P2P Lending trước nguy cơ đổ vỡ dây chuyền: Cơ quan quản lý không thể “khoanh tay đứng nhìn”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sự cố mất thanh khoản ở nhiều công ty cho vay ngang hàng thời gian qua đã gióng lên hồi chuông cảnh báo các cơ quan quản lý cần đẩy mạnh hơn nữa việc hoàn thiện hành lang pháp lý để tránh sự sụp đổ cho thị trường non trẻ này.

Doanh nghiệp thừa nhận 'lách luật'

Như An ninh Thủ đô đã thông tin, sự đổ vỡ trên thị trường cho vay ngang hàng (P2P Lending) bắt nguồn từ sự việc ứng dụng P2P Lending có tên VO247 mất thanh khoản, không có khả năng trả nợ cho nhà đầu tư.

Ngay sau đó, một công ty P2P Lending khác là Fiin Credit đã tuyên bố đứng ra hỗ trợ VO247 thông qua việc sẽ nhận trả cả gốc lẫn lãi cho VO247. Điều này, theo CEO Fiin Credit, là nhằm ngăn khả năng vỡ nợ dây chuyền trên thị trường cho vay ngang hàng vốn còn rất non trẻ tại Việt Nam.

Đáng nói, chỉ sau vài ngày tuyên bố “giải cứu” VO247 thì chính Fiin Credit cũng phải công bố tình trạng mất thanh khoản. Điều này càng khiến cộng đồng các nhà đầu tư P2P Lending hoang mang, dẫn đến làn sóng rút tiền lan rộng sang tất cả các ứng dụng P2P Lending khác.

CEO Fiin Credit Trần Việt Vĩnh sau đó đã có nhiều lần trao đổi với nhà đầu tư và cho biết, Công ty đang rơi vào tình trạng âm tiền, phải đi vay nóng để trả cho nhà đầu tư, 'chảy máu' nhân sự…

Lý giải tình trạng này, ông Vĩnh thừa nhận là do Công ty đã “lách” quy định, huy động tiền từ nhà đầu tư ngắn hạn nhưng cho vay dài hạn.

Cụ thể, từ năm 2019, công ty này chuyển đổi từ cho vay khách hàng cá nhân rủi ro nợ xấu cao sang cho vay tiểu thương vì có độ an toàn cao hơn. Tuy nhiên, các khách hàng này đều yêu cầu vay dài hạn hơn, trong khi nhà đầu tư chỉ có nhu cầu cho vay ngắn hạn.

Chính vì vậy, Fiin Credit đã “lách” để nhận tiền của nhà đầu tư với chu kỳ ngắn (khoảng 30 ngày) và cho vay với kỳ hạn dài 3-12 tháng, rồi thu hồi nợ và xoay vòng.

Mô hình này giúp Công ty đạt hiệu quả lớn trong thời gian đầu. Tuy nhiên, khi những sự cố trên thị trường tài chính xảy ra (đặc biệt là sự cố trái phiếu doanh nghiệp), trong 2 tháng qua, Fiin Credit bị rút vốn ồ ạt dẫn đến doanh nghiệp mất thanh khoản.

Mô hình cho vay ngang hàng tại Việt Nam vẫn chưa có hành lang pháp lý điều chỉnh

Mô hình cho vay ngang hàng tại Việt Nam vẫn chưa có hành lang pháp lý điều chỉnh

Thừa nhận mình có nguy cơ đối mặt với các vấn đề pháp luật nếu nhà đầu tư tố cáo, song ông Vĩnh cho rằng sự cố tại Fiin Credit không phải lừa đảo mà chỉ là do cách làm sai.

“Chúng tôi đã có cách làm sai, sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay dài hạn, dẫn tới mất kiểm soát. Nhưng nếu chúng tôi dính vào pháp lý, kiện tụng, sẽ không có ai đi thu hồi nợ, tâm lý bùng nợ sẽ lan truyền. Vì vậy, mong các nhà đầu tư cho Công ty cơ hội để thu hồi nợ, trả nợ vay nóng của Công ty và hoàn tiền cho nhà đầu tư”, ông Vĩnh nói với các nhà đầu tư.

Cơ quan quản lý không thể “khoanh tay đứng nhìn”

Trên thực tế, mô hình cho vay ngang hàng – P2P Lending không phải quá mới mẻ ở Việt Nam khi nó đã bùng nổ cách đây 4-5 năm. Mô hình này được du nhập từ nước ngoài, tuy nhiên từ mô hình ban đầu là nơi kết nối để người cho vay và người vay tiền gặp nhau, các doanh nghiệp cho vay ngang hàng ở Việt Nam đã biến tướng, 'lách luật' tự huy động vốn rồi cho vay lại.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật ANVI, theo quy định Luật các tổ chức tín dụng thì chỉ có các tổ chức tín dụng mới có quyền huy động vốn của dân chúng. Do đó, nếu các công ty cho vay ngang hàng tổ chức huy động vốn để cho vay thì sẽ phạm luật.

Theo các chuyên gia luật, với mô hình cho vay ngang hàng hoạt động thời gian qua tại Việt Nam, bản chất là một hoạt động cấp tín dụng, nhưng lại không bị điều chỉnh bởi Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật Các tổ chức tín dụng. Do đó, quan hệ vay mượn trong trường hợp này sẽ điều chỉnh theo luật Dân sự.

Tức là nếu công ty cho vay ngang hàng mất khả năng trả nợ hay “xù nợ” thì người cho vay chỉ có thể tự đưa vụ việc ra tòa. Mà đặt trong trường hợp các nhà đầu tư tại VO247 và Fiin Credit thời gian qua, nếu tố cáo 2 doanh nghiệp này ra tòa thì nhà đầu tư cầm chắc mất tiền.

Đáng nói, dù mô hình không hoàn toàn quá mới mẻ và đến nay, theo thống kê “bề nổi” của Ngân hàng Nhà nước đã có tới hơn 100 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, nhưng đến nay vẫn chưa có cơ quan nhà nước nào chịu trách nhiệm quản lý.

Chính phủ cũng đã từng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các bộ, ngành liên quan để nghiên cứu đề xuất biện pháp quản lý phù hợp nhưng đến nay sau hơn 4 năm vẫn chưa có văn bản pháp luật nào điều chỉnh hoạt động này.

Mới đây nhất là hồi tháng 4/2022, hoạt động cho vay ngang hàng đã được NHNN đề cập trong một dự thảo để lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân về nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng. Tuy nhiên đến nay nghị định này vẫn chưa được ban hành.

Rõ ràng, sự đổ vỡ dây chuyền trên thị trường P2P Lending thời gian qua có nguyên nhân chính là việc thiếu hành lang pháp lý điều chỉnh. Đã đến lúc các cơ quan quản lý cần có những động thái thiết thực hơn nữa để tránh sự sụp đổ mô hình này như “vết xe đổ” Trung Quốc ít năm trước.