Nước Ý thời khắc khổ

ANTĐ - Cường quốc kinh tế châu Âu Italia đã bước vào thời kỳ khắc khổ với việc chính phủ nước này thông qua gói biện pháp “thắt lưng buộc bụng” khẩn cấp nhằm thoát khỏi sự đổ vỡ do gánh nặng nợ công.

Người Italia biểu tình phản đối kế hoạch thắt lưng buộc bụng của chính phủ

Theo tân Thủ tướng Mario Monti, gói biện pháp này dựa trên 3 trụ cột là chi tiêu, phúc lợi và tăng trưởng. Chính phủ lập kế hoạch tiết kiệm ngân sách khoảng 20 tỷ euro (27 tỷ USD) vào năm 2014, nhưng sẽ chi tiêu thêm 10 tỷ euro để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Về vấn đề lương hưu, Roma sẽ nâng thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu từ 40 lên 41 năm đối với nữ và 42 năm đối với nam. Từ năm 2012, độ tuổi nghỉ hưu đối với nữ sẽ được nâng lên 62 tuổi, từ 60 tuổi hiện nay, và của nam là 66. Đến năm 2018, độ tuổi nghỉ hưu áp dụng cho cả nam và nữ sẽ là 66. Chính phủ đảm bảo cơ chế linh hoạt để người lao động có thể làm việc đến 70 tuổi.

Về phúc lợi, tất cả các khoản lương hưu, trừ những người có thu nhập thấp nhất, sẽ không được điều chỉnh theo lạm phát trong các năm 2012 và 2013. Chính phủ cũng sẽ áp dụng trở lại sắc thuế nhà, được hủy bỏ từ năm 2008, đối với nhà ở chính; đánh thuế đối với các tài sản xa xỉ như ô tô sử dụng nhiều năng lượng, du thuyền và máy bay riêng; tiếp tục tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 21% lên 23% nếu cần thiết; áp thuế 1,5% đối với nguồn tiền hồi hương về Italia, vốn được miễn trừ dưới chính quyền cũ. Các cơ quan chính phủ và chính quyền cấp tỉnh sẽ được tinh giản, trong khi các công ty tuyển lao động nữ và thanh niên sẽ được giảm chi tiêu phúc lợi xã hội.

Theo kế hoạch thì phải đến trước dịp lễ Giáng sinh, Quốc hội Italia mới bỏ phiếu đối với chương trình “thắt lưng buộc bụng” này, nhưng ai cũng hiểu sẽ không thể có sự đảo ngược bởi kinh tế Italia đã đứng bên bờ sụp đổ. Núi nợ công của Italia đã lên tới gần 1.900 tỷ euro, tương đương với 120% GDP. Lãi suất vay mượn của nước này cũng đã tăng lên mức cao kỷ lục, tương đương mức mà khiến Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ailen phải cầu viện gói cứu trợ quốc tế trị giá hàng chục tỷ euro từ EU và Quỹ  Tiền tệ quốc tế (IMF).

Trong khi đó, nạn tham nhũng và trốn thuế lại đang hoành hành ở Italia. Số liệu trong bảng xếp hạng Chỉ số tham nhũng (CPI) mà Tổ chức minh bạch quốc tế vừa công bố cho biết Italia đứng ở vị trí thứ 69, tụt hạng so với vị trí 67 trong bảng xếp hạng của tổ chức này công bố năm 2010. Nguyên nhân là do Italia thiếu khả năng giải quyết nạn hối lộ và trốn thuế, những yếu tố đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu. Người ta tính rằng chỉ riêng nạn trốn thuế cũng đã gây thiệt hại tới 1/4 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Italia. Tân Thủ tướng M. Monti mới đây đã yêu cầu phải thực hiện ngay một loạt bước đi nhằm hiện đại hóa hệ thống tài chính, trong đó có giảm khối lượng lưu thông tiền mặt, để tránh trốn thuế.

Không chỉ là vấn đề nội bộ, khó khăn của Italia nếu không được giải quyết còn có thể dẫn đến hiệu ứng domino vỡ nợ công. Nếu kịch bản đó xảy ra, sự vỡ nợ của nền kinh tế lớn thứ 3 trong khu vực đồng euro sẽ làm sâu sắc hơn cuộc khủng hoảng nợ trong khu vực này, vốn đang có nguy cơ đẩy thế giới vào một cuộc khủng hoảng tài chính và thời kỳ suy thoái kinh tế mới.