Những tác động từ việc Nga rút khỏi Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong một cảnh báo đối với phương Tây về vấn đề Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã quyết định tạm đình chỉ tham gia Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) - Hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân quy mô cuối cùng của Matxcơva với Washington, nhưng không rút khỏi hoàn toàn.

New START- “Hòn đá tảng” với an ninh thế giới

Được ký giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev vào năm 2010 và chính thức có hiệu lực từ ngày 5-2-2011, New START quy định Mỹ và Nga phải cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của mình xuống còn dưới 700 tên lửa đạn đạo các loại, đồng thời chỉ được duy trì tối đa 1.550 đầu đạn cùng 800 bệ phóng đã triển khai và chưa triển khai. Hiệp ước cũng bắt buộc Washington và Matxcơva phải trao đổi với nhau thông tin về số lượng đầu đạn và phương tiện phóng mỗi năm 2 lần. Mỗi bên còn có thể tiến hành tới 18 cuộc kiểm tra các địa điểm vũ khí hạt nhân chiến lược hàng năm để đảm bảo bên kia không vi phạm các giới hạn của hiệp ước.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ký hiệp ước New START, ngày 8-4-2010

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ký hiệp ước New START, ngày 8-4-2010

Khỏi phải nói về tầm quan trọng mang tính toàn cầu của New START. Đến nay, hiệp ước này đóng vai trò chẳng khác nào như “hòn đá tảng” với an ninh thế giới, là “chiếc van điều tiết” kiểm soát nguy cơ bùng nổ chạy đua vũ trang toàn diện giữa hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới là Nga và Mỹ. Không những thế, nó còn là công cụ ngăn chặn nguy cơ mở rộng năng lực hạt nhân của các nước, nhất là trong bối cảnh ngoài Nga và Mỹ, nhiều nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel, Iran… đều có thể phát triển vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, trong suốt quá trình thực thi New START, Mỹ và Nga thường xuyên cáo buộc nhau vi phạm hiệp ước. Trong khi Washington cho rằng, các vũ khí đầy triển vọng của Nga như tàu ngầm Poseidon, tên lửa siêu thanh Kinzhal và Petrel không phù hợp với các quy định của New START, thì Matxcơva cũng tỏ ra không hài lòng với mưu toan của Mỹ vô hiệu hóa kho vũ khí hạt nhân của Nga bằng việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu và châu Á bao vây nước Nga.

Ngay sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần chỉ trích Hiệp ước New START. Trong con mắt của ông Donald Trump, công cụ vốn được ca ngợi như “tiêu chuẩn vàng” trong việc giải trừ quân bị lại là một hiệp ước “thiếu sót” và “lỗi thời” bởi được ký trước thời điểm thế giới xuất hiện các cuộc chiến tranh mạng, tên lửa siêu thanh và bệ phóng hạt nhân dưới biển. Washington còn cho rằng, Trung Quốc với kho vũ khí hạt nhân đang ngày càng mở rộng cũng cần phải tham gia đàm phán cùng Mỹ và Nga về một hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới.

Khác với ông Donald Trump, sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã quyết định cùng Nga gia hạn New START thêm 5 năm. Việc gia hạn New START sẽ bảo đảm những hạn chế có thể kiểm chứng được đối với tên lửa liên lục địa, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và các máy bay ném bom hạng nặng của Nga và Mỹ đến ngày 5-2-2026.

Tuy nhiên, khi Nga khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt, quan hệ ngoại giao giữa Washington và Matxcơva trở nên căng thẳng. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc tháng11-2022, Nga đơn phương hoãn cuộc họp kỹ thuật về Hiệp ước với các quan chức Mỹ vì “lý do chính trị”. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng “không thể xác nhận Nga đã tuân thủ hiệp ước”, bởi các cuộc thanh sát trên lãnh thổ Nga đều bị từ chối. Sau khi tuyên bố tạm đình chỉ New START, Tổng thống Vladimir Putin đã trình lên Hạ viện Nga dự luật đình chỉ New START. Nếu được Hạ viện Nga thông qua, dự luật sau đó sẽ được trình lên Thượng viện Nga phê duyệt.

