“Nóng” lên những nguy cơ vũ khí hạt nhân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Những cuộc tập trận hạt nhân, thử vũ khí khả năng mang đầu đạn hạt nhân diễn ra liên tiếp cùng những cảnh báo về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân trong bối cảnh căng thẳng ở các “điểm nóng” Ukraine, Bán đảo Triều Tiên… gia tăng đã làm dấy lên những quan ngại về nguy cơ sử dụng thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt này.
Máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ cùng các máy bay chiến đấu tham gia cuộc tập trận răn đe hạt nhân Steadfast Noon

Máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ cùng các máy bay chiến đấu tham gia cuộc tập trận răn đe hạt nhân Steadfast Noon

Tập trận hạt nhân nối tiếp nhau

Hãng tin TASS của Nga dẫn phát biểu ngày 26-10 của Bộ trưởng Quốc phòng nước này Sergey Shoigu thông báo, Nga đã tiến hành cuộc tập trận hạt nhân chiến lược mô phỏng một đợt phản công đáp trả quy mô lớn. Trong khi đó, truyền hình quốc gia đưa hình ảnh Tổng thống Nga Vladimir Putin đích thân giám sát cuộc tập trận này từ một phòng điều khiển trung tâm tại Thủ đô Matxcơva.

Cuộc tập trận đã thực hành quyền chỉ huy và kiểm soát các lực lượng vũ trang Nga, trong đó có các nhiệm vụ như lực lượng hạt nhân chiến lược mở một cuộc tấn công quy mô lớn đáp trả một cuộc tấn công của quân địch. Trong khuôn khổ tập trận, 1 tên lửa đạn đạo liên lục địa Yars đã được phóng từ sân bay vũ trụ Plesetsk và 1 tên lửa đạn đạo Sineva cũng được phóng từ biển Barents về hướng bãi thử Kura tại Kamchatka, vùng Viễn Đông.

Cuộc tập trận có sự tham gia của tất cả các lực lượng phòng thủ chiến lược trên bộ, trên biển và trên không. Ngoài ra, 2 máy bay Tu-95MS cũng tham gia tập trận, thực hành nhiệm vụ phóng tên lửa hành trình. Theo trang web của Điện Kremlin, mọi nhiệm vụ của cuộc tập trận hạt nhân đều được hoàn thành đầy đủ, tất cả các tên lửa đều trúng mục tiêu đã định, đảm bảo tiêu chuẩn đề ra.

Đáng chú ý, cùng thời gian cuộc tập trận trên của Nga, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng đang mở cuộc tập trận răn đe hạt nhân mang tên Steadfast Noon, diễn ra từ ngày 17 đến 30-10 tới. Cuộc tập trận có sự tham gia của lực lượng không quân 14 quốc gia thành viên NATO với 60 máy bay các loại, trong đó có cả các loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 và thứ 5 cũng như máy bay giám sát và máy bay tiếp liệu. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh, đây là các cuộc tập trận nhằm “đảm bảo khả năng răn đe hạt nhân của NATO luôn trong trạng thái an toàn và hiệu quả”.

Dù NATO tuyên bố Steadfast Noon là cuộc tập trận răn đe hạt nhân thường niên, theo kế hoạch, song việc liên minh quân sự này tổ chức cuộc tập trận trung với thời điểm mà phía Nga đã thông báo trước cho Mỹ theo đúng các cam kết minh bạch hiện có giữa hai nước và nhất là trong bối cảnh cuộc xung đột quân sự đang diễn ra ở Ukraine đã khiến giới quan sát không khỏi lo ngại về nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân.

Thêm nữa, báo chí Phần Lan - quốc gia cùng với Thụy Điển đã nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 5-2022 - cho biết, Ngoại trưởng nước này Pekka Haavisto và Bộ trưởng Quốc phòng Antti Kaikkonen đã đưa ra cam kết với NATO hồi tháng 7 vừa qua rằng họ không đặt ra các hạn chế nếu đơn xin gia nhập liên minh được chấp nhận. Các nguồn tin ngoại giao nhận định, điều đó tức là các vũ khí hạt nhân của NATO có thể đi qua hoặc đặt trên lãnh thổ Phần Lan.

Trong khi đó, theo Hiệp hội Các nhà khoa học Mỹ, Mỹ có khoảng 100 vũ khí hạt nhân ở châu Âu, được đặt ở các thành viên NATO như Bỉ, Đức, Italia, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Hai thành viên NATO khác là Anh và Pháp có kho vũ khí hạt nhân riêng.

