Những vụ tai nạn sập hầm làm chấn động thế giới

ANTD.VN - Tai nạn hầm mỏ là một trong những tai nạn gây nên hậu quả nặng nề nhất cho các quốc gia có tỷ lệ khai thác khoáng sản lớn. Sập hầm đã cướp đi mạng sống của hàng trăm người vô tội khiến cho nhiều gia đình lao đao rơi vào hoàn cảnh khốn khó. Không chỉ vậy, sập hầm mỏ còn gây thiệt hại lớn về kinh tế cho các quốc gia. Cũng nhìn lại những vụ tai nạn sập hầm mỏ từng làm chấn động thế giới.

Thông tin trên báo Dân trí, ước tính có hàng ngàn công nhân, thợ mỏ tử vong mỗi năm vì các tai nạn liên quan đến sập hầm, đặc biệt trong quá trình khai thác khoáng sản như than đá... Phần lớn những vụ tai nạn sập hầm xảy ra ở các quốc gia đang phát triển, đặc biệt tại Trung Quốc, khi mà tỷ lệ sập hầm tại quốc gia này cao nhất trên thế giới.

Có nhiều nguyên nhân gây ra những vụ sập hầm mỏ, như rò rỉ khí độc hại hydrogen sulfua (H2S) hoặc khí tự nhiên phát nổ, đặc biệt là khí mỏ than hay khí metan... hoặc các nguyên nhân khác như khai thác khoáng sản gây ra đột đất, lũ lụt, hoặc các lỗi về cơ khí, kết cấu giá đỡ không đúng...

Nổ mỏ than ở Trung Quốc khiến 26 người thiệt mạng

Như ANTĐ đưa tin, vụ nổ do rò rỉ khí gas xảy ra sáng 16-10-2010 tại mỏ than số 4 của công ty than điện Bình Vũ thuộc Tập đoàn năng lượng Trung Bình, Vũ Châu, Hà Nam khi đang có 276 công nhân làm việc đã khiến 26 người thiệt mạng. Ngay sau vụ nổ xảy ra, 239 người đã được đưa lên mặt đất an toàn, tuy nhiên có ít nhất 26 thi thể đã được tìm thấy bên trong hầm mỏ.

Theo ông Đỗ Ba, phó tổng chỉ huy lực lượng cứu hộ hiện trường của Tập đoàn Trung Bình, lượng bụi than do vụ nổ gây ra ước khoảng 2.500 tấn, thêm vào đó nồng độ khí gas trong hầm vẫn còn rất nặng khiến công tác cứu hộ gặp khó khăn.

Sập hầm mỏ tại Trung Quốc năm 2010

Được biết, tháng 8-2008, tại khu mỏ này cũng đã xảy ra một vụ nổ khí gas tương tự làm 23 người thiệt mạng.

Sập hầm mỏ ở Pakistan làm 7 người thiệt mạng

7 người đã thiệt mạng và 45 người mắc kẹt trong một vụ sập hầm mỏ tại Pakistan. Nguyên nhân vụ tai nạn được cho là do những cơn mưa xối xả trút xuống khu vực bộ lạc Orakzai Agency, phía Tây Bắc nước này.

Các hầm mỏ tại Pakistan thường ít chú trọng an toàn lao động

Ông Shaukat Yousafzai, một quan chức chính phủ thuộc tỉnh lân cận Khyber Pakhtunkhwa cho biết, con số thiệt mạng có thể tăng lên vì khu vực này không có các đội cứu hộ đủ thiết bị để kéo người mắc kẹt ra khỏi đống đổ nát.

Thời tiết bất lợi cũng là yếu tố gây trở ngại công tác cứu hộ. Ngoài các công nhân tử nạn và mắc kẹt, 10 người bị thương đã được chuyển tới bệnh viện gần đó.

Sập hầm mỏ khai thác đá quý tại Myanmar, 15 người thiệt mạng

Ngày 14-7, xảy ra một vụ lở đất làm sập hầm mỏ khai thác đá quý ở thị trấn Hpakant, bang Kachin, miền Bắc Myanmar làm ít nhất 15 người thiệt mạng và 45 người bị thương.