Nguy cơ tái hiện cuộc đối đầu hạt nhân như thời Chiến tranh lạnh

Trở lại với quá khứ, sau khi Mỹ và Nga rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM) và Hiệp ước bầu trời mở với vai trò giám sát các hoạt động quân sự và kho vũ khí của các nước, thế giới chỉ còn New START là công cụ cuối cùng kiểm soát kho vũ khí hủy diệt của Nga và Mỹ. Với việc Nga tạm đình chỉ New START, lần đầu tiên sau gần nửa thế kỷ, thế giới có thể rơi vào tình trạng không có bất kỳ giới hạn pháp lý nào để giám sát tiềm lực hạt nhân của Mỹ và Nga. Đây cũng là lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, Washington và Matxcơva không thể theo dõi năng lực hạt nhân của nhau.

Nếu không tháo gỡ được mâu thuẫn giữa Nga và Mỹ liên quan đến New START, rất có thể sẽ bùng nổ một cuộc khủng hoảng hạt nhân nghiêm trọng giống như khi Mỹ triển khai tên lửa tầm trung Pershing II và Gryphon đến châu Âu, đe dọa Liên Xô hồi những năm 1980. Viễn cảnh một cuộc đối đầu hạt nhân nguy hiểm giữa Mỹ và Nga như thời “Chiến tranh lạnh” sẽ tái hiện, nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân cũng tăng theo.

Thảm họa hạt nhân sẽ treo lơ lửng trên đầu thế giới bởi dù bị New START hạn chế, kho vũ khí hạt nhân của các nước hiện nay vẫn là con số khủng khiếp. Theo con số thống kê, dù đã giảm trong giai đoạn tháng 1-2021 đến tháng 1-2022 nhưng tổng số đầu đạn hạt nhân toàn cầu vẫn còn tới hơn 13 nghìn đơn vị, 90% trong số đó do Nga và Mỹ sở hữu (Nga có 5.977 đầu đạn, trong đó hơn 1.600 có thể sẵn sàng được sử dụng. Mỹ biên chế 5.428 đầu đạn, với 1.750 chiếc sẵn sàng chiến đấu).

Tính đến thời điểm hiện tại, trên thế giới có 9 quốc gia đã cho nổ hay đã dùng vũ khí hạt nhân gồm Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, CHDCND Triều Tiên và Nam Phi (nước này đã từ bỏ vũ khí hạt nhân). Ngoài các nước trên, nhiều người tin là Israel cũng có vũ khí hạt nhân dù quốc gia này không phủ nhận hay xác nhận việc này. Thêm vào đó, có một thực tế là tất cả những nước có vũ khí hạt nhân đều đang mở rộng hoặc nâng cấp kho vũ khí, đồng thời bóng gió về khả năng sử dụng vũ khí hủy diệt trong chiến lược quân sự. Dù 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc đều tuyên bố khẳng định “không thể thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân và cuộc chiến này không được xảy ra” nhưng theo ghi nhận của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI - Thụy Điển), cả 5 nước trên chính thức hoặc không chính thức đều đang hiện đại hóa kho vũ khí của mình.

Theo ông James Cameron, chuyên gia tại Dự án Nghiên cứu hạt nhân Oslo, khi không còn công cụ thanh sát được quy định trong New START, Mỹ và Nga sẽ phải quay lại với cách thức “phỏng đoán năng lực và ý định đối phương” như dưới thời Chiến tranh lạnh. Khi đó, hai bên sẽ phải hành động dựa trên giả định về kịch bản xấu nhất, tăng cường các hệ thống và kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân phức tạp hơn. Đây là xu hướng đáng lo ngại và nếu hai bên không giải quyết được bất đồng, kho dự trữ đầu đạn toàn cầu được dự đoán sẽ sớm tăng trở lại lần đầu tiên sau 35 năm.

Trả lời báo chí về việc Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo nước này tạm dừng tham gia Hiệp ước New START, ông Stephane Dujarric, người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, tuyên bố: “Lập trường của Tổng thư ký Liên hợp quốc luôn rõ ràng, đó là Mỹ và Nga nên nối lại không chậm trễ việc thực hiện đầy đủ Hiệp ước New START. Hiệp ước này và các hiệp ước song phương kế tiếp về cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược giữa hai nước đã mang lại an ninh không chỉ cho Nga và Mỹ mà còn cho toàn thể cộng đồng quốc tế”. Trước đó, phát biểu với báo giới tại Thủ đô Athens khi đang thăm Hy Lạp, Ngoại trưởng Mỹ Blinken nêu rõ, thông báo của Nga về đình chỉ tham gia New START là vô cùng đáng tiếc. Ông cho biết, Mỹ sẽ theo dõi mọi hành động của Nga nhằm đảm bảo rằng, trong bất kỳ tình huống nào, Mỹ và các đồng minh của mình đều ở thế an toàn.