Không chỉ tại châu Âu, châu Á cũng đang “nóng” bởi vấn đề vũ khí hạt nhân khi CHDCND Triều Tiên được cho đã tiến hành 7 vụ thử tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân trong vòng 15 ngày, từ ngày 25-9 đến ngày 9-10 vừa qua, trong đó có 1 tên lửa đã bay 4.506km - một khoảng cách đủ để khiến căn cứ quân sự của Mỹ ở Guam rơi vào tầm ngắm. Sau đó, truyền thông nhà nước Triều Tiên ngày 10-10 đưa tin, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đích thân chỉ đạo trên thực địa cuộc tập trận của “các đơn vị vũ khí hạt nhân chiến thuật” của Triều Tiên để thể hiện khả năng “tấn công và tiêu diệt” các mục tiêu của đối thủ.

Hãy “lùi khỏi bờ vực chiến tranh hạt nhân”

Những cuộc tập trận vũ khí hạt nhân, thử vũ khí có khả năng mang đầu đạn hạt nhân diễn ra liên tiếp đã khiến dư luận lo ngại nhớ lại cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba tròn 60 năm trước (tháng 10-1962), cuộc khủng hoảng có nguy cơ đưa thế giới vào một cuộc chiến tranh hạt nhân quy mô lớn. Đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng này là ngày “Thứ bảy đen tối” 27-10-1962 khi suýt nữa những mệnh lệnh tấn công hạt nhân được đưa ra mà rất có thể sẽ làm thay đổi lịch sử của nhân loại, song rất may là vào phút chót, các bên đã đưa ra giải pháp hòa bình.

Có thể nói, vũ khí hạt nhân đã trở thành một phần của quan hệ quốc tế, đặc biệt là quan hệ giữa các cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân, kể từ tháng 8-1954 khi Mỹ ném 2 quả bom hạt nhân xuống Nhật Bản trước thời điểm chấm dứt Chiến tranh thế giới thứ hai, khiến hàng trăm nghìn thường dân thiệt mạng và hàng trăm nghìn người khác chịu những di chứng nặng nề cả cuộc đời. Kể từ đó, vũ khí hạt nhân không được sử dụng và được cho là đã góp phần giữ cho Chiến tranh Lạnh không leo thang căng thẳng bằng cách buộc cả hai bên phải thận trọng trong cuộc đối đầu giữa Mỹ và Liên Xô trước đây, nước Nga kế thừa hiện nay.

Các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí hạt nhân đã thành công trong việc hạn chế kho vũ khí hủy diệt hàng loạt này của cả hai siêu cường hạt nhân mạnh nhất thế giới và ngăn chặn hoặc làm chậm quá trình phổ biến vũ khí hạt nhân. Hiện nay, cùng với Mỹ và Nga, thế giới được cho đã có thêm 7 quốc gia khác là Anh, Pháp, Trung Quốc, Israel, Ấn Độ, Pakistan và Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân.

Các kho vũ khí của các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân có vai trò nổi bật hơn trong cạnh tranh địa chính trị và nhiều quốc gia nỗ lực hơn trong việc sở hữu vũ khí hạt nhân. Hiện, ngoài Mỹ và Nga có số vũ khí hạt nhân được thống kê do ràng buộc hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân song phương, rất khó để biết chính xác kho vũ khí hạt nhân của các quốc gia khác. Bởi thế, đã có câu hỏi đặt ra rằng, liệu thế giới có đang bước vào một kỷ nguyên mới của việc mở rộng các kho vũ khí hạt nhân.

Trong bối cảnh đó, những mối nguy hiểm tiềm tàng từ vũ khí hạt nhân đang gây ra sự quan ngại trên toàn cầu. Đó chính là tuyên bố của Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc, Đại diện cấp cao về giải trừ quân bị của Liên hợp quốc Izumi Nakamitsu trong phiên tranh luận chung của Ủy ban giải trừ vũ khí và an ninh quốc tế tại Khóa họp thứ 77 của Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra ngày 3-10 vừa qua.

Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi, tất cả các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân “cam kết không sử dụng trước bất kỳ vũ khí hạt nhân nào”, coi đây là biện pháp giúp bảo vệ nhân loại khỏi bị diệt vong. Đồng thời, vị quan chức cao cấp nhất về giải trừ quân bị của Liên hợp quốc này cũng thúc giục, tất cả các nước hãy “lùi khỏi bờ vực chiến tranh hạt nhân”, chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Ukraine, cũng như nguy cơ mất an toàn hạt nhân trên thế giới.