Còn nhiều người bị vùi lấp trong vụ sập hầm mỏ khai thác đá quý tại bang Kachin, miền Bắc Myanmar

Cảnh sát địa phương cho biết bức tường hầm của một mỏ đá quý cũ đã đổ sập và chôn vùi những người thợ đang đào tìm đá quý. Sau khi đưa được 15 thi thể ra khỏi đống bùn đất, đội tìm kiếm, cứu hộ đã tạm dừng công việc trong ngày 14-7 và sẽ tiếp tục hoạt động tìm kiếm nạn nhân trong ngày 15-7. Khoảng 45 người bị thương đã được đưa đi cấp cứu.

“Có khoảng 100 người đang làm việc trong mỏ”, ông Han Thar, một quan chức thuộc đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ tại Hpakant cho rằng có thể vẫn còn nhiều người bị chôn vùi dưới đống bùn đất. Giới chức địa phương đề nghị người dân trong khu vực cung cấp thông tin về bất kỳ ai mất tích.

Theo giới chức địa phương, các nạn nhân trong vụ lở đất không làm việc cho bất kỳ công ty nào. Hiện lực lượng chức năng đang điều tra nguyên nhân vụ việc.

Thiếu sự quản lý của cơ quan chức năng là nguyên nhân dẫn đến tai nạn hầm mỏ thường xuyên xảy ra tại nhiều khu vực ở Myanmar. Tháng 5 vừa qua, ít nhất 14 người thiệt mạng trong vụ sập hầm tương tự. Năm 2015, hơn 100 người đã thiệt mạng do lở đất tại Hpakant.

Cuộc giải cứu nghẹt thở 33 thợ mỏ trong vụ sập hầm tại Chile năm 2010

Theo thông tin trên báo Xây dựng, vào lúc 14h địa phương ngày 5-8-2010, đường hầm chính dẫn vào khu mỏ vàng và đồng San Jose ở miền Bắc Chile sụp xuống, khiến 33 thợ mỏ kẹt dưới độ sâu gần 700 mét. Tổng thống Chile Sebastian Pinera khi đó tuyên bố nước này sẽ tìm mọi cách để cứu các thợ mỏ. Nhưng Bộ Hầm mỏ nước này cho rằng khả năng tìm thấy các công nhân còn sống là rất thấp vì các mũi khoan thám sát đều không có kết quả.

Một thợ mỏ ôm Tổng thống Sebastian Pinera sau khi được cứu ( Ảnh:EPA)

Đêm 12-10 giờ Chile, cuộc giải cứu chưa từng có trong tiền lệ lịch sử bắt đầu, tất cả các hãng truyền thông lớn thế giới đều truyền trực tiếp cuộc giải cứu thợ mỏ và cả thế giới đã xúc động khi chứng kiến giây phút thợ mỏ đầu tiên trong số 33 người mắc kẹt là Florencio Avalos được kéo lên mặt đất an toàn bằng lồng cứu hộ Phượng hoàng, nặng 420 kg được các chuyên gia Chile chế tạo với sự trợ giúp của NASA.

Sau đó, các thợ mỏ sau đó lần lượt được đưa lên mặt đất từng người một trong sự đón chào của những người có mặt tại chỗ, bao gồm Tổng thống Sebastian Pinera, và của người dân trên khắp đất nước Chile.

69 ngày dưới lòng đất các thợ mỏ sống sót chỉ với 15 hộp cá ngừ. "Ban đầu, chúng tôi ăn một thìa cà phê trong 24 giờ, sau đó cứ 48 giờ chúng tôi mới ăn một lần. Cuối cùng sau mỗi 72 giờ chúng tôi mới ăn. Thật kinh khủng".

Sau vụ sập hầm này chính phủ Chile đã ban hành những biện pháp mới về an toàn lao động, yêu cầu những ngành công nghiệp như khai mỏ, xây dựng, giao thông, nông và ngư nghiệp có những biện pháp đảm bảo an toàn lao động. Bất kỳ công ty nào không đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn sẽ bị buộc phải ngừng hoạt động. Chiến dịch giải cứu đã tiêu tốn 10-20 triệu USD.

Giải cứu 3.200 thợ mỏ ở mỏ vàng Elandsrand

Theo thông tin trên báo Xây dựng, vào 10h sáng ngày 3-10-2007, 3.200 công nhân đã bị mắc kệt tại mỏ vàng Elandsrand nằm ở thành phố Johannesburg của Nam Phi sau khi một đoạn ống lớn trong mỏ bị rơi, va vào kết cấu của thang máy và làm nó ngưng hoạt động. Vì thế, cả mấy ngàn công nhân đã mắc kẹt ở độ sâu đến 2,2 km.

