Nới biên độ chứng khoán: Hiệu ứng tích cực
(ANTĐ) - Không nằm ngoài dự đoán của nhiều chuyên gia kinh tế, TTCK đã phản ứng rất tích cực trong ngày đầu áp dụng biên độ giao dịch mới (ngày 18-8).
Tăng biên độ: hợp lý, hợp thời
Theo ông Hoàng Xuân Quyến - Phó Giám đốc Công ty chứng khoán (CTCK) Tân Việt, quyết định nới biên độ giao dịch tại cả 2 sàn giao dịch của UBCKNN là hợp lý, hợp thời trong đó yếu tố quan trọng nhất là sự chuyển biến tích cực của kinh tế vĩ mô và sự lạc quan của giới đầu tư.
Mặc dù nới biên độ chỉ là một biện pháp kỹ thuật tạo ra một khoảng biến động rộng hơn về giá, giúp nhà đầu tư có nhiều sự lựa chọn về giá mua/bán nhưng đã giúp thúc đẩy mạnh mẽ tâm lý nhà đầu tư vốn “đang bay bổng”. Và diễn biến của thị trường phiên đầu tiên áp dụng biên độ mới đã cho thấy điều đó.
Chuyên gia chứng khoán Huy Nam cũng chung quan điểm khi cho rằng, việc mở biên độ là cần thiết. “Ngay trong thời điểm thị trường “xấu nhất” vừa qua, tôi cũng cho rằng không nên duy trì mức dao động giá còn hẹp hơn cả tỷ giá hối đoái. Có thể biên độ hẹp giúp thị trường “cầm máu” trong thời điểm ấy nhưng lại khiến thanh khoản bị nén chặt, do vậy không giúp thị trường trở lại mức cân bằng.
Sau vài lần nới từ từ biên độ, thời gian qua, thị trường có lúc ngập ngừng, giằng co nhưng vẫn thể hiện xu hướng tích cực. Bởi vậy, tăng biên độ ở thời điểm hiện nay là một lời khẳng định chính sách thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh” - ông Nam nhận xét.
Quả thực, trong suốt thời gian dài áp dụng biên độ hẹp trước đó, TTCK đã nảy sinh vấn đề về thanh khoản. Khi giá chứng khoán lên, bảng dư mua luôn trong tình trạng chật kín trong khi bảng dư bán trống trơn. Do vậy, nhà đầu tư muốn mua cũng không thể mua được.
Và khi thị trường giảm giá thì ngược lại, nhà đầu tư muốn bán cắt lỗ cũng không được. Thạc sỹ Lê Trung Thành - Phó Bộ môn Chứng khoán, trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận xét, bên cạnh yếu tố tâm lý đã làm méo mó thị trường thì biện pháp thu hẹp biên độ cũng là một “tác nhân” khiến cho thanh khoản của thị trường bị bó chặt.
Thị trường phản ứng tích cực với biên độ mới |
Sẽ tạo “mặt bằng giá mới”?
“Diễn biến phiên giao dịch hôm qua cho thấy, nhà đầu tư đã chuyên nghiệp hơn khi tham gia thị trường” - ông Hoàng Xuân Quyến nhận xét. Cụ thể, mặc dù “hưng phấn” trước biên độ mới nhưng cũng không phải bất kể “xấu, tốt” mà đã có sự chọn lọc.
“Có thể nói, qua một thời gian dài “sóng gió” vừa qua, nhà đầu tư còn lại với thị trường đều là những người đã “sống sót qua lửa đạn”. Và đây cũng là một tín hiệu tích cực của thị trường” - ông Quyến nhận định.
Tuy nhiên, cũng chính bởi có sự “chuyên nghiệp hóa” trong số đông đội ngũ nhà đầu tư nên thị trường sẽ không diễn biến một chiều như trước.
Cụ thể, chuyên gia chứng khoán Huy Nam phân tích, với những nhà đầu tư chuyên nghiệp, họ sẽ có sự tính toán nhất định trong hiện thực hóa lợi nhuận. Do vậy, trong một chu kỳ nhất định, sẽ có hiện tượng “xả hàng” từ những nhà đầu tư này, do vậy, đường hiển thị chỉ số 2 sàn sẽ có hình răng cưa thay vì là đường thẳng đứng.
Ông Nam cũng cho rằng, con số 300.000 tài khoản của TTCK (trong đó chỉ có 1/3 đến một nửa là giao dịch thường xuyên) là còn ít ỏi. Do vậy, thị trường rất dễ bị co cụm trước biến động. UBCKNN cần tăng công cụ cho nhà đầu tư lựa chọn như các biện pháp tài trợ chuyên nghiệp cho thị trường, biện pháp giao dịch tùy chọn hay mở rộng hình thức đặt lệnh...
Đó cũng là diễn biến được ông Hoàng Xuân Quyến dự báo. Theo đó, tâm lý “bùng nổ” như phiên giao dịch ngày 18-8 sẽ “nhạt” dần. Thị trường sẽ có những phiên điều chỉnh nhưng rồi sẽ tăng trở lại, đẩy thị trường lên mặt bằng giá mới, nhất là với những cổ phiếu của doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt.
Tuy nhiên, để giúp thị trường phát triển bền vững, cần có những biện pháp để mở rộng quy mô của thị trường. “Nhà đầu tư chưa quá đông, trong khi số lượng cổ phiếu cũng còn ít ỏi.
Điều đó cũng giống như khi đi chợ chỉ có một vài hàng rau ngon, sẽ khó tránh tình trạng tranh mua. Để rồi khi “hết nạc vạc đến xương”, do vậy, giá chưa phản ánh đúng chất lượng cổ phiếu là điều khó tránh” - ông Quyến nói.
Xuân Thu