Ông Biden tuyên bố sẽ đưa Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân với Iran

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc

ANTD.VN - Ông Joe Biden, người sẽ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ vào tháng 1-2021, mới đây xác nhận, sẽ đưa Mỹ quay trở lại thoả thuận hạt nhân Iran, có tên gọi đầy đủ là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), trong nhiệm kỳ của mình.

Ông Joe Biden tuyên bố sẽ đưa Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân với Iran

Ông Joe Biden tuyên bố sẽ đưa Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân với Iran

“Tôi luôn ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran đạt được dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama. Tôi sẽ đưa Mỹ quay trở lại JCPOA, và tổ chức các cuộc đàm phán mới với Iran nhằm kiểm soát chương trình hạt nhân và quân sự của nước này”, ông Biden nói.

Ông Biden cho biết thêm, chính quyền Mỹ mới sẽ không sử dụng các biện pháp gây sức ép “tối đa” để buộc Iran nhượng bộ như Tổng thống Donald Trump, đồng thời nhấn mạnh cách tốt nhất để đảm bảo sự ổn định ở khu vực Trung Đông là thương thuyết.

Những tuyên bố trên của ông Biden đã được các quốc gia khác tham gia vào thỏa thuận hoan nghênh.

"Chúng tôi hoan nghênh tuyên bố của Tổng thống đắc cử Biden về JCPOA và một con đường ngoại giao để giải quyết các mối quan ngại lớn hơn với Iran. Đây là lợi ích của tất cả chúng tôi", chính phủ ba nước E3 gồm Pháp, Đức và Anh cho biết.

Các quốc gia E3 cũng đã hợp lực để cảnh báo Iran rằng, động thái của nước này nhằm mở rộng chương trình hạt nhân là "đáng lo ngại sâu sắc”. Họ đồng thời thúc giục Tehran gắn bó với JCPOA, khẳng định đây là cách tốt nhất để giữ cho tham vọng hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo được hòa bình.

"Kế hoạch triển khai thêm cụm máy ly tâm hiện đại ở nhà máy hạt nhân Natanz của Iran đi ngược lại thỏa thuận hạt nhân và rất đáng lo ngại. Một động thái như vậy sẽ gây nguy hiểm cho những nỗ lực chung của chúng tôi để duy trì JCPOA, và có nguy cơ ảnh hưởng đến cơ hội quan trọng để quay trở lại ngoại giao với chính quyền sắp tới của Mỹ. Nếu Tehran nghiêm túc muốn theo đuổi biện pháp ngoại giao, họ không được thực hiện những bước đi đó", chính phủ Pháp, Đức và Anh ra thông cáo chung.

Trong khi đó, Đức mới đây đã gợi ý rằng, cần phải đạt được một thỏa thuận mạnh mẽ hơn với Iran do chương trình tên lửa đạn đạo của quốc gia này.

Năm 2015, Iran đã ký kết JCPOA với Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga và Anh. Thoả thuận yêu cầu Iran giảm quy mô chương trình hạt nhân và hạ mức nghiêm trọng dự trữ uranium để đổi lấy các biện pháp trừng phạt, bao gồm dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí 5 năm sau khi thỏa thuận được thông qua.

Thỏa thuận này được mệnh danh là một trong những thành tựu ngoại giao lớn nhất của chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, ở thời điểm đó ông Biden là phó Tổng thống. Tuy nhiên, năm 2018, Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi thỏa thuận mang tính bước ngoặt này và thực hiện các chính sách cứng rắn chống lại Tehran.

Kể từ khi ông Trump quyết định rút khỏi JCPOA, căng thẳng giữa Mỹ và Iran đã leo thang. Tehran cũng tuyên bố sẽ không tuân theo thỏa thuận hạt nhân này nữa.