Nigeria phát hành tiền mới để chống lạm phát và tham nhũng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nigeria ngày 22-11 đã giới thiệu đồng tiền được thiết kế mới, một động thái mà Ngân hàng Trung ương của quốc gia Tây Phi này cho biết sẽ giúp kiềm chế tham nhũng, lạm phát và rửa tiền.
Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari (bên phải) cùng ông Godwin Emefile - Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nigeria trong lễ ra mắt đồng tiền mới ở Abuja ngày 22-11

Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari (bên phải) cùng ông Godwin Emefile - Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nigeria trong lễ ra mắt đồng tiền mới ở Abuja ngày 22-11

Ông Godwin Emefiele - Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nigeria cho biết, các mệnh giá mới được thiết kế gồm các tờ tiền 200, 500 và 1.000 naira cũng sẽ thúc đẩy tài chính và tăng trưởng kinh tế. Đồng tiền của Nigeria đã không có thay đổi gì trong suốt 19 năm và động thái mới nhất là sáng kiến của các nhà hoạch định chính sách nhằm tìm kiếm một nền kinh tế không dùng tiền mặt và bao trùm hơn ở nền kinh tế lớn nhất châu Phi này. Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari cho biết tại buổi ra mắt tờ tiền mới: “Đồng naira đã quá hạn lâu để có một diện mạo mới. Các tờ tiền giấy mới lần này có tính năng bảo mật cao sẽ giúp Ngân hàng Trung ương Nigeria thiết kế và thực hiện các mục tiêu chính sách tiền tệ tốt hơn”.

Theo Thống đốc Godwin Emefiele, hơn 80% trong tổng số 3,2 nghìn tỷ naira (7,2 tỷ USD) đang lưu hành ở Nigeria nằm ngoài kho tiền của các ngân hàng thương mại. Tháng trước, các cơ quan quản lý đã công bố thời hạn cuối cùng để sử dụng các loại tiền giấy cũ hay gửi vào ngân hàng là ngày 31-1-2023. Ông Emefiele cho biết, các tờ tiền mới “sẽ đưa các đồng tiền tích trữ trở lại hệ thống ngân hàng” và giúp Ngân hàng Trung ương Nigeria giành lại quyền kiểm soát tiền lưu thông. Ngoài ra, vị Thống đốc còn nhấn mạnh: “Việc thiết kế lại tiền tệ cũng sẽ hỗ trợ trong cuộc chiến chống tham nhũng, vì thông thường các loại tiền mệnh giá cao hơn được sử dụng để tham nhũng và việc lưu chuyển các khoản tiền như vậy từ hệ thống ngân hàng có thể được theo dõi dễ dàng hơn”.

Do giá lương thực tăng vọt, lạm phát ở Nigeria đã đạt mức cao nhất trong 17 năm qua là 21,09%. Cũng theo thống kê của chính phủ, ít nhất 133 triệu người (chiếm tỷ lệ 63% dân số Nigeria) là người nghèo. Các nhà phân tích cho rằng, tiền mới sẽ mang lại ít kết quả, thậm chí vô tác dụng trong việc quản lý lạm phát hoặc trong cuộc chiến chống tham nhũng nếu không có cải cách thể chế. “Nó có thể có khả năng làm chậm nền kinh tế nếu mọi người không có tiền mặt và không thể đổi ngay tiền mặt của họ sang tiền mới. Anh không thể loại bỏ tiền mặt mà không điều chỉnh hệ thống tài chính hoặc thanh toán điện tử” - ông Adedayo Bakare, một nhà phân tích của Money Africa có trụ sở tại Lagos cho biết. Chuyên gia này nhận định: “Nếu muốn hạn chế rửa tiền, hệ thống tài chính cần phải tốt hơn. Nếu muốn hạn chế thanh toán lại quả, công tác an ninh bảo mật cần phải tốt hơn”.

Cùng với đó, các chuyên gia tỏ ra nghi ngờ về kỳ vọng ở một đất nước đã phải đối mặt với nạn tham nhũng kinh niên trong nhiều thập kỷ. Thực trạng quan chức chính phủ thường xuyên biển thủ công quỹ là một trở ngại lớn cho công cuộc xóa đói giảm nghèo ở quốc gia này. Năm 2003, Nigeria đã lập Ủy ban Tội phạm kinh tế và tài chính (EFCC), mục đích là điều tra, truy tố và kết án một số quan chức cấp cao tham nhũng. Vào tháng 9-2006, EFCC đưa vào diện điều tra 31/36 thống đốc bang. Vào tháng 4-2008, EFCC bắt đầu cuộc điều tra về con gái của cựu Tổng thống Nigeria, Thượng nghị sĩ Iyabo Obasanjo-Bello vì đã nhận 10 triệu naira (100.000 USD) bị biển thủ từ Bộ Y tế. Mới đây nhất, ngày 18-11-2022, EFCC tuyên bố quyết tâm kháng cáo phán quyết của tòa án từng bác bỏ 10 tội danh về tham nhũng nhằm vào ông Babachir Lawal - cựu Thư ký của Chính phủ liên bang. Nhân vật này được cho là đã cấu kết với ít nhất 6 người khác phạm tội gian lận, rửa tiền…