Những uẩn khúc trong vụ án gián điệp Rio Tinto

(ANTĐ) - Mặc dù Bắc Kinh và Canberra vừa ký một hợp đồng khí đốt trị giá lên tới 41,3 tỷ USD, nhưng bóng đen của “vụ án gián điệp Rio Tinto” vẫn đã và đang làm ảnh hưởng không nhỏ tới mối quan hệ giữa Trung Quốc và Australia.

Những uẩn khúc trong vụ án gián điệp Rio Tinto

(ANTĐ) - Mặc dù Bắc Kinh và Canberra vừa ký một hợp đồng khí đốt trị giá lên tới 41,3 tỷ USD, nhưng bóng đen của “vụ án gián điệp Rio Tinto” vẫn đã và đang làm ảnh hưởng không nhỏ tới mối quan hệ giữa Trung Quốc và Australia.

Trụ sở Rio Tinto tại Thượng Hải
 Trụ sở Rio Tinto tại Thượng Hải

Theo thỏa thuận được ký giữa Tập đoàn Năng lượng ExxonMobil của Australia và Công ty dầu khí PetroChina của Trung Quốc (lớn nhất trong lịch sử Australia và cũng là dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất của nước này), mỗi năm ExxonMobil sẽ cung cấp cho PetroChina 2,25 triệu tấn khí đốt tự nhiên hóa lỏng khai thác từ khu mỏ Gorgon ở bang Tây Australia trong thời gian 20 năm, kể từ năm 2015. Giới kinh tế cho rằng, để phục vụ phát triển kinh tế, nhu cầu tiêu thụ khí đốt tự nhiên của Trung Quốc sẽ tăng gần gấp 3 lần trong vòng 10 năm tới.

Trung Quốc muốn giảm từ 40% đến 45% giá quặng sắt, cao hơn mức giảm từ 33% đến 34% mà Rio Tinto dành cho Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng bất thành. Giới truyền thông cho rằng, Tập đoàn nhôm Chinalco của Trung Quốc quyết định tăng cổ phần trong Rio Tinto sau khi biết tin tập đoàn này đang phải bán 4 cơ sở kinh doanh của Công ty con Alcan với giá 2 tỷ USD để thanh toán những khoản nợ.

Trung Quốc cảm thấy bị Rio Tinto qua mặt - tuy đàm phán với Chinalco, nhưng lại ký hợp đồng với BHP Billiton, công ty sản xuất nhôm đứng thứ sáu thế giới có trụ sở ở Melbourne và London để cùng kinh doanh quặng sắt. Điều đáng nói là BHP Billiton từng thất bại trong việc hợp tác với Rio Tinto trong lĩnh vực này.

Mặc dù thương vụ giữa Rio Tinto và Chinalco thất bại, nhưng Trung Quốc (Hiệp hội Thép Trung Quốc) vẫn thành công trong việc ký hợp đồng với Tập đoàn thép Fortescue Metals Group (FMG) lớn thứ ba của Australia. FMG sẽ xuất khẩu sang Trung Quốc với mức giá là 94 cent/tấn bột quặng và 100 cent/tấn quặng khối. FMG nổi tiếng với khu vực khai thác quặng sắt rộng 52.000 km2 tại khu vực Pilbara, phía Tây Australia với trữ lượng quặng khoảng 20 tỷ tấn.

Ngoài ra, còn khá nhiều uẩn khúc xung quanh “vụ án gián điệp Rio Tinto” và dư luận quốc tế cũng có phản ứng khác nhau sau vụ này. Trung Quốc cho rằng, Washington không muốn Bắc Kinh mua được tài nguyên của Australia một cách thuận lợi. Khi Tập đoàn nhôm Chinalco của Trung Quốc có ý muốn tăng cổ phần trong Tập đoàn khai thác mỏ Rio Tinto, Washington đã tìm mọi cách cản trở. Tập đoàn khai thác mỏ Rio Tinto tiếp tục khẳng định, những cáo buộc mà Trung Quốc đưa ra đối với 4 nhân viên của họ là hoàn toàn không có cơ sở! Giám đốc Rio Tinto Sam Walsh thẳng thừng bác bỏ các cáo buộc và cho biết, họ vẫn tiếp tục hoạt động tại Trung Quốc.

