Nghịch lý trong đào tạo lái xe:

Những tai nạn bất thình lình

ANTĐ - Hàng loạt vụ tai nạn giao thông mà nguyên nhân do người lái xe nhầm giữa chân ga và chân phanh khi xử lý tình huống giao thông trên đường đã biến những chiếc “xe điên” trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người.

Mặc dù, chưa có số liệu chính xác từ các cơ quan chức năng về thực trạng lái xe gây chết người trong thời gian gần đây, thế nhưng, hàng loạt vụ tai nạn giao thông mà nguyên nhân do người lái xe nhầm giữa chân ga và chân phanh khi xử lý tình huống giao thông trên đường đã biến những chiếc “xe điên” trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người.

Nỗi ám ảnh “xe điên”

Cứ cách vài tuần, trên các phương tiện thông tin đại chúng, lại thấy xuất hiện thông tin về những vụ “tai nạn bất thình lình”, ghi lại những hình ảnh khủng khiếp về cả người và phương tiện, cướp đi mạng sống của nhiều người. Điều đáng nói là phần lớn trong số các loại xe gây tai nạn lại là các dòng xe hiện đại từ 4 - 7 chỗ số tự động. Nhiều vụ tai nạn gây chết người và không ít vụ đã để lại thương tật suốt đời cho nạn nhân.

Tuy nhiên, có một điểm chung về nguyên nhân tai nạn là người điều khiển xe thường bị nhầm chân ga và chân phanh khi xử lý, một phần do họ thiếu kinh nghiệm trước khi điều khiển, nhưng quan trọng hơn, tấm bằng lái mà họ bỏ thời gian, tiền bạc để học không hề dạy cho họ kỹ năng điều khiển xe số tự động.

 Hiện trường một số vụ tai nạn do người điều khiển không làm chủ phương tiện khi lái xe trên đường

 Hiện trường một số vụ tai nạn do người điều khiển không làm chủ
 phương tiện khi lái xe trên đường

Vụ tai nạn thương tâm xảy ra vào ngày  9-7 tại khu vực ngã ba Nguyễn Trãi - Lương Thế Vinh, quận Thanh Xuân, một chiếc xe ô tô "điên" 4 chỗ bất ngờ đâm liên hoàn vào xe bán vải ven đường rồi tiếp tục đâm 2 xe tự gióng, khiến 2 người tử vong. Trưa 28-3, chiếc ô tô Toyota Altis đã bất ngờ đâm vào 2 xe máy đang đi trên đường, dồn luôn 2 xe máy này vào chiếc xe Ford Focus đang đỗ bên đường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, khiến chủ nhân chiếc xe máy phải nhập viện. Nguyên nhân được xác định, do mới mua xe, chủ chiếc xe Altis lóng ngóng khi lùi nên đã đạp nhầm chân phanh thành chân ga gây ra vụ tai nạn trên.

Và hẳn người dân Hà Nội chưa quên vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra đầu năm 2010 tại ngã tư Xuân Thủy - Hồ Tùng Mậu - Phạm Hùng khi chiếc xe Ford Mondeo đời mới đã gây ra vụ tai nạn liên hoàn đâm vào 14 chiếc xe đạp, 7 xe máy chạy cùng chiều, khiến 20 người bị thương. Khác với những người điều khiển phương tiện gây tai nạn trước đó, người lái xe trong vụ việc này lại là một lái xe kỳ cựu. Và còn rất nhiều những vụ tai nạn giao thông thương tâm khác đã khiến không ít người phải bỏ mạng, còn người gây ra tai nạn phải hầu tòa về hành vi bất cẩn trong khi điều khiển phương tiện, trong số đó nhiều người mới được cấp giấy phép lái xe.

Đào tạo phải sát thực tiễn

Nói về những vụ tai nạn xảy ra trong thời gian qua, ông Dương Đình Thắng, nguyên kỹ sư về giao thông đường bộ cho biết: “Nguyên nhân hàng loạt vụ “xe điên” gây tai nạn có thể là do người lái không quen điều khiển xe số tự động và quá mất bình tĩnh khi va chạm đầu tiên xảy ra. Do đó, có thể đây là nguyên nhân khiến người lái xe đã đạp nhầm chân ga với chân phanh.

