Nỗi đau thảm họa “kép”

ANTĐ - Tròn 4 năm sau trận động đất - sóng thần ngày 11-3-2011, thảm họa “kép” kinh hoàng nhất trong lịch sử nước Nhật vẫn để lại những di chứng, nỗi đau tới tận ngày hôm nay.

Nỗi đau thảm họa “kép” ảnh 1Cuộc sống tại miền Đông Nhật Bản đã dần trở lại bình thường sau 4 năm chịu thảm họa kép động đất - sóng thần

Đúng vào dịp tưởng niệm nạn nhân trong thảm họa động đất - sóng thần xảy ra tại Nhật Bản cách đây 4 năm (11-3-2011), các quan chức Nhật Bản cho biết quá trình tái thiết vẫn diễn ra khá chậm chạp. Theo đó, gần 250.000 người dân vẫn phải sống trong các căn nhà tạm, trong khi nhiều cánh rừng, đồng ruộng và thị trấn vẫn bị bỏ hoang vì nhiễm phóng xạ nặng nề. 

Tại khu vực rộng lớn xung quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, vô số những bao nilon chứa đầy đất bị nhiễm xạ được thu gom và đó mới chỉ là một phần nhỏ trong số đất cần được chuyển đi trước khi người dân có thể quay về sinh sống. Phóng xạ ở đây không còn lan vào không khí, nhưng các công nhân vẫn phải làm việc vất vả để ngăn nước nhiễm phóng xạ rò rỉ.

Công việc khắc phục hậu quả kéo dài tới 4 năm mà chưa xong tại quốc gia phát triển, tiềm lực kinh tế mạnh hàng đầu thế giới như Nhật Bản cho thấy hậu quả thảm họa động đất - sóng thần 4 năm trước nặng nề đến thế nào. Theo số liệu công bố mới nhất, trận động đất mạnh 9 độ richter xảy ra lúc 2 giờ 46 phút ngày 11-3-2011(giờ địa phương) làm rung chuyển cả miền Đông Nhật Bản và sóng thần cao tới 27,5 mét tiếp theo đó đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 15.891 người, trong khi 2.584 người hiện vẫn mất tích. 

Nỗi đau thảm họa “kép” ảnh 2Những túi nilong đựng đất phóng xạ được thu gom để xử lý

Chưa dừng lại ở đó, thảm họa “kép” động đất - sóng thần này còn làm hư hại nặng nhà máy điện hạt nhân Fukushima, gây ra sự cố rò rỉ phóng xạ được đánh giá là thảm họa hạt nhân nghiêm trọng thứ hai trên thế giới sau thảm họa hạt nhân Chernobyl năm 1986. Hiện vẫn còn 47.219 người dân phải sơ tán khỏi vùng nhiễm xạ, ngoài ra còn có khoảng 3.244 người chết do các nguyên nhân liên quan đến thảm hoạ kép này.

Bên cạnh những tổn thất to lớn về người, thảm họa “kép” năm 2011 cũng đưa lại hậu quả nghiêm trọng về kinh tế cho đất nước Nhật Bản, trong đó buộc Chính phủ phải cho ngừng hoạt động tổng cộng 48 lò phản ứng hạt nhân trên cả nước nhằm ngăn chặn nguy cơ mất an toàn điện hạt nhân khiến 90% nhu cầu tiêu thụ năng lượng của Nhật Bản phụ thuộc vào nhập khẩu do mất nguồn cung từ điện hạt nhân.

Trong khi đó, công tác tái thiết và xây dựng cơ sở hạ tầng tại các khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi thảm họa thiên tai như các tỉnh Iwate, Miyagi và Fukushima vẫn gặp nhiều khó khăn. Chính phủ Nhật Bản mới đây đã thông qua gói tài chính 26.300 tỷ yên (tương đương 217 tỷ USD) để thực hiện việc tái thiết ở các vùng chịu ảnh hưởng của thảm họa.

Nhật Bản đã có nỗ lực vượt bậc để tái thiết miền Đông đất nước trong suốt 4 năm qua, như cơ bản dọn sạch nhà cửa và tàu thuyền đổ nát do động đất và sóng thần, 10.000 ngôi nhà tạm đã được xây làm nơi ở cho người lánh nạn. Công tác xử lý đất nhiễm xạ cũng đang được tiến hành song vẫn còn rất bộn bề và dự kiến phải đến năm 2017 mới hoàn tất do khó khăn trong việc tìm vị trí và thiếu vật liệu cùng công nhân xây dựng. Đó là chưa kể tại các khu vực đã được công bố là an toàn nhưng nhiều người dân vẫn lưỡng lự bởi còn lo ngại phóng xạ rò rỉ lan theo gió và mưa...