Phân tích 4 điểm quan trọng trong phát biểu đầu năm 2018 của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un

ANTD.VN - Năm 2017, Triều Tiên hàng chục lần tiến hành phóng tên lửa các loại, trong đó có cả tên lửa đạn đạo liên lục địa, đồng thời tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6. Phía Hàn Quốc tích cực tham gia các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế, 2 lần tuyên bố đơn phương trừng phạt Triều Tiên. Hai bên đối lập nghiêm trọng, ở trong trạng thái cắt đứt hoàn toàn quan hệ ngoại giao. Nhưng, tất cả đã thay đổi một cách đột ngột được bắt đầu từ bài phát biểu mừng năm mới 2018 của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. 

Trưởng đoàn đàm phán Triều Tiên Ri Son-gwon (bên trái, phía trước) và Trưởng đoàn đàm phán Hàn Quốc Cho Myoung-gyon (phải) trong cuộc đàm phán tại làng đình chiến Panmunjom ngày 9-1 

Ông Kim Jong-un đã nói những gì? Mới đây, Viện Nghiên cứu Mỹ - Triều Tiên thuộc trường ĐH John Hopkins có trụ sở tại Washington (Mỹ) đã công bố chi tiết bài phát biểu và có những phân tích đánh giá để thấy lập trường của Triều Tiên trong giai đoạn phát triển tiếp theo. Theo đó, bài phát biểu năm mới 2018 của ông Kim Jong-un sau hồi chuông bước sang năm mới 2018 đã hé lộ thái cực khác thường.

4 điểm quan trọng

Phân tích bài phát biểu nhân dịp năm mới có lẽ sẽ tìm được câu trả lời cho việc ông Kim Jong-un dốc sức cải thiện quan hệ với Hàn Quốc. Thứ nhất, tuyên bố hoàn thành sự nghiệp vĩ đại xây dựng lực lượng hạt nhân là thành tựu lớn nhất của năm 2017. Trong bài phát biểu, ông Kim Jong-un không đề cập đến việc tiến hành thử hạt nhân hoặc phóng tên lửa mới, nhưng ông yêu cầu: “Các đơn vị nghiên cứu vũ khí hạt nhân và đơn vị trong ngành công nghiệp quốc phòng phải sản xuất lượng lớn đầu đạn hạt nhân và tên lửa đạn đạo đáng tin cậy đã được kiểm chứng, đồng thời nhanh chóng đưa vào thực tế chiến đấu”.

Phát ngôn này của Kim Jong-un cho thấy, Triều Tiên đã hoàn thành nhiệm vụ mang tính giai đoạn nghiên cứu phát triển tên lửa, hạt nhân, trở thành quốc gia sở hữu hạt nhân, tăng số lượng trong kho vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) và khẳng định lập trường sở hữu hạt nhân của Triều Tiên là không thể xoay chuyển. 

Thứ hai, nhấn mạnh tình hình kinh tế đất nước đang trở nên nghiêm trọng, phải nhanh chóng thúc đẩy xây dựng kinh tế. Ông Kim Jong-un nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu phát triển vũ khí hạt nhân, phải kiên trì xây dựng kinh tế. Từ nay đến khi hoàn thành sự nghiệp vĩ đại của lịch sử, Triều Tiên phải đối diện với sự trừng phạt ngày càng nghiêm khắc của cộng đồng quốc tế, do đó việc dốc sức phát triển kinh tế, cải thiện mức sống của người dân đã trở thành nhiệm vụ cấp bách. Ông Kim Jong-un thừa nhận, lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới Triều Tiên nhưng không vì thế mà nhân dân Triều Tiên chịu khuất phục. 

Thứ ba, ông Kim Jong-un khẳng định, Mỹ không dám phát động chiến tranh đối với Triều Tiên và yêu cầu quân đội “phải luôn duy trì tình thế tác chiến phản công bằng hạt nhân lập tức để đối phó với âm mưu chiến tranh hạt nhân của kẻ thù”. Những phát biểu này của ông Kim Jong-un thể hiện uy lực của vũ khí hạt nhân Triều Tiên, cảnh báo Mỹ không nên hành động thiếu suy nghĩ. Tuy nhiên, Triều Tiên không có ý định chủ động phát động tấn công Mỹ. Triều Tiên sẽ không tùy ý sử dụng vũ khí hạt nhân. Phát ngôn này phần nào làm yên lòng các nước láng giềng và khu vực, đồng thời cũng động viên người dân yên tâm tập trung xây dựng kinh tế. 

Thứ tư, tuyên bố sẽ đối thoại hòa giải với Hàn Quốc. Ông Kim Jong-un sử dụng lượng thời gian khá dài để nói về quan hệ với Hàn Quốc và thể hiện mong muốn nối lại quan hệ hai miền. Ông Kim Jong-un nêu rõ, Triều Tiên và Hàn Quốc nên tiếp xúc, trao đổi, hợp tác và giao lưu rộng rãi, xóa bỏ sự hiểu nhầm và mất lòng tin. Ông Kim Jong-un cũng khen ngợi Thế vận hội mùa Đông là cơ hội tốt để thể hiện địa vị dân tộc, Triều Tiên “chân thành chúc Thế vận hội mùa Đông giành được thành công”, đồng thời cho rằng “với tư cách là một dân tộc cùng chung huyết thống, chúc mừng việc vui của đồng bào và giúp đỡ lẫn nhau là lẽ chính đáng”.  

