Những thói quen xấu làm răng mọc lệch
(ANTĐ) - “Rất nhiều trường hợp răng bị mọc lệch, răng khểnh, răng vẩu là do kéo dài những thói quen xấu trong sinh hoạt”, TS. Phạm Như Hải - Trung tâm Nha khoa 37 Giải Phóng, Hà Nội cho biết.
Lệch lạc răng do tật mút ngón tay |
Mút ngón tay
Tật xấu này thường gây lệch khớp cắn, hở vùng răng cửa, lệch lạc vùng răng hàm. Vị trí và mức độ lệch lạc răng do mút ngón tay phụ thuộc vào vị trí của ngón tay, sự co cơ vùng miệng, tư thế của hàm dưới khi mút, thời gian mút...
Khớp cắn hở phía trước là loại lệch lạc hay gặp nhất do tật mút tay gây ra, với biểu hiện các răng cửa trên thường bị đưa ra trước, đặc biệt trong trường hợp mút ngón tay cái. Hàm dưới bị đẩy ra sau càng nhiều, nếu bàn tay càng to và mạnh, đồng thời răng cửa hàm dưới bị nghiêng về bên trong.
Trong khi mút ngón tay, thành miệng co lại để tạo thành một áp lực âm ở trong miệng, làm hẹp cung hàm. Sự xáo trộn hệ thống lực ở trong và xung quanh xương hàm sẽ ngăn cản sàn mũi hạ thấp xuống theo chiều đứng như sự phát triển tự nhiên. Tình trạng này có thể dẫn đến sàn mũi hẹp, vòm khẩu cái vồng cao, giảm trương lực môi trên, tăng trương lực môi dưới làm cho môi dưới bị kéo lên cao chèn vào khoảng trống giữa 2 răng cửa khi nuốt. Sự co thắt cơ bất thường trong khi mút và khi nuốt sẽ duy trì sự biến dạng của răng hàm mặt.
Một số trường hợp bị lệch lạc răng hàm có thể biến mất sau khi bệnh nhân ngừng mút ngón tay sớm (khi các biến dạng còn ít, các răng vẫn chạm nhau khi nuốt). Tuy nhiên, đa số các trường hợp lệch lạc do mút ngón tay cần phải được can thiệp tại chuyên khoa răng.
Thè lưỡi khi nuốt
Răng cửa hàm trên nhô về phía trước do tật mút ngón tay sẽ dẫn đến khớp cắn hở răng cửa, bắt buột lưỡi phải đưa ra trước khi nuốt để tạo thành một tấm bịt. Thè lưỡi khi nuốt đơn giản (thè lưỡi nhưng các răng vẫn chạm nhau khi nuốt), thường gặp khi trẻ mút vú giả và mút ngón tay, thì không gây khớp cắn hở. Thè lưỡi khi nuốt phức tạp thường kết hợp với bệnh lý đường hô hấp trên mạn tính, thở miệng, viêm amiđan, viêm họng thì phải điều trị. Việc điều trị và tiên lượng tùy thuộc vào mức độ tật của người bệnh.
Mút môi và cắn môi
Khớp cắn hở do tật thè lưỡi khi nuốt |
Mút môi có thể xuất hiện đơn độc hay kèm theo mút ngón tay. Thường thì bệnh nhân hay mút môi dưới, trong trường hợp bị tật cắn môi thì có thể gặp cả môi trên. Khi môi dưới bị giữ và nằm sau răng cửa trên, thì nó sẽ đẩy những răng cửa trên ra phía trước, tạo ra khớp cắn hở và đôi khi làm cả những răng cửa hàm dưới nghiêng ra sau.
Tư thế không tốt
Những người có tư thế toàn thân không tốt thường cũng có tư thế hàm dưới không tốt, gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe. Tuy nhiên, tư thế là kết quả phối hợp của những phản xạ co cơ, nên có thể chỉnh sửa và thay đổi.
Cắn móng tay
Cắn móng tay thường được đề cập như là một nguyên nhân gây lệch lạc răng. Những đứa trẻ xúc cảm, dễ bị kích thích thường có thói quen này, nhưng tác hại của nó thì ít nặng nề hơn các thói quen xấu nêu trên.
Những thói quen xấu khác
Để trẻ nằm ngửa lâu và liên tục trên một mặt phẳng cứng có thể làm dẹt vùng chẩm hay làm mặt mất cân đối. Những thói quen khác như mút bút chì, mút núm vú giả, cắn những vật cứng, ngủ tì tay một bên hay thói quen chống cằm cũng đều có hại cho sự phát triển của mặt tương tự như mút ngón tay.
Minh Vũ