Phát cáu vì… iPhone 6

ANTĐ - Iphone 6 và Iphone 6 plus được tung ra thị trường đã tạo nên “cơn sốt” ở nhiều nước. Tại Việt Nam, không ít người sẵn sàng bỏ ra hàng chục triệu đồng để được sở hữu chiếc điện thoại đời mới này. Song, nếu không tìm hiểu kỹ, khách hàng rất dễ vớ phải “quả đắng”…

Phát cáu vì… iPhone 6 ảnh 1Mê Iphone 6, một số người không chỉ phải bỏ ra số tiền lớn mà còn chuốc lấy sự bực mình

Treo đầu dê, bán thịt chó

Hiện có nhiều cá nhân kinh doanh hàng “xách tay” và hàng chính hãng rao bán iPhone 6 hay iPhone 6 Plus trên mạng. Tuy vậy, khi đến mua hàng, không ít khách hàng tỏ ra bức xúc vì thực tế không giống như quảng cáo trên các trang web. Tiếp xúc với phóng viên ANTĐ, anh Trần Sơn - sống tại tòa nhà Sông Đà (đường Hoàng Minh Giám, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, sau khi tham khảo giá bán iPhone 6 trên một số trang web, sáng 3-10, anh Sơn gọi điện đến một điểm bán điện thoại trên đường Thái Hà, quận Đống Đa và được nhân viên ở đây cho biết, giá bán iPhone 6 bản 64 GB màu vàng là 20,6 triệu đồng.

Cũng theo nhân viên này, hàng luôn có sẵn và được bán với giá thấp nhất Hà Nội, ngoài ra khi mua, khách hàng có thể nhận được một trong các món quà khuyến mại như: kính Ray-Ban, đồng hồ Armani/Tisot thời trang, gói phần mềm-Games bản quyền 50 triệu, thẻ bơi trị giá 1.800.000 đồng, pin dự phòng, tai nghe, dán màn hình từ tính 3 lớp, bút cảm ứng… 

Nhận thấy đây là mức giá “mềm” ở thời điểm hiện tại, anh Sơn đã đến cửa hàng để mua sản phẩm. Song, những gì diễn ra ở đây khiến anh Sơn thất vọng. Mặc dù giá đăng trên web là 20,6 triệu đồng nhưng nhân viên bán hàng khẳng định đây chỉ là giá dành cho người đặt hàng trước 10 ngày và không có bảo hành. Do chuẩn bị đi công tác nên anh Sơn đành chấp nhận mua điện thoại với giá 21,6 triệu đồng. Không chỉ có vậy, khi hỏi về quà tặng, nhân viên đã đưa cho anh Sơn tấm dán màn hình, bút cảm ứng, tai nghe, kính mắt… để lựa chọn.

“Nghe có vẻ hoành tráng nhưng có lẽ món quà tặng có giá trị là miếng dán màn hình, “kính mắt hàng hiệu” chẳng khác gì hàng chợ, còn gói phần mềm bản quyền 50 triệu thực chất là những phần mềm miễn phí. Bên cạnh đó, mặc dù cửa hàng chấp nhận thanh toán bằng thẻ visa nhưng khi quẹt thẻ, khách hàng sẽ bị mất phí thêm 2%. Cách quảng cáo một đằng, làm một nẻo của cửa hàng này khiến tôi rất bực” - anh Sơn chia sẻ. 

 Cần thận trọng xem xét 

Ngoài mua hàng “xách tay”, mua tại các cửa hàng, một số người tiêu dùng còn sử dụng dịch vụ đặt mua iPhone mới từ nước ngoài. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dịch vụ này đã khiến nhiều khách hàng nản lòng bởi thời gian giao máy thường không chắc chắn, thậm chí bị chậm đến hàng tháng, trong khi đó giá máy lại biến động… từng ngày. Bên cạnh đó, để được sở hữu sản phẩm, khách hàng phải đặt cọc trước. Điều đáng nói là hầu hết các điểm nhận đặt iPhone đều lập lờ, không ghi rõ mức giá cuối cùng mà khách hàng phải trả. Nếu thấy số lượng sản phẩm mới về Việt Nam hạn chế, họ sẵn sàng tăng giá kiếm lời. Khi đó, khách mua bị đẩy vào hoàn cảnh “đâm lao phải theo lao” vì nếu không chấp nhận có thể sẽ mất toàn bộ tiền đặt cọc. 

Về việc xác định chất lượng của điện thoại iPhone mới, theo ông Nguyễn Hà Anh - kỹ sư công nghệ thông tin - Học viện Bưu chính viễn thông, để tránh mua phải hàng giả, nhái, hàng cũ kém chất lượng người mua cần kiểm tra kỹ số IMEI/Serial máy trên trang chủ Apple và so sánh với số in trên vỏ hộp. Để xem màn hình còn mới hay không, người dùng có thể dán 1 lớp băng dính trắng lên, nếu việc bóc băng dính ra dễ dàng thì đó là màn hình chuẩn, còn nếu bóc khó thì rất có thể là màn hình đã được thay thế. Bên cạnh đó, khách hàng nên kiểm tra tính năng cảm ứng của máy bằng cách giữ một biểu tượng trên màn hình, rồi di chuyển nó. Người dùng cũng có thể tắt máy rồi mở lại để kiểm tra điểm chết. Ngoài ra, người mua cũng cần xem kỹ các phím Home, nút nguồn, nút điều chỉnh âm lượng… Việc thử độ nhạy của wifi, vị trí camera, viền màn hình, ốc vít... cũng rất cần thiết.