Phần mềm mô phỏng sát hạch lái xe: Nhiều ý kiến trái chiều, nên bỏ hay giữ?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, qua khảo sát một số cơ sở đào tạo lái xe cũng như ý kiến phản ánh từ người dân cho thấy, còn nhiều nội dung chưa phù hợp trong công tác đào tạo, sát hạch lái xe.

Phần mềm mô phỏng chưa phù hợp?

Đơn cử như việc yêu cầu học viên phải học tập trung lý thuyết 21 buổi, gây nhiều khó khăn cho các học viên. “Các học viên tham gia học đào tạo cấp bằng lái xe đều là người đang có nghề nghiệp, ở nhiều nơi. Hơn nữa, giờ các Bộ, ngành đều đang đẩy mạnh ứng dụng 4.0 trong mọi lĩnh vực, yêu cầu các học viên phải học tập trung 21 buổi lý thuyết rất khó khăn”- ông Quyền nêu ý kiến.

Bởi vậy, thay vì yêu cầu học viên học tập trung thì có thể bằng hình thức học trực tuyến, học qua zoom...

Bên cạnh đó, ông Quyền cũng cho rằng, việc đưa cabin điện tử vào đào tạo, sát hạch các phần mềm mô phỏng là chưa có thí điểm, đánh giá.

Theo ông Quyền, một số nội dung trong đào tạo sát hạch nhận được nhiều phản ánh nhất là phần mềm mô phỏng không phù hợp và cách chấm điểm trong sát hạch.

Phần mềm mô phỏng tình huống giao thông được cho là không phù hợp, không sát thực tế

Phần mềm mô phỏng tình huống giao thông được cho là không phù hợp, không sát thực tế

Cụ thể, phần mềm mô phỏng này chỉ trang bị cho người học khả năng nhận diện tình huống giao thông chứ không phải là kỹ năng xử lý. Bởi đây chỉ là xử lý trên bàn phím, hoàn toàn khác với xử lý trên vô lăng.

Thứ hai, đó là cách chấm điểm. Phần mềm chỉ chấm điểm khi học viên xử lý đúng thời điểm quy định. Tuy nhiên, trên thực tế, lái xe nhận diện tình huống nguy hiểm, xử lý tùy theo khả năng phản xạ của mỗi người.

“Lái xe có thể xử lý sớm một chút hoặc những lái xe nhuần nhuyễn, thành thạo, đủ tự tin, có thể xử lý muộn hơn. Tôi cho rằng cần có nghiên cứu để làm sao sát với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu”- ông Quyền cho hay.

Mục đích là nhận biết, không phải xử lý

Ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam thông tin, phần lớn quy định về công tác đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe đã thực hiện từ rất lâu. Hệ thống văn bản đã ổn định và thường xuyên được cập nhật, tiếp thu các ý kiến góp ý của người học, các cơ sở đào tạo cũng như các Sở, đặc biệt là ý kiến của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam.

Phần mềm mô phỏng đã triển khai từ tháng 6/2022. Ở các nước Anh, Úc, Nhật, Singapore đã áp dụng phần mềm mô phỏng như thế này.

Phần mềm mô phỏng mục đích là để cho người học nhận biết các tình huống nguy hiểm, tình huống mất ATGT. Vì vậy, Cục Đường bộ Việt Nam đã phối hợp với Ủy ban ATGT quốc gia, các cơ quan của Bộ lấy các tình huống mất ATGT, gây ra những vụ tai nạn nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng sau đó mô phỏng lại trên phần mềm 3D. Mục đích là cho người học nhận biết các tình huống chứ không phải là xử lý tình huống.

Phần mềm mô phỏng do Cục Đường bộ Việt Nam đưa ra có 120 tình huống giao thông, dự kiến sẽ được áp dụng vào chương trình dạy và học lái ô tô các hạng B1, B2, C, D, E, F... từ ngày 15/6./2023.

“Phần mềm này là nhận biết các tình huống. Nhận biết là khi tình huống xuất hiện mình mới nhận biết được. Còn nếu phán đoán, xử lý trước thì coi như tình huống đó chưa xuất hiện đã nhận biết rồi, như vậy không đúng với tiêu chí của phần mềm. Vì thế, người học cũng cần phải hiểu được bản chất của phần học này.

Ngoài ra, khi hiểu nguyên lý của 120 tình huống thì có thể đạt được điểm ngay từ lần đầu thi. Có nhiều người cũng đạt ngay lần đầu dự sát hạch trên phần mềm mô phỏng”- ông Thống cho hay.

Cũng theo ông Thống, thời gian đầu khi triển khai phần mềm mô phỏng thì tỷ lệ học viên thi đạt chỉ ở mức 40-50%. Sau đó, Cục Đường bộ đã tiếp thu các ý kiến và có chỉnh sửa, hiện tỷ lệ đạt báo về từ các Sở GTVT đã lên tới 70-80%.

“Hiện, Bộ GTVT đang tiếp tục giao cho Cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với các cơ quan để nghiên cứu, xem xét điều chỉnh tiếp cho phù hợp với thực tế, trong đó có lưu ý tới khu vực nông thôn, khu vực vùng núi tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số”- ông Thống thông tin.

Bên cạnh đó, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ xem xét điều chỉnh thời gian, các hình ảnh trên các tình huống làm sao cho rõ ràng, rõ nét để người học dễ nhận biết.

Đặc biệt, Cục Đường bộ sẽ báo cáo Bộ GTVT xem xét đối với những trường hợp đã được cấp giấy phép lái xe, nhưng do quá hạn hay bị mất, có cần thiết phải thi lại phần mềm mô phỏng không.