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un phát biểu đầu năm mới 2018

Lời đề nghị gửi tới Hàn Quốc cho hòa bình và hòa giải

Đa phần những bài phát biểu hoặc xã luận đầu năm mới đều thể hiện mong muốn hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, nhìn lại lịch sử sẽ thấy rằng cho đến nay hai miền Triều Tiên đã tổ chức không biết bao nhiêu cuộc đối thoại, đạt được rất nhiều thỏa thuận nhưng do những lý do khác nhau dẫn đến gián đoạn và thất bại. Các Hiệp định sau ký kết thất bại có khi chỉ vì một lý do nhỏ nhặt. “Hiệp định cơ bản Bắc - Nam”; “Tuyên bố về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên” đầu những năm 90 của thế kỷ XX, hay “Tuyên bố chung Bắc - Nam”; “Tuyên bố về sự phát triển và hòa bình, thịnh vượng của mối quan hệ hai miền Triều Tiên” trong thế kỷ mới cũng rơi vào tình cảnh như vậy.

Điển hình vụ việc nghiêm trọng xảy ra vào tháng 10-2014. Khi ấy, Triều Tiên từng cử 3 nhân vật có tiếng là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Triều Tiên Hwang Pyong-so; Bí thư Đảng Lao động Triều Tiên Choe Ryong-hae và Trưởng ban Mặt trận thống nhất Trung ương Kim Yang-gon tham dự Lễ bế mạc Thế vận hội Incheon và hội đàm với các quan chức cấp cao Hàn Quốc, nhất trí nối lại đối thoại liên Triều. Kết quả là 1 tháng sau, Triều Tiên và Hàn Quốc xảy ra 4 cuộc giao chiến liên tiếp ở vùng biển phía Tây và dọc khu phi quân sự. Mặc dù không xảy ra thương vong, nhưng cuộc đối thoại đã “đổ thêm dầu vào lửa”, mối quan hệ giữa hai miền ngược lại trở nên căng thẳng hơn. 

Thực tế trong bài phát biểu cho thấy chưa thể vội mừng với tiến trình mới nhen lên của hòa bình. Về vấn đề này, lời đề nghị gửi tới Hàn Quốc cho hòa bình và hòa giải đáng được xem xét kỹ hơn. Thực tế là nhà lãnh đạo Triều Tiên nhấn mạnh những mục tiêu cao cả như vậy trong bài phát biểu đầu năm mới không phải là mới mẻ và thường xuất hiện những nghi vấn.

Lưu ý rằng, mặc dù những lời tốt đẹp coi Thế vận hội là một vinh dự lớn cho đất nước, nhưng ông Kim Jong-un vẫn còn để một khoảng xa cách chấp nhận Hàn Quốc và Triều Tiên ngang nhau: “Năm nay có ý nghĩa đối với cả phía Bắc và Nam. Ở phía Bắc người dân sẽ chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày thành lập nước cộng hòa của mình như là một sự kiện tốt đẹp. Còn ở phía Nam, Thế vận hội mùa Đông sẽ diễn ra”. Ông Kim Jong-un đã vô tình bỏ qua thực tế là người dân Hàn Quốc cũng sẽ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập quốc gia của họ trong năm nay? 

Tàu sân bay Carl Vinson của Mỹ sẽ hiện diện ở vùng biển gần bán đảo Triều Tiên trong suốt thời gian diễn ra Thế vận hội mùa Đông 2018

“Chìa khóa” cho vấn đề bán đảo? 

Thực chất, các giải pháp đàm phán về vấn đề Triều Tiên đều có cái đích là quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên. Chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên là yếu tố quan trọng nhất quyết định đối thoại giữa hai miền Triều Tiên và tình hình trên bán đảo. Và “chìa khóa” cho vấn đề bán đảo hiện nằm trong tay Triều Tiên và nằm trong tay Mỹ. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhất trí trì hoãn các cuộc tập trận thường niên “Giải pháp then chốt” và “Đại bàng non” với Hàn Quốc tới giữa tháng 3 sau khi Thế vận hội Paralympic kết thúc nhưng chỉ vì để giữ thể diện cho Hàn Quốc, mà không đáp ứng yêu cầu “dừng hết các cuộc tập trận” do Triều Tiên đưa ra. Ngay trong mấy ngày gần đây, Mỹ tiếp tục tăng cường máy bay ném bom tầm xa B-52, B-2 Spirit và các trang thiết bị quân sự chiến lược đến bán đảo Triều Tiên với ý đồ rõ ràng là triển khai lực lượng hùng mạnh ngay trong lúc diễn ra thế vận hội.

Bên cạnh đó, ngày 6-1, Tổng thống Donald Trump nói với giới truyền thông rằng “để ngỏ khả năng đối thoại qua điện thoại với Kim Jong-un”, nhưng “không phải là không kèm điều kiện”, Mỹ rất kiên quyết trong lập trường buộc Triều Tiên phải ngừng các hoạt động thử nghiệm và tiến tới phi hạt nhân hóa. Rõ ràng điều này hoàn toàn trái ngược với lập trường sở hữu hạt nhân của Triều Tiên.

Nếu Washington và Seoul không ngừng gia tăng sức ép, mà chắc chắn điều đó vẫn sẽ diễn ra, Triều Tiên sẽ phản ứng ra sao? Ông  Kim Jong-un có thể coi đây là bằng chứng về thái độ hung hăng đang chiếm ưu thế của bên kia và sử dụng nó để biện minh cho phản ứng “thích hợp” - điều này có thể dẫn tới việc phóng thử tên lửa hoặc thử hạt nhân tiếp theo.