Phát động chiến dịch chống bài ngoại

ANTD.VN - Không chỉ gặp vô vàn hiểm nguy trên con đường rời bỏ quê hương đi lánh nạn, những người di cư còn phải đối mặt với chủ nghĩa bài ngoại đang trỗi dậy ở những nơi mà họ từng ngỡ là “miền đất hứa”.

Phát động chiến dịch chống bài ngoại ảnh 1Người tị nạn bị phân biệt đối xử sau khi đổ vào “miền đất hứa” châu Âu

Hội nghị cấp cao về người di cư và tị nạn diễn ra ngày 19-9 tại trụ sở của LHQ ở New York (Mỹ) đã lên tiếng cảnh báo những nguy cơ từ chủ nghĩa bài ngoại đang lên cao tại châu Âu trước làn sóng người di cư có thể lan rộng ra toàn cầu và đe dọa nhiều quốc gia. Cao ủy LHQ về nhân quyền Zeid Ra'ad Al Hussein kêu gọi các nước chống lại “những phần tử cố chấp lợi dụng vấn đề chủng tộc” đang tìm cách gây hại cho người tị nạn vốn đã là bộ phận dễ tổn thương nhất.

Ông Alexis Tsipras, Thủ tướng Hy Lạp - quốc gia đang là một trong hai điểm đến đầu tiên của dòng người tị nạn khổng lồ từ khu vực Trung Đông -  cho biết, đã có tới hơn 1,2 triệu người di cư đã vào biên giới nước này chỉ trong năm 2015. Ông Tsipras cảnh báo, nếu cộng đồng quốc tế không sớm có giải pháp thì cuộc khủng hoảng di cư sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho tình trạng phân biệt giữa các quốc gia và lực lượng bài ngoại. 

Mối lo ngại về chủ nghĩa bài ngoại trỗi dậy khi mà thế giới, đặc biệt là châu Âu, đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng di cư được xem là tồi tệ bậc nhất từ trước tới nay. Theo Văn phòng của Cao ủy LHQ về người tị nạn, tính tới cuối năm 2015, toàn thế giới có 65,3 triệu người không có nhà cửa, tăng mạnh so với con số 5 triệu người năm 2014 và là con số cao nhất kể từ Chiến tranh Thế giới II. Trong số này có 21,3 triệu người tị nạn, 3,2 triệu người đang xin tị nạn và 40,8 triệu người di cư. 

Hầu hết những người phải rời bỏ quê hương ra đi đều bị đe dọa tính mạng trên đường tháo chạy: bị chết đuối trên biển, chết dần chết mòn hay bị bóc lột tàn bạo. Đáng nói là không ít trong số những người may mắn sống sót, đến được một nơi nào đó để trú ngụ, lại phải thường xuyên phải sống trong sự sợ hãi, bị tấn công bạo lực, bị vi phạm nhân quyền và không được tiếp cận các dịch vụ cơ bản. 

Dòng người tị nạn khổng lồ từ các quốc gia xung đột ở Trung Đông và Nam Á như Syria, Iraq, Afghanistan… đổ vào châu Âu làm gia tăng mạnh chủ nghĩa bài ngoại, thậm chí cả chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Trong khi nước Anh đã phải không ngừng báo động về nạn kỳ thị người nước ngoài bùng lên từ sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 23-6 vừa qua, thì những đối tượng cực hữu tại Đức cũng thành lập phong trào “Người châu Âu yêu nước phản đối Hồi giáo hóa phương Tây” (gọi tắt là Pegida).

Không để những người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn  chịu thêm nỗi đau, Ngoại trưởng của 193 quốc gia thành viên LHQ tham dự Hội nghị cấp cao về người di cư và người tị nạn đã thông qua Tuyên bố New York, trong đó bao gồm những cam kết triển khai một kế hoạch đồng bộ để giải quyết vấn đề người di cư và người tị nạn một cách hiệu quả hơn.

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon dịp này đã phát động một chiến dịch toàn cầu chống chủ nghĩa bài ngoại. Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 20-9 cũng đã chủ trì một hội nghị thượng đỉnh thứ hai về vấn đề người di cư bên lề Khóa họp 71 Đại Hội đồng LHQ để thu hút thêm tài trợ và hỗ trợ để người di cư hòa nhập cuộc sống tại nơi đến tị nạn.