Phân làn giao thông: Phải thay đổi từ ý thức

ANTĐ - Sở GTVT Hà Nội đang trình thành phố phương án phân làn thêm 8 tuyến phố. Theo nhận định sẽ rất khó thực hiện, song, ý thức tham gia giao thông cần phải thay đổi qua thời gian để tránh tình trạng hỗn loạn như hiện nay.

Phân làn giúp giao thông bớt lộn xộn, ùn tắc hơn

Tiếp tục phân làn rộng rãi

Ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội đánh giá, giao thông Hà Nội hiện được “liệt” vào hàng nhất nhì thế giới về chủng loại phương tiện và tình trạng lộn xộn. Bởi vậy việc phân làn có ý nghĩa rất quan trọng nhằm tổ chức, sắp xếp lại giao thông (GT) trên địa bàn TP. Đây cũng là một trong những biện pháp để giảm TNGT và ùn tắc giao thông. “Tổ chức phân làn GT để tạo ý thức cho người tham gia GT, xây dựng văn hóa GT, nếu tổ chức làm tốt, khả năng thông xe sẽ tốt hơn hiện nay, ông Tân nói.

Hiện, việc phân làn đã được Sở GTVT tổ chức trên các tuyến Trần Khát Chân, Đại Cồ Việt, Giải Phóng, phố Huế - Hàng Bài và Bà Triệu. Vào ngày 15-10 tới, sẽ tiếp tục phân làn trên tuyến Nguyễn Trãi, Kim Mã - Voi Phục. Ngoài ra, từ nay tới cuối năm, sẽ triển khai tiếp trên 8 tuyến. Đánh giá về hiệu quả phân làn trên 5 tuyến phố đang thực hiện, ông Tân cho biết: “Bước đầu đã đạt được sự đồng thuận từ lãnh đạo tới người dân. Dần dần nâng cao ý thức của người tham gia GT, đi đúng làn đường khi tham gia trên các tuyến đã được tổ chức, tạo thói quen văn minh, đô thị. Giảm thiểu các xung đột giao thông trên tuyến, tăng khả năng thông hành của các phương tiện, giảm TNGT”. Ông Tân cho rằng, theo chỉ đạo của Chính phủ thì Hà Nội phải tổ chức phân làn trên tất cả các tuyến phố, song Sở GTVT Hà Nội sẽ xem xét, tùy  thuộc vào điều kiện để triển khai.

Ông Tân cho biết, qua khảo sát cho thấy, hầu hết xe ô tô và 80% xe máy đã đi đúng phần đường của mình. Chỉ còn một số ít vi phạm do cố tình hoặc lái xe từ nơi khác về còn bỡ ngỡ. “Không thể để một Thủ đô mà giao thông lộn xộn như vậy. Sẽ quyết tâm thực hiện phân làn rộng rãi, thay đổi được ý thức tham gia GT của người dân”, ông Tân tin tưởng.

Sắp xếp giao thông trên nhiều tuyến

Tỷ lệ người chấp hành đúng làn đường mà Sở GTVT đưa ra chưa thực sự thuyết phục. Nhiều người cho rằng, tình trạng lộn xộn vẫn xảy ra, nhất là hết quãng đường có dải phân cách cứng thì ô tô, xe máy lại hòa làm một. Đó còn chưa kể, nhiều trường hợp đã đâm phải cột biển báo, dải phân cách. Lý giải về việc này, ông Tân cho rằng, đó là do ý thức của người tham gia GT còn kém. Ông Tân nói: “Cách đặt biển báo phân làn như hiện nay đã là tối ưu cho người tham gia GT. Còn để đâm vào dải phân cách, cột đèn tín hiệu thì bản thân người tham gia GT phải xem xét lại mình”.

Song, ông Tân cũng thừa nhận những khó khăn trong phân làn hiện nay. Khó khăn lớn nhất là những tuyến phân làn đều trong nội đô có lượng người tham gia GT lớn, thường xuyên có nguy cơ ùn tắc. Hơn nữa, khoảng cách giữa các nút giao lại ngắn, lượng cơ quan, trường học, nhà dân hai bên đường dày đặc. Trong khi đó, ý thức chấp hành Luật Giao thông của một bộ phận người dân còn kém. Chỉ trong chưa đầy một tháng, việc va quệt đã làm xoay lệch 40 biển, hư hỏng phải thay mới 23 cột, gãy phải trồng lại 138 cột biển báo, đặc biệt có 4 Thanh tra GT bị va quệt khi thực hiện nhiệm vụ phân làn.

“Dù biết là khó, nhưng Sở GTVT sẽ phối hợp với các lực lượng như công an… để tiếp tục phân làn. Từ nay tới cuối năm sẽ phân làn tiếp trên tuyến Yên Phụ, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Lê Văn Lương, Nguyễn Văn Linh, Hoàng Quốc Việt. Thay đổi một thói quen cố hữu không đơn giản, chúng tôi cố gắng từ từ theo thời gian sẽ thay đổi được nhận thức của người dân, để người dân hiểu và chấp hành”, ông Tân cho biết. Tuy nhiên, việc phân làn ban đầu chủ yếu vẫn hướng đến tuyên truyền, phổ biến người dân chấp hành, chưa thực hiện xử phạt.

Bên cạnh đó, Sở GTVT Hà Nội phối hợp với Bộ GTVT tổ chức, sắp xếp lại GT trên một số tuyến đường. Theo đó, Sở này đang xem xét chuyển toàn bộ xe máy đi trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ sang Quốc lộ 1A, còn QL 1B chỉ dành cho ô tô. Sở sẽ trình Bộ GTVT phê duyệt vào tháng 11, và sang tháng 12 sẽ bắt đầu thực hiện, cấm xe máy đi cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng: “Phân luồng và phân làn đã được làm lâu rồi nhưng hiện duy trì lại cho hợp lý. Còn nó có được tuyệt đối như mình mong muốn không thì là rất khó nhưng nó sẽ có cải thiện. Đấy là điều chắc chắn. Bởi vì trước mắt sẽ phân làn vận động, hướng dẫn ban đầu, còn sau này cùng việc hướng dẫn thì sẽ phạt. Trong điều kiện đường xá hẹp, hạ tầng chỉ có thế thì phân làn sẽ giúp giao thông lưu thông tốt, trật tự ngăn nắp hơn, không gây ùn tắc cục bộ. Khi rẽ thì phải cắt từ làn này sang làn kia, sau này sẽ làm các đường trên cao nhẹ để lưu thông. Việc phân làn là có hiệu quả giảm ùn tắc chứ không thể nói là không có tác dụng được”.