“Ông lão” Q-5 của Trung Quốc sắp về hưu

ANTĐ - Chuyên trang “Chiến lược” của Mỹ đăng tải thông tin, tuy máy bay cường kích Q-5 (强-5) của Trung Quốc sau khi cải tiến đã có thể mang bom điều khiển nhưng Trung Quốc vẫn quyết định cho “ông lão” đã phục vụ trong lực lượng không quân gần nửa thế kỷ này “về vườn” sớm. 

Từ thập niên 90 trở lại đây, Trung Quốc liên tục triển khai các gói nâng cấp Q-5 như: lắp đặt thêm hệ thống thiết bị điện tử (thiết bị đo cự li bằng lade, thiết bị hiển thị phía trên đầu phi công), phát triển nó thành loại máy bay có thể mang bom điều khiển bằng laser và GPS, một số máy bay còn được lắp đặt thiết bị ngắm chuẩn giống loại của Mỹ.

Thông tin cho biết, loạt máy bay Q-5E sản xuất đợt cuối cùng đã không còn nằm trong biên chế không quân chiến đấu Trung Quốc và được cải tạo thành loại 2 chỗ ngồi sử dụng trong công tác huấn luyện, chấm dứt sứ mệnh lịch sử 44 năm của nó. Như vậy, có thể thấy thế hệ máy bay tiêm kích J-7 và J-8 của Trung Quốc cũng sắp bị khai tử.

Máy bay tiêm kích J-8 cùng một thế hệ với Q-5

Q-5 là loại máy bay cường kích 1 chỗ ngồi được Trung Quốc cải tiến trên cơ sở máy bay Mig-19 của Nga. Từ năm 1968 đến khi chấm dứt sản xuất, Trung Quốc đã chế tạo hơn 1000 chiếc Q-5, điểm khác biệt của nó với các máy bay Mig đời đầu là không có cửa hút khí ở phía trước.

Q-5 có trọng lượng 11,8 tấn, được trang bị 2 khẩu pháo 23 mm, mang theo 2 tấn bom và tên lửa, riêng hải quân Trung Quốc thường sử dụng loại Q-5 lắp đặt tên lửa chống hạm.

"Ông lão" Q-5 sắp bị thải loại

Trong hơn 10 năm qua, lần lượt gần 200 chiếc Q-5 của Trung Quốc đã bị thải loại, để tránh xảy ra sự hụt hẫng quá lớn, 3 năm trước đây, không quân Trung Quốc đã tiến hành cải tạo, nâng cấp lớn loạt Q-5E để có thể mang theo các loại bom điều khiển vô tuyến KAB-500Kr (trọng lượng 500kg) của Nga. KAB-500Kr là loại bom điều khiển bằng vô tuyến do Nga sản xuất vào thập niên 80 của thế kỷ trước, được Trung Quốc tích hợp thêm hệ thống dẫn đường GPS của hệ thống vệ tinh Bắc Đẩu. 

Thông thường, những loại máy bay đã được nâng cấp thì sẽ được kéo dài thời hạn sử dụng, nhưng hiện trạng của Q-5 thì không như thế. Theo sự thay đổi xoành xoạch các thế hệ tướng lĩnh không quân, người tiền nhiệm quyết định nâng cấp Q-5 để kéo dài thời hạn phục vụ thì người kế nhiệm cho rằng nó không đáp ứng được yêu cầu tác chiến hiện đại. Thế là Q-5 sẽ bị đào thải trước thời hạn dự kiến của nó là năm 2020.

Máy bay tiêm kích bom JH-7 sẽ là lực lượng thay thế chủ yếu cho Q-5

Sự cáo chung của thế hệ máy bay cường kích cuối cùng của Trung Quốc đã mở đường cho trào lưu kết hợp tính năng của máy bay tiêm kích và cường kích bằng các máy bay tiêm kích đa năng (có thể mang bom tấn công mặt đất giống cường kích nhưng chủ yếu vẫn thiên về đánh chặn trên không) như J-10, J-11 và máy bay tiêm kích bom điển hình là JH-7.

Thế nhưng, sự đào thải một số lượng lớn máy bay thế hệ thứ 3 (khoảng 1200 chiếc) nhưng tổng số máy bay thế hệ thứ 4 như J-10, J-11, JH-7, Su-27 và Su-30 mới có khoảng 800 chiếc làm số lượng máy bay chiến đấu sẽ sụt giảm rất mạnh, thực lực của không quân Trung Quốc sẽ suy yếu nghiêm trọng.