Nỗi lo “bom dính” đe dọa vùng đất bất ổn Kashmir

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Afghanistan vừa qua đã chứng kiến một loạt các cuộc tấn công bằng “bom dính”. Trong khi đó, vài tháng trở lại đây, lực lượng an ninh Ấn Độ đã thu giữ hàng chục quả “bom dính” trong các cuộc đột kích ở vùng Kashmir (thuộc khu vực Ấn Độ quản lý). Hiện có lo ngại rằng, một cuộc nổi dậy bạo lực kiểu Taliban có thể sớm tràn vào khu vực Himalaya đang tranh chấp.
Quân đội Ấn Độ ở Kashmir đang tăng cường các biện pháp đối phó với sự xâm nhập của “bom dính”

Quân đội Ấn Độ ở Kashmir đang tăng cường các biện pháp đối phó với sự xâm nhập của “bom dính”

Sống trong sợ hãi

Sáng 15-12-2020, ông Mahbubullah Mohibi - Phó Thống đốc Thủ đô Kabul (Afghanistan) rời nhà vào trên một chiếc SUV bọc thép màu trắng mang biển số của chính phủ. Chiếc xe lăn bánh qua những con đường hẹp của khu phố Macroyan thì bất ngờ phát nổ. Phát ngôn viên của Bộ Nội vụ nước này cho biết, vị Phó Thống đốc cùng thư ký thiệt mạng, 2 vệ sĩ bị thương. Ai đó đã gắn một quả bom từ trường tự chế vào xe của ông Mohibi. Đây là một chiến thuật ám sát ngày càng phổ biến nhằm vào các quan chức chính phủ và những người nổi tiếng ở Thủ đô của Afghanistan.

Hiện tượng “bom dính” xảy ra thường xuyên trên khắp Afghanistan vài tháng gần đây, riêng Thủ đô Kabul đã có hàng chục vụ tấn công như vậy vào nửa cuối năm 2020. Một vài giờ sau cuộc tấn công nhằm vào ông Mohibi, một quả bom từ trường khác đã sát hại ông Abdul Rahman Atshan - Phó Chánh Văn phòng tỉnh Ghor (miền Trung Afghanistan) và làm bị thương nặng 1 thành viên hội đồng đi cùng ông. Sau đó chỉ 1 ngày, thêm 1 cảnh sát và 1 nhân viên tình báo của chính phủ đã thiệt mạng trong 2 vụ nổ khác nhau do xe của họ bị gắn bom.

Cha của Aiman Mayar, 22 tuổi, là một quan chức của Bộ Giáo dục đã thiệt mạng do một quả bom từ trường ở Kabul cho biết: “Tình hình thật khó lường. Bạn không biết điều gì sẽ xảy ra vào ngày mai khi bạn bước lên xe”. Trong khi đó, các quan chức an ninh địa phương cho hay, bom từ trường là một phần trong chiến lược của Taliban nhằm gieo rắc nỗi kinh hoàng và hỗn loạn cho người Afghanistan, đặc biệt là ở Thủ đô. Cùng với các vụ ám sát quan chức chính phủ, lực lượng an ninh và người nổi tiếng, các cuộc tấn công bằng “bom dính” này đang kích động thêm sự bất bình và ngờ vực của công chúng đối với tầng lớp lãnh đạo Afghanistan trong vai trò bảo vệ người dân. Cũng thời gian này, Afghanistan đang nỗ lực đàm phán các điều khoản hòa bình với Taliban. Tại thỏa thuận ký với Taliban, Mỹ đã đặt ra thời hạn rút quân cuối cùng khỏi Afghanistan, trong khi Taliban cam kết sẽ hạn chế các cuộc tấn công gây thương vong hàng loạt, nhưng nhóm phiến quân lại đang sử dụng “bom dính” để gây áp lực trong đàm phán hòa bình với chính phủ.

Lực lượng an ninh Afghanistan tại hiện trường vụ nổ bom từ tính khiến Phó Thống đốc Kabul Mahbubullah Mohibi thiệt mạng vào tháng 12-2020

Lực lượng an ninh Afghanistan tại hiện trường vụ nổ bom từ tính khiến Phó Thống đốc Kabul Mahbubullah Mohibi thiệt mạng vào tháng 12-2020

“Bom dính” là gì?

“Bom dính” hay còn được gọi là “thiết bị nổ cải tiến có gắn nam châm - MIED”, có thể được gắn vào xe và kích nổ từ xa. Bom từ tính đã được sử dụng ở Afghanistan kể từ năm 2005. Nhưng tốc độ gia tăng của các cuộc tấn công trong năm 2020 đã buộc giới chức Kabul phải đánh giá lại cách thức và thời điểm họ sử dụng phương tiện đi lại của mình. Một quan chức tình báo chính phủ cho biết, bom từ trường thường được chế tạo bằng cách sử dụng chất nổ dẻo và nam châm cực mạnh. Quân nổi dậy buôn lậu chất nổ vào Kabul bằng hệ thống chuyển phát nhanh ngầm được gọi là “Belti”.

