Niềm vui chưa trọn vẹn

ANTĐ - Thông tin nữ VĐV đi bộ Nguyễn Thị Thanh Phúc giành tấm vé Olympic chính thức đầu tiên sau 32 năm khiến những người yêu mến môn thể thao nữ hoàng phấn chấn. Nhưng riêng với những người làm công tác quản lý, huấn luyện thì niềm vui đó không phải là đã trọn vẹn.

Trường hợp của Thanh Phúc nằm ngoài dự đoán

Trực tiếp theo dõi Thanh Phúc giành HCĐ và tấm vé Olympic 2012, trưởng bộ môn Dương Đức Thủy nhận định: “Thanh Phúc đã thi đấu quá tốt so với dự kiến của chúng tôi”. Trước đó tại SEA Games 26, ông Thủy và các HLV bộ môn điền kinh cũng đưa ra nhận xét tương tự khi Thanh Phúc (đi bộ 20km nữ) cùng các gương mặt mới như Việt Anh (nhảy cao), Huệ Hoa (nhảy 3 bước), Xuân Cường (400m vượt rào), Văn Thái (800m nam) giành HCV khu vực. 

Không thể nói những tấm huy chương đến từ may mắn, bởi bên cạnh tố chất bẩm sinh thì sự nỗ lực, kiên trì, bền bỉ là các yếu tố giúp VĐV chinh phục đỉnh cao khu vực, châu lục. Từng tuyển chọn, lại trực tiếp hướng dẫn, HLV phải là người nắm rõ nhất về phong độ cũng như dự đoán sát nhất thành tích của VĐV trước mỗi giải đấu. Thế nhưng, chính họ lại bất ngờ trước những tấm HCV của học trò tại SEA Games vừa qua cũng như suất dự Olympic của Thanh Phúc mới đây. Câu hỏi đặt ra: “Phải chăng những người trực tiếp huấn luyện lẫn quản lý điền kinh Việt Nam không thể dự đoán thực lực của VĐV?”.  

Công tác dự đoán chính là chìa khóa dẫn đến thành công, dựa vào đó, giới quản lý đưa ra hoạch định chiến lược cho bộ môn và từng VĐV. Một môn trọng điểm, được quan tâm và đầu tư mạnh mẽ nhất trong số hơn 40 môn đỉnh cao như điền kinh càng cần phải chú trọng hơn đến công tác này. Thế nhưng… Không dưới 4 HCV có được tại SEA Games 26 nằm ngoài dự đoán, trong khi người được chắc mẩm sẽ mang về 2 HCV là Vũ Thị Hương đã thất bại. Còn mục tiêu Olympic 2012, hy vọng giành vé thuộc về Thanh Hằng và Việt Anh chứ không phải Thanh Phúc, nhưng thực tế thì cô gái người Đà Nẵng mới là người giúp điền kinh Việt Nam thỏa giấc mơ Olympic sau 32 năm mòn mỏi đợi chờ. 

Cần phải nói thêm, từ 2011 đến nay, điền kinh Việt Nam được đầu tư số tiền kỷ lục 230.000 USD chỉ cho mục tiêu Thế vận hội. Nhưng công tác dự đoán thiếu chính xác đã khiến cho cách chọn VĐV lẫn cách thức đầu tư của bộ môn điền kinh có nhiều sai số. Rõ nhất là việc Vũ Thị Hương bị “quá tải” với lịch tập huấn, thi đấu liên tiếp 6 giải tại Đức để rồi gặp chấn thương đáng tiếc. Trong khi người duy nhất có vé là Thanh Phúc suốt hơn 10 năm qua chưa có nổi một chuyến tập huấn nước ngoài, dự giải châu Á vừa qua cũng chỉ là cọ xát còn tại SEA Games 26, thậm chí Phúc còn suýt bị loại khỏi danh sách vì lãnh đạo bộ môn nhận định “đi bộ Việt Nam từ xưa đến nay không thể có thành tích cao”. 

“Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, các tài năng trẻ của điền kinh Việt Nam đã học hỏi được rất nhiều điều sau mỗi lần du đấu, trong khi những người quản lý, HLV thường xuyên được “đi học” nhưng kết quả thu về chẳng là bao.