAMAS) tiết lộ thêm: "Một VĐV đoạt huy chương tại SEA Games đã dương tính với mẫu thử doping. Người này sẽ có thời gian để xét nghiệm thêm mẫu B và một cuộc điều trần sẽ diễn ra sau đó. Thủ tục này sẽ mất một thời gian".

Đại diện ADAMAS cho biết đã tiến hành lấy mẫu thử đối với 836 người, tất cả đều là những VĐV giành huy chương. Tất cả các kết quả kiểm tra dự kiến sẽ được bàn giao cho BTC SEA Games 2017 và Ủy ban chống doping vào ngày 15-9 tới.

Trước sự quan tâm của người dân Malaysia, BTC SEA Games trấn an khi cho biết VĐV bị phát hiện sử dụng doping không phải của nước chủ nhà. Tuy nhiên thông tin này đủ để gây hoang mang cho các VĐV giành huy chương.

Tại SEA Games 29, có 1.334 huy chương được trao. Trong đó, chủ nhà Malaysia giành nhiều nhất với 323 huy chương, xếp sau là Thái Lan (246), Việt Nam (146)...

Chủ nhà SEA Games 29 từng bày tỏ quyết tâm loại bỏ vấn nạn doping khỏi đại hội

Lấy mẫu thử doping là yêu cầu bắt buộc phải chấp hành với VĐV ở bất cứ kỳ SEA Games cũng như đại hội thể thao này. Theo trưởng đoàn Trần Đức Phấn tiết lộ, có khoảng 30 VĐV Việt Nam phải gửi mẫu kiểm tra doping trước giờ SEA Games khởi tranh. Và trong suốt thời gian 2 tuần diễn ra đại hội, BTC sẽ tiếp tục lấy các mẫu thử doping.

Việc lấy mẫu chủ yếu ở các môn thiên về sức mạnh, sức bền như điền kinh, bơi lội hay các môn võ đối kháng. Hầu như tất cả các VĐV giành huy chương tại đại hội vừa qua đều phải kiểm tra doping.

Trong lịch sử SEA Games có nhiều trường hợp bị tước huy chương sau khi phát hiện có sử dụng doping. Được biết đến gần đây là trường hợp VĐV đi bộ 20k nữ, Saw Mar Lar Nwe của chủ nhà Myanmar bị tước HCV SEA Games 2013 bị phát hiện dương tính với doping.

Song phải gần 2 năm sau khi đại hội kết thúc, Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á mới công bố quyết định tước HCV và trao cho người về nhì là Nguyễn Thị Thanh Phúc của Việt Nam trước thềm SEA Games 2015 bắt đầu.

Cá biệt với Olympic, có trường hợp 10 năm sau mới bị tước huy chương bởi khi đó công nghệ mới đủ sức phát hiện chất cấm mà VĐV đã sử dụng.