"Pháo đài bay" B-52 mất khả năng ném bom hạt nhân

ANTD.VN - Máy bay B-52 sẽ không còn khả năng thả bom hạt nhân do Lầu Năm Góc đánh giá rằng, nó không có khả năng tiến đủ gần tới mục tiêu trong môi trường có nhiều hệ thống phòng không hiện đại như hiện nay.

Được ra mắt lần đầu tiên từ năm 1955, máy bay B-52 đã phục vụ trong 62 năm, lâu hơn bất kì mẫu máy bay nào trong lịch sử không quân Mỹ.

B-52 được thiết kế để bay ở độ cao lớn và thả một loạt bom hạt nhân vào mục tiêu của đối phương nếu cần thiết. Trong những năm 1980, mỗi chiếc B-52 từng được trang bị 2 quả bom B-53 có sức công phá lên tới 9 megaton.

Tuy nhiên theo Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ, ngân sách trong năm 2018 của Cơ quan An ninh Hạt nhân quốc gia Mỹ không còn việc trang bị cho B-52 các loại bom hạt nhân. Điều này có nghĩa là B-2 sẽ trở thành mẫu máy bay ném bom duy nhất của Mỹ có thể tấn công mục tiêu bằng bom hạt nhân trọng lực.

B-52 còn có biệt danh là "pháo đài bay"

Điều này được giải thích bằng việc thế giới đã xuất hiện nhiều hệ thống tên lửa phòng không hiện đại, có khả năng bắn hạ dễ dàng những mẫu máy bay không có khả năng tàng hình. Tuy nhiên, B-52 vẫn được trang bị 20 tên lửa hành trình gắn đầu đạn hạt nhân AGM-86B với tầm bắn lên tới 2.500km.

Theo các chuyên gia quân sự, B-52 sẽ dần được chuyển hẳn sang nhiệm vụ thả các loại bom và tên lửa thông thường ở những nơi mối đe dọa từ tên lửa phòng không là nhỏ nhất, ví dụ như trong các sứ mệnh chống khủng bố ở Trung Đông. Không quân Mỹ được cho là có ý định duy trì B-52 hoạt động cho tới năm 2040.