Đội tuyển cầu mây nữ trước các giải đấu quốc tế:

Niềm tin thôi chưa đủ

(ANTĐ) - “Tôi tin tưởng rằng tại SEA Games 26 tới và xa hơn là ASIAD 2014, đội tuyển cầu mây nữ sẽ giành HCV”, đó là khẳng định của ông Nguyễn Xuân Hạnh, TTK Liên đoàn cầu mây Việt Nam về những mục tiêu của bộ môn trong tương lai.

Song theo giới chuyên môn, trong bối cảnh như hiện tại thì điều đó gần như là không tưởng.

Khoảng trống nhân sự

Du nhập vào Việt Nam từ năm 1989, trải qua biết bao thăng trầm, cầu mây đã có bước phát triển mạnh mẽ với đỉnh cao là 2 tấm HCV của tuyển cầu mây nữ tại ASIAD 2006. Song cũng kể từ thời điểm đó, cầu mây nữ đi xuống một cách thảm hại. 5 năm trước, ngay sau thời điểm đăng quang tại đấu trường châu lục đã xuất hiện những ý kiến từ giới chuyên môn cho rằng: cần phải mau chóng tìm kiếm những nhân tố mới, đủ sức gánh vác trọng trách khi lớp “thế hệ vàng” giã từ sự nghiệp.

Để cầu mây nữ phát triển và tìm lại ánh hào quang, chỉ niềm tin thôi chưa đủ 

 Để cầu mây nữ phát triển và tìm lại ánh hào quang, chỉ niềm tin thôi chưa đủ

Song bệnh thành tích đã khiến cầu mây không dám thử nghiệm các nhân tố trẻ và coi nhẹ công tác quan trọng hàng đầu là tuyển chọn và đào tạo lớp kế cận. Đội hình đăng quang trên đất Qatar năm 2006 gần như không có sự thay đổi và bị vắt kiệt sức tại các giải đấu quốc tế lớn nhỏ. Hậu quả là tuyển nữ cầu mây Việt Nam “trắng vàng” tại SEA Games 25 và không thể bảo vệ được ngôi vương tại ASIAD 2010.

Không thể đánh bại Thái Lan - quốc gia luôn chiếm vị trí độc tôn về cầu mây trên bản đồ thế giới - là một nhẽ, song việc để các đối thủ “chiếu dưới” như Malaysia, Indonesia, Myanmar… vượt mặt là không thể chấp nhận. Có lẽ, chưa bao giờ cầu mây nữ Việt Nam lại rơi vào tình cảnh khủng hoảng lực lượng như hiện nay.

Khi “một thế hệ vàng” như Lưu Thị Thanh, Hải Thảo, Bích Thùy… đã giải nghệ thì tại tuyến trẻ, vẫn chưa có cái tên nào thực sự nổi bật, đủ sức lấp đầy khoảng trống mà lớp “đàn chị” để lại. Ông TTK Liên đoàn cầu mây Việt Nam từng khẳng định, sẽ dùng hết tâm huyết của mình để đưa đội tuyển cầu mây nữ đăng quang tại SEA Games 26 và cả ASIAD 2014, song nếu nhìn vào thực trạng hiện nay, nếu chỉ có niềm tin thôi có lẽ chưa đủ.

Chấp nhận đi lên từ con số 0

Nhắc đến cầu mây không thể bỏ qua cái tên Hà Khả Luân (nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội), người có công du nhập và phát triển bộ môn này tại Việt Nam. “Mọi thứ lúc đó đều phải đi lên từ con số 0. Chúng tôi đã đi từ Bắc chí Nam, tới từng địa phương, cân nhắc và tuyển chọn từng VĐV cho đội tuyển.

Ngoài việc căn cứ vào thể trạng, khả năng khéo léo của VĐV thì công tác tuyển VĐV phải đảm bảo các tiêu chí quan trọng khác như: Mỗi vị trí luôn phải có ít nhất 3 VĐV có trình độ ngang nhau, lớp trẻ kế cận có trình độ không chênh lệch là bao so với lớp đàn chị. Và để làm được điều đó thì ngoài chuyên môn, đòi hỏi những người làm công tác chuyên môn cần phải có lòng đam mê và yêu nghề”, ông Luân chia sẻ.

Trong khi các nước trong khu vực, đặc biệt là Thái Lan có đến hàng chục trung tâm đào tạo trẻ, cùng việc tổ chức nhiều giải đấu đủ các cấp độ thì ở Việt Nam, con số này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Lực lượng trẻ chủ yếu trông chờ vào 2 đơn vị là Hà Nội và trường TDTT Từ Sơn (Bắc Ninh). Vậy nên, việc đi xuống của cầu mây nữ trong vài năm trở lại đây là điều dễ hiểu. Cách đây hơn hai thập kỷ, chỉ với một quyển luật và 3 quả cầu, cha con ông Hà Khả Luân đã đưa cầu mây lên đỉnh cao châu lục, vậy thì nay, với cơ sở vật chất cùng nhiều yếu tố thuận lợi hơn trước, lẽ nào những người làm công tác cầu mây lại không thể làm được điều tương tự?