Ông Putin sắp thắng

ANTĐ - Cuộc bầu cử tổng thống mới ở Nga với 5 ứng cử viên gồm Thủ tướng Vladimir Putin, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Ghennady Ziuganov, Chủ tịch Đảng Tự do-Dân chủ Vladimir Girinovsky, thủ lĩnh Đảng "Nước Nga Công bằng" Sergey Mironov và tỷ phú Mikhail Prokhorov, trong đó có Thủ tướng Nga Vladimir Putin - người được dư luận đánh giá cao về khả năng đắc cử Tổng thống Nga.  Số cử tri Nga sẵn sàng bỏ phiếu cho ông Putin đã lên tới 54,7% theo số liệu của Trung tâm nghiên cứu dư luận xã hội toàn liên bang (VSIOM) và hơn 50% theo Quỹ dư luận xã hội (FOM) Nga.

Để so sánh, tỷ lệ cử tri Nga sẵn sàng bỏ phiếu cho 4 ứng cử viên còn lại theo thông báo của VSIOM và FOM như sau: Chủ tịch Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Diuganov 9,2% và 9%; Chủ tịch Đảng Tự do-Dân chủ Girinovsky 8% và 7%; thủ lĩnh Đảng "Nước Nga Công bằng" Mironov 5% và 2%; tỷ phú Prokhorov 5,8% và 4%.

Tổng Giám đốc VSIOM, ông Valery Fedotov dự báo tỷ lệ cử tri ủng hộ Thủ tướng Putin sẽ còn tăng tiếp. Giám đốc FOM, ông Alexander Oslon cho rằng sở dĩ ông Putin được đông đảo cử tri Nga ủng hộ vì trong nhiều năm lãnh đạo, ông đã chứng tỏ được năng lực quản lý và hoạt động hiệu quả của mình. Ít ai dám phủ nhận vai trò và đóng góp to lớn của ông Putin trong việc vực dậy một nước Nga chìm trong khủng hoảng thời hậu Yelsin. Trong con mắt của một phần đáng kể công chúng Nga, Putin vẫn là một lãnh đạo có thể trông cậy được. Nước Nga vẫn cần có một người lãnh đạo như ông Putin - điều này chính địch thủ của ông là tỉ phú Mikhail Prokhorov cũng phải thừa nhận.

Nhà nghiên cứu chính trị - xã hội kiêm giảng viên Trường Đại học Kinh tế mang tên Plekhanov, Giáo sư Vladimir Burmatov nêu rõ với đà tăng 2%/tuần như hiện nay, đến ngày bỏ phiếu chính thức 4/3, tỷ lệ cử tri Nga ủng hộ ứng cử viên Putin có thể lên tới 60%.

Trong số những người muốn ông Putin trở lại ghế Tổng thống, 59% là các công dân với mức sống trung bình khá cao. Còn những người có thu nhập thấp hơn lại chọn ứng viên của Đảng Cộng sản. Các nhà xã hội học còn cho rằng, kết quả này có được là nhờ các hoạt động năng động trong chiến dịch tranh cử. Theo quy định của luật pháp Nga, các ứng cử viên chạy đua vào Điện Kremlin năm nay đã bắt đầu tiến hành cuộc vận động tranh cử trên những phương tiện truyền thông đại chúng từ ngày 4-2, tức là tròn 1 tháng trước bầu cử Tổng thống. Tất cả các ứng cử viên đều có thể tranh luận trên truyền hình và đài phát thanh, vận động tranh cử bằng các bài báo và trả lời phỏng vấn báo chí, trên Internet và trong các cuộc mít tinh trên đường phố để kêu gọi cử tri dành lá phiếu cho mình.

Tuy vậy, ông Putin từ chối tranh luận trên truyền hình với các ứng viên khác. Các nhà quan sát cho rằng ông muốn xây dựng hình ảnh của một lãnh đạo bận bịu với việc thúc đẩy nền kinh tế, và không có thời gian để tranh cãi với các đối thủ khác (mà theo ngụ ý là chẳng có ai xứng tầm làm đối thủ thực sự). Dù vậy, thông qua các bài viết (dài và liên tục) về các chủ trương phát triển đất nước về mọi mặt, Thủ tướng Putin đã đề xuất các biện pháp chống tham nhũng, một trong những vấn đề bức xúc nhất hiện nay ở Nga. Những hứa hẹn ông đưa ra là một nước Nga dân chủ hơn, thay vì tình trạng "vô Chính phủ và đầu sỏ chính trị" như những thập kỷ trước.

Đặc biệt, khi hơn 70% người Nga tuyên bố theo Chính thống giáo thì những cuộc biểu tình phản đối ở Nga đã không thể làm lay chuyển sự ủng hộ của Giáo hội Chính thống Nga (Orthodox) với Thủ tướng Vladimir Putin. Giáo trưởng Chính thống giáo Kirill không hề giấu giếm việc ông ủng hộ ai trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 4-3 tới. “Ngài đã đóng một vai trò cá nhân to lớn trong tiến trình lịch sử của đất nước này. Nước Nga đã vượt qua những hỗn loạn của thập niên 1990 sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ nhờ vào một phép màu cao cả và với sự hỗ trợ năng động của những người lãnh đạo đất nước. Tôi muốn nói lời cảm ơn ngài”, Kirill nói với ông Putin đầu tháng này trong một cuộc gặp với các lãnh đạo tôn giáo. Ông Putin cũng đã giành được những lời ca ngợi từ Giáo trưởng Hồi giáo Nga Talgat Tadzhuddin và Giáo trưởng Do Thái Berl Lazar khi ông dự định trở lại điện Kremlin sau 4 năm làm Thủ tướng.

Theo Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga cho biết, Thủ tướng Vladimir Putin đã nhận được hơn 378 triệu Rúp (tương đương 12,7 triệu USD) ủng hộ quỹ bầu cử của mình. Quỹ tranh cử của ông Putin chỉ đứng thứ 2 sau 13,4 triệu USD của ứng viên độc lập, tỷ phú kim loại Mikhail Prokhorov.