“Nóng” quanh ngôi đền cổ

(ANTĐ) - Xung đột quanh những ngôi đền cổ Ta Moan và Ta Krabey trên biên giới Thái Lan - Campuchia đã tái diễn. Cuộc xung đột được coi là tồi tệ nhất giữa hai bên trong gần 2 thập kỷ qua vẫn chưa có lối thoát.

“Nóng” quanh ngôi đền cổ

(ANTĐ) - Xung đột quanh những ngôi đền cổ Ta Moan và Ta Krabey trên biên giới Thái Lan - Campuchia đã tái diễn. Cuộc xung đột được coi là tồi tệ nhất giữa hai bên trong gần 2 thập kỷ qua vẫn chưa có lối thoát.

Nguồn tin của cả Thái Lan và Campuchia đều thừa nhận hai bên đã dùng hỏa tiễn hạng nặng để “trả đũa” nhau vào sáng sớm 27-4. Chỉ trước đó một ngày, hy vọng đã nhen lên khi Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh cho biết người đồng cấp từ phía Thái Lan Prawit Wongsuvan đã đồng ý đến Phnom Penh để thảo luận về lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, chuyến thăm đã bị hủy bỏ vào phút chót và giao tranh lập tức tái hiện.

Khu đền cổ Ta Krabey
Khu đền cổ Ta Krabey

Phải nói rằng các vụ đụng độ giữa quân đội Campuchia và Thái Lan tại khu vực biên giới không phải là chuyện hiếm. Các ngôi đền cổ Preah Vihear, Ta Moan, Ta Krabey và khu vực đất đai nằm quanh đó là chủ đề tranh chấp giữa đôi bên kể từ khi thực dân Pháp rút khỏi Campuchia trong những năm 1950. Tháng 2 vừa rồi, đôi bên đã có cuộc giao tranh kéo dài 4 ngày xung quanh ngôi đền cổ Preah Vihear. Còn lần này, chủ quyền quanh những ngôi đền cổ Ta Moan, Ta Krabey lại trở thành ngòi nổ làm nổi sóng quan hệ hai nước.

Theo các nhà khoa học, đền Ta Moan và Ta Krabey được xây dựng từ thế kỷ thứ 12, dưới thời Khmer cổ xưa và nằm ở vị trí thuận tiện cho việc khai thác du lịch, được coi như một trạm nghỉ dọc theo con đường nối khu đền nổi tiếng Angkor của Campuchia với khu vực Đông Bắc Thái Lan. Trong khi Thái Lan cho rằng Ta Moan và Ta Krabey nằm ở vùng đất thuộc tỉnh Surin của nước này theo một bản đồ vẽ hồi năm 1947, thì Campuchia khẳng định 2 ngôi đền này thuộc tỉnh Oddar Meanchey của họ.

Kể từ khi đền Preah Vihear được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào tháng 7-2008 theo đề nghị của Campuchia, hai nước bắt đầu rơi vào tình trạng bất hòa. Căng thẳng bùng phát không chỉ quanh ngôi đền Preah Vihear, mà lan sang cả Ta Moan và Ta Krabey. Trước đây, cả Thái Lan và Campuchia cùng tuần tra các khu vực nằm quanh các ngôi đền Ta Moan và Ta Krabey mà không gặp bất kỳ sự cố gì. Nhưng từ 22-4 đến nay, khu vực này đã trở thành nơi giao chiến, khiến gần 40 nghìn người Campuchia và Thái Lan phải rời bỏ làng của mình đi lánh nạn.

Khác với Preah Vihear, giải quyết tranh chấp xung quanh các khu đền Ta Moan và Ta Krabey khó khăn hơn. Vì là di sản thế giới nên tranh chấp Preah Vihear đã được đưa lên Hội đồng Bảo an LHQ và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Cả Phnom Penh và Bangkok đều phải tính đến quan điểm của HĐBA và ASEAN. Trong trường hợp của Ta Moan và Ta Krabey, hiện giờ mọi đàm phán diễn ra ở cấp song phương, không có sự tham gia của bên thứ ba. Chính vì thế khi Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuvan hủy bỏ chuyến đi Phnom Penh để đàm phán, giao tranh lập tức tái hiện.

Người ta hy vọng ASEAN với tư cách là tổ chức khu vực gồm những nước láng giềng của Thái Lan và Campuchia sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tìm giải pháp cho vấn đề Ta Moan và Ta Krabey. Thủ tướng Campuchia Hun Xen cũng đề cập đến việc Campuchia sẽ đưa vấn đề chủ quyền với khu đền Ta Moan và Ta Krabey ra Hội nghị Cấp cao ASEAN, dự kiến diễn ra vào ngày 7 và 8-5 tới tại Thủ đô Jakarta của Indonesia. Ông cũng kêu gọi Indonesia, nước hiện là Chủ tịch luân phiên ASEAN, cử quan sát viên tới khu vực biên giới đang tranh chấp giữa Campuchia và Thái Lan để giám sát nếu như có một thỏa thuận ngừng bắn. Mọi việc còn ở phía trước.

HOÀNG SƠN