Kabul vốn thường xảy ra tắc đường, các phương tiện dồn ép vào nhau nên người đi bộ hoặc xe máy dễ dàng tiếp cận, gắn một quả bom từ tính vào chiếc xe mục tiêu. Những kẻ tấn công cố gắng gắn bom càng gần thùng nhiên liệu càng tốt để đảm bảo rằng, chiếc xe khi phát nổ sẽ chìm trong biển lửa. Các thiết bị có thể được kích nổ từ xa bằng tín hiệu vô tuyến hoặc bằng cầu chì đặt giờ sẵn. Các cuộc tấn công bằng bom từ tính có khả năng sẽ vẫn tiếp diễn bởi thiết bị này là một vũ khí hiệu quả, tàn bạo, chính xác và… rẻ tiền. Một thành viên đội an ninh của Nghị viện Afghanistan cho biết: “Nó không tốn nhiều chi phí và đòi hỏi ít về cơ sở vật chất, nhưng hiệu quả và tác động tâm lý rất cao”.

Bom từ tính đã được nhóm chiến binh Taliban ở Afghanistan tăng cường sử dụng trong vài tháng qua và mặc dù những quả bom này chưa được quân nổi dậy ở Kashmir sử dụng. Các quan chức vẫn lo ngại sự hiện diện của chúng có thể là dấu hiệu của bạo lực sắp xảy ra ở khu vực tranh chấp.

Chiến lược mới của quân nổi dậy ở Kashmir?

Một sự khác biệt giữa các phiến quân ở Kashmir và Taliban ở Afghanistan, đó là Taliban có khả năng di chuyển xuyên khắp các khu vực thành thị và nông thôn cũng như dễ dàng có được chất nổ. Điều này khiến bọn họ trở nên cực kỳ nguy hiểm với vũ khí bằng bom. Trong khi đó, quân nổi dậy ở Kashmir hoạt động ở môi trường bị hạn chế hơn.

Kể từ năm 1989, những phần tử nổi dậy đã đối đầu với các lực lượng Ấn Độ tại khu vực Kashmir do Ấn Độ quản lý - nơi có 12 triệu dân với khoảng 70% trong số đó là người Hồi giáo. Vào tháng 8-2019, chính phủ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ở New Delhi đã bãi bỏ quy chế bán tự trị của Kashmir và chia bang này thành 2 vùng lãnh thổ do liên bang quản lý. Động thái này làm dấy lên tình trạng bất ổn trên diện rộng, khiến lực lượng an ninh Ấn Độ phải thực thi lệnh giới nghiêm và hạn chế việc di chuyển của người dân. Tuy nhiên, sau quy định mới hồi tháng 8-2019, các cuộc biểu tình và tấn công bạo lực giảm hẳn, khiến nhiều chuyên gia ngạc nhiên. Một số cho rằng, quân nổi dậy đang tính đến các chiến thuật khác nhau chống lại New Delhi, trong đó không loại trừ tấn công bằng “bom dính”.

Vài tháng trở lại đây, lực lượng an ninh Ấn Độ đã thu giữ hàng chục quả “bom dính” trong các cuộc đột kích ở vùng Kashmir. Một quan chức an ninh cấp cao cho biết, những quả bom này không được sản xuất tại địa phương. Điều đó có nghĩa là rất có thể chúng được nhập lậu từ Pakistan bằng máy bay không người lái hoặc những đường hầm bí mật. Ông Mukesh Singh - Tổng Thanh tra cảnh sát ở Jammu nói rằng, các chuyên gia đang phân tích xem liệu đây có phải là những thiết bị nổ tương tự đang được Taliban sử dụng ở Afghanistan hay không. “Chúng tôi đang chờ kết quả kiểm nghiệm và hiện tại chưa thể nói cụ thể về nguồn gốc của loại vũ khí này. Tuy nhiên, chúng trông có vẻ như được chế tạo từ các công ty sản xuất vũ khí” - ông Singh nói.

Những quả bom đặc biệt đáng lo ngại vì chúng có thể dễ dàng gắn vào các phương tiện bằng nam châm. Điều đó cho phép những chiến binh thực hiện các vụ ám sát cá nhân hoặc nhắm vào các đoàn xe quân sự thường xuyên băng qua thung lũng. Vào tháng 2-2019, một kẻ đánh bom liều chết đã lái chiếc ô tô chở đầy chất nổ lao vào một đoàn xe ở Pulwama (Kashmir), giết hại 40 binh sĩ. Đây được coi là cuộc tấn công đẫm máu nhất nhằm vào các lực lượng Ấn Độ trong khu vực và đưa cả Ấn Độ lẫn Pakistan đến bờ vực của một cuộc chiến.

Các đoàn xe quân sự và bán quân sự hiện vẫn thường xuyên tuần tra trong khu vực Kashmir. Nó làm dấy lên lo ngại rằng, các cuộc tấn công bằng “bom dính” nhằm vào lực lượng an ninh cũng có thể gây tổn thương cho dân thường. Vijay Kumar - Cảnh sát trưởng Kashmir nói rằng, lực lượng an ninh đang thay đổi phương thức để đối phó với mối đe dọa mới. Cụ thể là sẽ tăng khoảng cách giữa phương tiện tư nhân và quân sự, lắp đặt nhiều camera hơn trên xe và sử dụng máy bay không người lái để giám sát các đoàn xe.

“Bom dính” hay còn gọi là “thiết bị nổ cải tiến có gắn nam châm - MIED”, có thể được gắn vào xe và kích nổ từ xa. Thiết bị này là một vũ khí hiệu quả tàn bạo, chính xác và… rẻ tiền. Một thành viên đội an ninh của Nghị viện Afghanistan cho biết: “Nó không tốn nhiều chi phí và đòi hỏi ít về cơ sở vật chất, nhưng có hiệu quả và tác động tâm lý rất cao”.