Những tai nạn dạng này đã từng xảy ra khá nhiều tại một số tỉnh, thành và đang có chiều hướng gia tăng, do mật độ người điều khiển phương tiện ô tô ngày càng tăng. Tuy nhiên, điểm mấu chốt nằm ở chỗ trong chương trình đào tạo lái xe, không hề có bài giảng hay thực hành về hướng dẫn sử dụng đối với dòng xe số tự động”.

Chỉ cần gia nhập thành viên của bất cứ diễn đàn ô tô nào trên các trang diễn đàn về ô tô, ai cũng có thể đưa ra nhận xét của mình về tình trạng lái xe không an toàn của người điều khiển phương tiện trong thời gian gần đây. Hai từ “xe điên” đang ngày càng trở thành nỗi ám ảnh cho những người tham gia giao thông. Và không ít người đặt câu hỏi tai nạn sẽ đến với mình lúc nào?

 

Một thành viên có tên minhlong trên diễn đàn ôtôfun bình luận: “Chính những thao tác lái xe số tự động không thuần thục tiềm ẩn nhiều vụ tai nạn xảy ra trong thời gian qua. Về cơ bản thì xe số sàn an toàn hơn xe số tự động nhờ chân trái (chân côn) luôn phải làm việc. Nếu người lái bị cuống đạp cả hai chân thì xe cũng chỉ gầm to mà không nhảy chồm chồm leo lên xe khác, hay đâm chết người như một số lái xe số tự động gây ra gần đây. Các cơ sở đào tạo lái xe nên đào tạo và sát hạch riêng xe số tự động song song với số sàn mới giảm thiểu được tai nạn”.

Đánh giá về những hạn chế trong quy định đào tạo, cấp bằng lái xe hiện nay, luật sư Nguyễn Thanh Hà - Công ty Luật TNHH S&B cho biết: “Hiện nay, tại hầu hết các cơ sở đào tạo lái xe ở Việt Nam đều sử dụng xe số sàn, do vậy, tất cả các kỹ năng và tình huống xử lý người học chỉ được biết trên loại xe này.

Hơn nữa, khi học xong, phần lớn mọi người đều sử dụng xe số tự động, khác nhau về nguyên lý truyền động nên nảy sinh nhiều vụ tai nạn khi người lái không được đào tạo một cách căn bản từ các cơ sở đào tạo. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là đến bao giờ người có nhu cầu học lái xe mới hết cảnh phải tự mình học lái xe số tự động, khi nào thì họ sẽ được học lái loại xe đời mới này một cách bài bản tại các cơ sở đào tạo lái xe là điều mà các cơ quan chức năng nên quan tâm.

Hàng loạt vụ tai nạn thảm khốc xảy ra đều xuất phát từ xe số tự động mới mua, người sử dụng chưa quen xe. Mặt khác, những kỹ năng xử lý tình huống của lái xe vốn được xác lập khi được đào tạo và cấp bằng lái lại là xe số sàn nên người điều khiển sẽ gặp khó khi mới sử dụng xe số tự động. Các cơ quan chức năng nên đưa ra quy định về thời gian lái xe thực tế trên đường đối với xe số tự động ở các hạng: B1, B2, C… trước khi thi cấp bằng chính thức như ở một số nước tiên tiến đã áp dụng.

Thực tiễn xã hội cho thấy, loại xe số tự động đang là dòng xe chủ đạo, việc chế tạo ra dòng xe này giúp cho người điều khiển dễ dàng và thoải mái hơn khi sử dụng phương tiện. Do vậy, cần đưa ra quy định cho học viên làm quen với loại phương tiện này khi đào tạo, trước khi cấp giấy phép lái xe. Có như vậy mới hạn chế được những tai nạn đáng tiếc xảy ra”.