Phải tăng trích lập dự phòng, kéo giảm rủi ro nợ xấu ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dù bức tranh nợ xấu ngân hàng 9 tháng đầu năm vẫn chưa phản ánh hết mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng đã phần nào cho thấy những khó khăn mà ngân hàng phải đối mặt...
Nợ xấu các ngân hàng đã có xu hướng gia tăng trong quý III/2021

Nợ xấu các ngân hàng đã có xu hướng gia tăng trong quý III/2021

Nợ xấu nhích tăng

Trong 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, hiện mới có VietinBank và Vietcombank công bố báo cáo tài chính quý III. Theo đó, tại VietinBank, nợ xấu tại ngân hàng có xu hướng gia tăng với mức tăng gấp đôi so với hồi đầu năm, lên 18.097 tỷ đồng. Trong đó, đáng ngại nhất là nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) nhảy vọt gấp tới 7,2 lần, từ mức 1.611,6 tỷ đồng lên 11.630 tỷ đồng. Cùng với đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới chuẩn) cũng tăng 57% từ 1.857 lên mức lên 2.923 tỷ đồng. Ngược lại nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) lại giảm 41% từ mức trên 6.050 tỷ đồng xuống còn 3.543 tỷ đồng. Như vậy, tỷ lệ nợ xấu của VietinBank tăng mạnh từ 0,94% của đầu kỳ lên 1,67%.

Đối với Vietcombank, trong 9 tháng đầu năm, dư nợ cho vay khách hàng tăng 11,5% đạt 936.343 tỷ đồng. Tuy nhiên, cũng giống như VietinBank, nợ xấu ngân hàng đã tăng mạnh, gấp đôi trong 9 tháng đầu năm 2021 lên 10.884 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng mạnh nhất, gấp 14 lần cùng kỳ lên 3.122 tỷ đồng. Ngoài ra, nợ nhóm 5 cũng tăng 44,8% lên 6.279 tỷ đồng; nợ nhóm 3 tăng 122% lên 1.483 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 0,62% lên 1,16%.

Tại nhóm ngân hàng tư nhân, Techcombank cũng ghi nhận nợ xấu tăng 41% so với đầu năm, lên 1.829 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 3 tăng mạnh nhất đến 74%, lên mức trên 727 tỷ đồng, nợ nhóm 4 và nhóm 5 cùng tăng khoảng 23% lên lần lượt 658,8 và 443 tỷ đồng. Tính chung, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tại ngân hàng tăng từ 0,47% đầu năm lên 0,57%. Tương tự, ngân hàng ACB cũng ghi nhận nợ xấu tăng mạnh hơn 50% so với hồi đầu năm, đưa tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,6% lên 0,8% sau 9 tháng. Trong đó, nợ nhóm 3 tăng hơn 200% lên 639 tỷ đồng; nợ nhóm 4 cũng tăng gần 80% lên 724 tỷ đồng; nợ nhóm 5 tăng 20% lên 1.460 tỷ đồng.

Trong quý, ngân hàng cũng tăng trích lập dự phòng rủi ro lên tới 820 tỷ đồng, tăng tới 4 lần so với cùng kỳ. Tại MB, dù tổng nợ xấu giảm nhẹ 2%, về 3.186 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,09% về 0,95%, tuy nhiên một số nhóm nợ lại có xu hướng tăng. Cụ thể, nợ nhóm 3 tăng từ 889,7 tỷ đồng vào đầu năm lên 1.220,6 tỷ đồng; nợ nhóm 4 từ 973,5 tỷ đồng lên 1.112,3 tỷ đồng. Ngược lại, nợ có khả năng mất vốn tại ngân hàng lại giảm mạnh từ 1.384,5 tỷ đồng xuống 853,4 tỷ đồng. Ngân hàng cũng đã tăng trích lập dự phòng rủi ro khách hàng thêm 70,4% đạt 7.418 tỷ đồng.

Đối với HDBank, nợ xấu tính đến cuối tháng 9 là gần 2.625,5 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ gần 1,4% và tăng gần 10% (hơn 223 tỷ đồng) so với hồi đầu năm. Trong khi nợ nhóm 4 giảm thì nợ nhóm 3 và nhóm 5 lại có xu hướng tăng. Đặc biệt nợ có khả năng mất vốn tăng 56% lên mức hơn 1.153 tỷ đồng. LienVietPostBank cũng ghi nhân nợ xấu tăng nhẹ 10% so với đầu năm, lên mức 2.783 tỷ đồng, trong đó riêng nợ nghi ngờ tăng 1,7 lần, lên 974 tỷ đồng.

Dù các ngân hàng đang được phép cơ cấu nợ theo Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14 nhưng nguy cơ nợ xấu là luôn luôn tiềm ẩn tăng. Ngay cả những khoản nợ nhóm 1 cũng có thể bị ảnh hưởng, bởi khó khăn của doanh nghiệp luôn tiềm ẩn, chuỗi cung ứng bị đứt gãy thì nguy cơ nợ xấu trong tương lai rất cao.

TS Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

SHB cũng ghi nhận nợ xấu ở mức 2,1%, tăng nhẹ so với mức 2,02% cuối tháng 6-2021. NCB cũng tăng thêm 191 tỷ đồng nợ xấu, lên mức 800 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,51% lên 1,94% tính đến cuối tháng 9-2021. Tại ABBank, nợ xấu tăng lên trên 1.939 tỷ đồng từ mức 1.323,8 tỷ đồng hồi đầu năm, tương đương tăng hơn 46%. Tỷ lệ nợ xấu nhà băng này tăng khá mạnh, từ mức khoảng 2,1% lên 2,9%. Trong đó, tăng mạnh nhất là nợ dưới chuẩn, gấp gần 2,9 lần so với đầu năm, lên 604 tỷ đồng.

