Oanh tạc cơ H-6K Trung Quốc có thể tấn công tới đảo Guam của Mỹ?

ANTĐ - Tạp chí Kanwa Defense Review số tháng 6-2015 đã đăng tải một bài viết có tên “Trung Quốc đang phát triển máy bay ném bom tầm xa”, trong đó đặt ra câu hỏi liệu máy bay ném bom chiến lược H-6K có thể thay thế tất cả các máy bay H-6 cũ, hay chỉ được sản xuất ở mức độ giới hạn.

Mới đây, không quân Trung Quốc đã tổ chức một diễn đàn nhằm thảo luận về việc xây dựng cơ sở hạ tầng chiến lược. Không quân Trung Quốc đã được chỉ định là một lực lượng "chiến lược" với mục tiêu tích cực đầu tư tăng cường khả năng hạt nhân, dựa vào việc phát triển các hệ thống vũ khí mới, bên cạnh việc xây dựng một hạm đội không gian.
Trong diễn đàn này, các quan chức và học giả cũng nhắc tới việc phát triển các máy bay ném bom tầm xa, tên lửa đạn đạo tầm trung, hệ thống tên lửa chống vệ tinh, hệ thống cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo và cách tăng cường sức mạnh chung của lực lượng không quân.

Oanh tạc cơ H-6K Trung Quốc có thể tấn công tới đảo Guam của Mỹ? ảnh 1Máy bay ném bom H-6K của Trung Quốc

Kanwa Defense Review cho biết, việc phát triển máy bay ném bom tầm xa đã được đưa ra tới 2 lần trong diễn đàn, với lời kêu gọi rằng khả năng tấn công, tình báo và cảnh báo sớm của Trung Quốc nên được mở rộng ra tới “Chuỗi đảo thứ 2”. Máy bay ném bom tầm xa này có thể được sử dụng để tấn công căn cứ đối phương, nếu xung đột xảy ra ở Eo biển Đài Loan, hoặc thậm chí là tại khu vực đảo Guam của Mỹ.

Các thông tin chi tiết về loại máy bay ném bom quan trọng của Trung Quốc không được đưa ra trong diễn đàn, tuy nhiên, nhiều khả năng là máy bay H-6K, với tầm hoạt động từ 2.500 đến 3.000km, có khả năng bay ở tốc độ siêu âm và có tính năng tàng hình. Chiếc máy bay cũng sẽ được trang bị động cơ WS-18 và tên lửa hành trình CJ-20.

Ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc không hề có kinh nghiệm phát triển các máy bay siêu âm cỡ lớn. Tuy nhiên, Bắc Kinh mong rằng có thể mua lại được công nghệ của Ukraine từng được sử dụng để chế tạo các máy bay ném bom Tupolev Tu-22M "Backfire", mặc dù hành động này đang được cho là vi phạm một số hiệp ước quốc tế.

Trung Quốc cũng đã cố gắng thuyết phục quân đội Nga bán cho một chiếc Tu-22M "Backfire", tuy nhiên, lời đề nghị này luôn bị các đại diện từ Moscow khước từ trong các buổi thảo luận, theo Kanwa Defense Review.