Niềm vui của các thợ mỏ sau khi được giải cứu an toàn.

Sau khi nhận được thông tin, chính quyền đã điều lực lượng cứu hộ đến hiện trường giải cứu các nạn nhân. Để giải cứu các nạn nhân, đội cứu hộ đã sử dụng một thang nâng của đường hầm khác gần đó, chuyên dùng cho việc vận chuyển thiết bị, dụng cụ làm việc trong mỏ để đưa các công nhân lên trên mặt đất.

Đến tối 4-10, công tác cứu hộ kết thúc và sứ mệnh giải cứu kéo dài một ngày dài bắt đầu với nỗi lo sợ về những điều tồi tệ nhất và kết thúc trong sự vui mừng tột độ, toàn bộ công nhân được cứu sống thành công.

Untersberg, Đức năm 2014

Johann Westhauser được giải cứu năm 2014. Ảnh: AFP.

Theo VNE, hơn 700 nhân viên phản ứng khẩn cấp đã nỗ lực giải cứu Johann Westhauser, 52 tuổi, sau khi ông bị chấn thương đầu vì đá rơi khi thám hiểm một hệ thống hang của Đức ngày 8-6-2014.

Một bạn đồng hành của Westhauser đã lên mặt đất để gọi trợ giúp trong khi một người khác ở lại để chăm sóc Westhauser. Chấn thương khiến ông không thể di chuyển. Nhân viên cứu hộ và chuyên gia y tế từ 5 quốc gia đã làm việc để đưa ông lên từ vị trí sâu 1.000 m dưới mặt đất.

Những người cứu hộ phải đối mặt với nguy hiểm và nhiệt độ gần như đóng băng khi vượt qua mạng lưới hầm, hồ ngầm và những thác nước lạnh giá. Cuối cùng, Westhauser được đưa ra khỏi hệ thống hang trên một cái cáng sau 11 ngày. Giới chức địa phương nói rằng họ đã nghĩ cuộc giải cứu "không thể thực hiện được".

9 ngày tìm kiếm đội bóng nhí Thái Lan mất tích

Khoảng 1h trưa ngày 23-6-2018 các cầu thủ đội bóng "Lợn hoang" từ 11 tới 16 tuổi và huấn luyện viên Ekkapol Chantawong 25 tuổi, xuống xe, khóa chặt phương tiện di chuyển vào hàng rào sắt rồi đi vào hang Tham Luang ở bắc Thái Lan.

Họ đi ngày càng sâu vào hang, đi qua những biển cảnh báo vốn khuyến cáo mọi người tránh xa khu vực này vào mùa mưa. Mưa bắt đầu rơi rồi nước xối xả ập xuống. Cả nhóm được thông báo là đã mất tích, sau khi mẹ một cầu thủ cho hay con bà không về nhà. Giới chức địa phương bắt đầu tìm kiếm sau khi họ cho rằng cả đội bóng có lẽ đã bị mắc kẹt do mưa lớn chặn lối ra vào chính.

Hang Tham Luang nơi đội bóng nhí Thái Lan phát hiện mất tích

Một nhân viên kiểm lâm sau đó phát hiện nhiều xe đạp, giày đá bóng của các em gần lối vào hang. Cảnh sát và nhà chức trách bắt đầu một cuộc tìm kiếm quy mô lớn trong cảnh mưa vẫn xối xả đổ xuống khu vực gần biên giới với Lào và Myanmar.

Sau 1 ngày tìm kiếm lực lượng cứu hộ tìm thấy dấu chân và dấu tay, được cho là của các cầu thủ trong đội bóng. Đội cứu hộ cho rằng đội bóng và huấn luyện viên có lẽ đã lùi về phía các đường hầm quanh co khi nhận thấy nước ngập dâng lên.

Bên ngoài hang, người thân các cầu thủ thắp nến cầu nguyện, chờ đợi tin trong tuyệt vọng. Tuy nhiên, với những nỗ lực không ngừng của chính phủ Thái Lan sau 9 ngày mắc kẹt, các thành viên của đội bóng “Lợn hoang” đã được đưa ra ngoài an toàn.