Ngược lại, ở một số ngân hàng, nợ xấu trên bảng cân đối kế toán có xu hướng tích cực hơn. Đơn cử như TPBank ghi nhận trên 1.377,5 tỷ đồng nợ xấu, tương đương ở mức 1,02%, giảm so với mức1,1% cuối tháng 6. Nợ xấu ngân hàng giảm ở nhóm nợ có khả năng mất vốn với mức giảm gần 42%, xuống còn 302 tỷ đồng. Ngược lại, nhóm nợ nghi ngờ và nợ dưới chuẩn lại tăng nhẹ, lên lần lượt 346 và 729 tỷ đồng. Tại SeABank, tính đến cuối tháng 9-2021, tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,68%, giảm so với mức 1,76% cuối tháng 6-2021. Tương tự, MSB có tỷ lệ nợ xấu cuối quý III/2021 ở mức 1,31%, giảm so với cuối quý II (1,6%).

Lo ngại tảng băng chìm

Trên thực tế, nợ xấu các ngân hàng trong quý III sẽ không phản ảnh đầy đủ bức tranh về sức khỏe ngân hàng trong bối cảnh dịch bệnh, bởi các ngân hàng đang được cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với các khách hàng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Báo cáo mới đây của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến cuối tháng 6-2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng các ngân hàng chỉ tăng nhẹ lên 1,73% so với mức 1,69% vào cuối năm ngoái. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu đến cuối tháng 6 ở mức 3,66%. Tuy nhiên, nếu tính cả các khoản nợ không bị chuyển nợ xấu do được cơ cấu lại theo Thông tư 01 thì tỷ lệ này lên đến 7,21% (cuối năm 2020 là 5,08%). Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh, dự kiến nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm nay của các ngân hàng sẽ ở mức cao, từ 7,1% - 7,7%.

Ngân hàng Nhà nước đánh giá tác động của dịch Covid-19 sẽ có độ trễ đối với ngành ngân hàng cả sang năm 2022. “Chúng ta thường ví von ngành ngân hàng là con thuyền còn nền kinh tế là dòng sông. Nước nổi thì thuyền nổi mà nước xuống thì thuyền cũng xuống theo. Khi nền kinh tế phát triển tốt, doanh nghiệp làm ăn tốt thì nợ xấu thấp, khi nền kinh tế khó khăn, doanh nghiệp khó khăn thì đương nhiên nợ xấu sẽ tăng” - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói.

Còn theo TS Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, dù các ngân hàng đang được phép cơ cấu nợ theo Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14 nhưng nguy cơ nợ xấu là luôn luôn tiềm ẩn tăng. Ngay cả những khoản nợ nhóm 1 cũng có thể bị ảnh hưởng, bởi khó khăn của doanh nghiệp luôn tiềm ẩn, chuỗi cung ứng bị đứt gãy thì nguy cơ nợ xấu trong tương lai rất cao.

Theo kết quả điều tra quý IV-2021 do Ngân hàng Nhà nước thực hiện, có 50,5% tổ chức tín dụng đánh giá mặt bằng rủi ro tăng trong quý III-2021, 33,7% dự báo tăng trong quý IV-2021 và 50,5% dự báo tăng trong cả năm 2021, cao hơn nhiều so với tỷ lệ nhận định ở kỳ điều tra trước (lần lượt là 27,2%, 23,3% và 39,8%). Tương tự, nhiều đơn vị, tổ chức cũng bày tỏ quan ngại về nợ xấu tiềm ẩn. Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, nợ xấu ngành ngân hàng sẽ tăng cao hơn dự kiến và ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng lợi nhuận khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư kéo dài hơn dự tính.

Trong báo cáo chiến lược công bố đầu tháng 10-2021, nhóm phân tích của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho rằng nợ xấu và nợ được cơ cấu lại của ngành ngân hàng sẽ tăng mạnh trong giai đoạn cuối năm 2021, ảnh hưởng lên tốc độ và độ lớn của trích lập dự phòng. Tuy nhiên, nợ xấu sẽ có độ trễ trong việc hình thành, đồng thời có sự lệch pha giữa tốc độ tăng nợ xấu của các nhà băng. Nhóm nghiên cứu kỳ vọng điểm rơi về nợ xấu chủ yếu ở quý cuối năm nay, nhưng các ngân hàng sẽ chủ động trích lập dự phòng, nhất là trong quý III-2021, tùy tình hình và năng lực tài chính của từng ngân hàng. Cùng với đó, theo các chuyên gia, lợi nhuận ngân hàng cũng sẽ bị ảnh hưởng lớn khi ngân hàng đang còn những khoản lãi dự thu, là những khoản dù quyết toán rồi nhưng không thu được thì tương lai sẽ phải thoái thu.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định, tổng dư nợ tái cơ cấu bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ tăng dần, tác động lên lợi nhuận ngành ngân hàng trong năm nay và năm tới, do phải tăng trích lập dự phòng rủi ro. Theo Thông tư 14, ngân hàng phải trích 30% dự phòng phần dư nợ tái cơ cấu vào cuối năm 2021 và tăng dần lên 100% cho đến cuối năm 2023. Bên cạnh đó, một số ngân hàng có tỷ lệ lãi dự thu trên tổng tài sản tương đối cao, có thể khiến lợi nhuận chưa được phản ánh chính xác, làm tăng rủi ro tiềm ẩn nếu ngân hàng không thu được các khoản lãi dự thu này ở tương lai.