Nỗ lực ổn định thị trường chứng khoán Việt Nam trước áp lực “ba bề, bốn bên”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Không chỉ chịu nhiều tác động bất lợi từ các yếu tố kinh tế vĩ mô và chứng khoán toàn cầu, thị trường chứng khoán Việt Nam còn phải đón nhận nhiều thông tin tiêu cực trong nước, tác động lớn tới tâm lý nhà đầu tư.

Triển khai đồng bộ các giải pháp để ổn định thị trường chứng khoán

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã giảm điểm mạnh trong tháng 9 và tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh trong những phiên đầu tháng 10. Nhà đầu tư đang lo ngại trước những thông tin kém lạc quan về tình hình vĩ mô thế giới.

Điển hình là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất dưới áp lực lạm phát khiến cho các ngân hàng trung ương buộc phải thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, triển vọng kinh tế toàn cầu trở nên ảm đạm hơn. Cùng với đó, trong nước, việc các ngân hàng tăng lãi suất cũng đã trực tiếp tác động lên TTCK.

Trong khi đó, thời gian gần đây, tâm lý của nhà đầu tư đang chịu tác động bởi một số thông tin về các sự việc liên quan tới sai phạm cá nhân và doanh nghiệp cụ thể trên thị trường, mà mới đây nhất là các thông tin liên quan tới trường hợp sai phạm tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính khẳng định sẽ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để đảm bảo sự vận hành và phát triển ổn định của thị trường chứng khoán.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang chịu nhiều áp lực

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang chịu nhiều áp lực

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, vụ việc tại Vạn Thịnh Phát là vụ việc liên quan trực tiếp tới một số cá nhân tại một số doanh nghiệp cụ thể trên thị trường và được xử lý theo pháp luật hình sự. Do vậy, mức độ sai phạm và biện pháp xử lý sẽ được các cơ quan chức năng có liên quan tiếp tục làm rõ theo đúng trình tự, thủ tục và quy định của pháp luật.

“Về phía cơ quan quản lý nhà nước, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các cơ quan liên quan đã và sẽ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để đảm bảo sự vận hành và phát triển ổn định của thị trường chứng khoán; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để có thể bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư có liên quan.

Vì thế, nhà đầu tư cần bình tĩnh, phân tích cụ thể rủi ro và tiềm năng cơ hội trên thị trường chứng khoán để ra quyết định đầu tư hiệu quả” – Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.

Áp lực lớn, nhưng triển vọng vẫn tích cực

Theo đánh giá của cơ quan quản lý, trong những tháng cuối năm 2022, trước khả năng Fed và nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm đưa lạm phát về mức kiểm soát, kinh tế Việt Nam nói chung và TTCK nói riêng có thể phải đối mặt với một số thách thức.

Trong đó, làn sóng tăng lãi suất, áp lực lạm phát, chi phí doanh nghiệp gia tăng, căng thẳng địa chính trị vẫn cò,… sẽ vẫn có khả năng tác động đến dòng tiền và thanh khoản trên TTCK Việt Nam.

Tuy nhiên, về trung và dài hạn, TTCK Việt Nam vẫn còn tiềm năng tăng trưởng khi cùng với sự tăng trưởng tích cực của kinh tế vĩ mô, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục khởi sắc.

Thống kê cho thấy, trong số doanh nghiệp đã công bố BCTC bán niên (đã soát xét) năm 2022, có 864/994 công ty báo cáo có lãi, chiếm 87%, bằng cùng kỳ năm 2021. Nếu tính riêng các công ty niêm yết, có 582/647 công ty báo cáo có lãi, chiếm 90% số công ty đã thực hiện báo cáo.

Tổng doanh thu thuần của các công ty này 6 tháng đầu năm 2022 tăng 19,5% so với cùng kỳ, vượt mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2021 là 17,6%. Tổng lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2022 tăng 29% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2021 là 77,5%.

Ngoài ra, so sánh tương quan của một số thị trường trên thế giới và khu vực, hiện tại, mức định giá của TTCK Việt Nam vẫn được đánh giá là hợp lý và dự báo sẽ góp phần thu hút dòng tiền tham khi các rủi ro ngắn hạn dịu bớt.

Về phía cơ quan quản lý, cũng đang có những giải pháp đồng bộ như hoàn thiện hành lang pháp lý, triển khai các giải pháp tiến tới nâng hạng TTCK Việt Nam theo lộ trình; tăng cường quản lý, giám sát thị trường…

Đồng thời đẩy mạnh công tác tái cấu trúc thị trường, nâng cao sức canh tranh và chất lượng của các định chế trung gian trên thị trường chứng khoán thông qua việc tiếp tục thực hiện tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…

Đối với hệ thống công nghệ thông tin KRX, hiện các đơn vị liên quan đang đẩy nhanh quá trình thử nghiệm, sớm hoàn thiện để đưa vào vận hành.