Ông Lavrov: EU đang cố không tụt hậu so với Mỹ trong nỗ lực trừng phạt Nga

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov mới đây cho biết, rất tiếc khi Liên minh châu Âu (EU) đã hy sinh lợi ích địa kinh tế và chiến lược của mình vì những mong muốn trước mắt không bị tụt hậu so với Mỹ trong các nỗ lực "trừng phạt Nga".
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov

"Thật đáng tiếc, EU đã chọn con đường hy sinh lợi ích địa-chính trị và chiến lược của riêng mình vì mong muốn trước mắt không bị tụt hậu so với Mỹ trong cái gọi là ‘trừng phạt Nga’. Chúng tôi đã quen với điều này, và thấy rõ quan điểm của EU không đáng tin cậy", ông Lavrov nói trong một cuộc phỏng vấn với chương trình ''Moscow. Kremlin. Putin'' được phát trên kênh truyền hình Rossiya-1 hôm 13-9-2020.

Ngoại trưởng Nga cho biết thêm: “Giờ đây Matxcơva hiểu rằng, khi đề cập đến việc trở lại quan hệ đối tác chính thức với EU, chúng tôi phải đảm bảo cho mình mọi khả năng, để nếu tổ chức này vẫn tiếp tục những quan điểm tiêu cực có tính phá hoại, thì chúng tôi không bị phụ thuộc vào những ý muốn bất chợt của họ, mà có thể đảm bảo sự phát triển của đất nước một cách độc lập, đồng thời bắt tay với những người sẵn sàng hợp tác trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau”.

Ngoài ra, ông Lavrov lưu ý không thể bỏ qua các biện pháp trừng phạt mới mà phương Tây có thể áp đặt đối với Nga.

"Chúng tôi sẽ xem những biện pháp trừng phạt mới này là gì, và chắc chắn sẽ có biện pháp đáp trả thích ứng. Nga không thể bỏ qua mà không có phản ứng gì. Điều này thứ nhất là không phù hợp trên quan điểm quy tắc ngoại giao. Thứ hai, chúng tôi chỉ muốn hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của các cấu trúc và các nước phương Tây khác”, Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh.

Trước đó, hôm 10-9-2020, EU đã quyết định gia hạn các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga thêm 6 tháng, tức là cho đến ngày 15-3-2021 tới, do liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

EU đã đưa ra các biện pháp trừng phạt chống lại Nga vì diễn tiến tình hình ở Ukraine và việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014. Các hạn chế liên tục được mở rộng và gia hạn kể từ đó. Về phía mình, Matxcơva cũng có động thái đáp trả bằng việc cấm nhập khẩu một số loại thực phẩm từ các nước EU.