Phát hiện hơn 14.000 xe vi phạm tải trọng trong năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tính đến hết ngày 11/12, các lực lượng của ngành giao thông đã kiểm tra hơn 89.000 xe, phát hiện hơn 14.000 xe vi phạm tải trọng; xử lý tước 2.244 giấy phép lái xe; xử phạt nộp kho bạc hơn 82 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam thông tin, trong năm 2022, Cục Đường bộ được giao gần 10.500 tỷ đồng để bảo trì hơn 25.000 km quốc lộ. Đến ngày 15/12, giá trị đã giải ngân hơn 9.500 tỷ đồng, đạt 91%, đến hết tháng 12/2022 sẽ hoàn thành 100% dự toán chi năm 2022.

Liên quan đến đảm bảo ATGT, ông Cường cho biết, năm qua, Cục đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 26 điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT; bổ sung gần 700 km hộ lan, bổ sung sơn kẻ đường, biển báo đường bộ; sửa chữa kịp thời các công trình đường bộ bị hư hỏng tại các dự án sửa chữa định kỳ năm 2022, sửa chữa bảo đảm giao thông, khắc phục hậu quả thiên tai.

Lực lượng chức năng kiểm tra xe tải có dấu hiệu quá tải trọng

Lực lượng chức năng kiểm tra xe tải có dấu hiệu quá tải trọng

"Cục Đường bộ Việt Nam đã chỉ đạo ra quân thực hiện đợt cao điểm xử lý xe quá tải tại khu vực, tuyến đường có nhiều phương tiện có dấu hiệu vi phạm về tải trọng. Tính đến hết ngày 11/12 đã kiểm tra hơn 89.000 xe, phát hiện hơn 14.000 xe vi phạm. Xử lý tước 2.244 giấy phép lái xe; xử phạt nộp kho bạc hơn 82 tỷ đồng", ông Cường cho biết.

Cũng theo ông Cường, trong năm 2022, đã hoàn thành thu phí điện tử tự động không dừng trên toàn quốc, có 147 trạm thu phí với tổng số 857 làn thu phí đã được đầu tư, lắp đặt hoàn thiện thiết bị thu phí điện tử không dừng; các tuyến cao tốc đã thực hiện thu phí điện tử không dừng hoàn toàn từ ngày 1/8/2022. Đến 1/12, có hơn 4,2 triệu phương tiện trên toàn quốc đã dán thẻ đầu cuối, đạt tỷ lệ 92%.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, trong 5 lĩnh vực, đường bộ đã tiên phong đi đầu trong ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là trong bảo trì đường bộ. Ngành đường bộ đang có nhiều loại dữ liệu như đào tạo lái xe, vận tải, dữ liệu cầu đường nhưng còn manh mún, phân tán.

Vì vậy, Cục Đường bộ Việt Nam cần nghiên cứu xây dựng mô hình trung tâm dữ liệu của ngành mang tính kết nối cao. Đây sẽ là khâu đột phá của ngành nếu thực hiện thành công.