Stern Hu
Stern Hu

Tại cuộc họp báo, đại diện cơ quan an ninh Trung Quốc cho biết, họ tìm thấy một khối lượng lớn thông tin và dữ liệu của ngành sản xuất thép Trung Quốc trong hệ thống máy tính của Rio Tinto. Hành động này đã vi phạm nghiêm trọng an ninh kinh tế Trung Quốc. Theo cáo buộc, Rio Tinto đã hoạt động gián điệp trong vòng 6 năm qua, khiến các doanh nghiệp trong ngành khai thác quặng sắt của Trung Quốc bị tổn thất tới 700 tỷ NDT (khoảng 102 tỷ USD) - phải mua quặng với giá cao trong 6 năm liền.

Ngay sau khi nhận được cáo buộc này, Rio Tinto đã thông báo tổng mức doanh thu của mình - chỉ khoảng 43,3 tỷ USD, do đó con số 102 tỷ USD mà Trung Quốc đưa ra là “có vấn đề”. Cơ quan chức năng Trung Quốc cũng bắt một số quan chức điều hành ngành thép vì bị nghi ngờ tiết lộ bí mật thương mại cho Stern Hu. Stern Hu bị nghi ngờ đã hối lộ lãnh đạo một số doanh nghiệp thép vừa và nhỏ để ký hợp đồng dài hạn trong khi họ chưa được phép, gây ảnh hưởng đến quá trình đàm phán của Hiệp hội Thép Trung Quốc hồi cuối năm 2008.

Trong số 4 người bị bắt, đáng chú ý nhất là Stern Hu, tức Hồ Sỹ Thái. Tuy sinh ra, lớn lên tại Thiên Tân và tốt nghiệp khoa Lịch sử trường Đại học Bắc Kinh, nhưng sau khi tới Australia và gia nhập quốc tịch nước này, Stern Hu được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành của Tập đoàn khai thác mỏ Rio Tinto có trụ sở tại Thượng Hải. Thời điểm bắt Stern Hu khiến dư luận đặc biệt quan tâm bởi diễn ra sau khi Australia từ chối không để Tập đoàn nhôm Chinalco của Trung Quốc tăng cổ phần trong Tập đoàn khai thác mỏ Rio Tinto.

Stern Hu và 3 người nữa của Rio Tinto bị bắt từ hôm 5-7-2009 với tội danh hối lộ và làm gián điệp, nhưng mãi tới ngày 11-8, Trung Quốc mới chính thức thông báo việc này. Theo đó, 4 thành viên của Tập đoàn khai thác mỏ Rio Tinto bị bắt vì nghi ngờ có dính líu vào hoạt động đánh cắp bí mật thương mại và đưa hối lộ. Đây là một sự thay đổi lớn, đáng quan tâm bởi trước đó Bắc Kinh cáo buộc 4 người này phạm tội hoạt động gián điệp, đánh cắp bí mật quốc gia và hối lộ quan chức. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, Trung Quốc có thể giảm căng thẳng với Australia xung quanh vụ án gián điệp Rio Tinto.

Rio Tinto đưa ra quyết định không chấp thuận khoản đầu tư 19,5 tỉ USD của Chinalco sau cuộc họp của lãnh đạo tập đoàn này tại London, Anh hôm 4-6. Điều đáng nói là trước đó, Rio Tinto đã chấp thuận số tiền 19,5 tỉ USD và để Chinalco gia tăng tỷ lệ cổ phần tại tập đoàn từ 9,3% lên 18,5%. Rio Tinto cần 20 tỉ USD để trang trải các khoản nợ đáo hạn vào năm 2009-2010.

Sau khi Rio Tinto đơn phương hủy hợp đồng, ngày 11-6 Tổng Giám đốc Tập đoàn nhôm Chinalco Hùng Duy Bình lần đầu tiên đề cập tới vấn đề này: thất bại là do Trung Quốc không kiểm soát được hết tình hình. Tờ “The Age” cho rằng, vụ bắt giữ là nhằm trả đũa việc Chinalco không thể mua được 19,5 tỉ USD cổ phần của Rio Tinto.

Lê Cao Sơn

(Tổng hợp)