Những sự kiện định hình thế giới

ANTĐ - Từ Mùa xuân Ảrập đến cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và vụ tiêu diệt Osama bin Laden, năm 2011 chứng kiến đầy ắp những sự kiện lớn, tác động đến tình hình chính trị và an ninh mỗi quốc gia. Đây được xem như những sự kiện lịch sử có thể định hình thế giới trong những năm sắp tới.


Biểu tình Chiếm phố Wall

Phong trào Chiếm phố Wall - cuộc biểu tình chống những chính sách ưu đãi cho 1% người giàu ở Mỹ, đã lan tới hàng chục thành phố ở Mỹ và châu Âu.

Phong trào biểu tình Chiếm phố Wall bắt đầu từ ngày 17-9, khi một số người dựng trại để phản đối ngay trước thị trường chứng khoán New York. Không chỉ vậy, từ cuộc biểu tình chống những chính sách ưu đãi cho 1% người giàu ở Mỹ này, phong trào biểu tình Chiếm phố Wall còn lan ra toàn cầu, với sự hưởng ứng của hàng nghìn người dân tại các quốc gia và vùng lãnh thổ như Anh, Italy, Australia, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan…

Theo nhiều nhà phân tích, phong trào này đang đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử nước Mỹ. Hơn thế, Chiếm Phố Wall không còn là câu chuyện riêng của nước Mỹ mà nó thực sự là tiếng chuông cảnh tỉnh nhiều nước trên thế giới về bộ mặt thật của giới tư bản tài chính.

Đám cưới Hoàng gia Anh

Vào tháng 4, thế giới chứng kiến một hôn lễ hoành tráng của Hoàng tử Anh William và Kate Middleton tại Westminster Abbey.

Đám cưới này là sự kiện thu hút sự quan tâm của cả thế giới. Khoảng 5.000 người đã cắm trại bên ngoài Tu viện Westminster suốt đêm để giữ chỗ, trong khi ước tính khoảng 600.000 người đổ về các con đường nơi có các hoạt động của lễ cưới.

Có tổng cộng 1.900 khách mời được dự nghi lễ trong Tu viện Westminster với nhiều thành phần khác nhau. Trong số này có Thủ tướng Anh David Cameron, giới chính trị gia và những người nổi tiếng của Anh như cầu thủ David Beckham hay ca sĩ Elton John. Bên cạnh đó là đại diện các hoàng gia nước ngoài như Quốc vương Brunei, Hoàng tử Philip của Monaco, Vua Tonga.

Cách mạng Mùa xuân Ả Rập

Một cuộc nổi dậy lan khắp Trung Đông và Bắc Phi được khởi động bằng cái chết của một thanh niên bán rau rong trên đường phố Tunisia có tên là Bouazizi. Khi đang bán rau trên trên đường phố, Bouazizi bị một số nhân viên công lực của thành phố cấm bán hàng rong. Ngoài việc ném những mớ rau của anh ra khỏi xe, những nhân viên công lực còn sỉ nhục người cha quá cố của anh. Tinh thần phản kháng nổi dậy, Bouazizi tẩm xăng vào người và tự thiêu mình.

Hành động của anh lập tức châm ngòi cho làn sóng biểu tình phản đối rộng rãi trên cả nước về các vấn đề chính trị. Ngày 14-1-2011, Tổng thống Tusinia Zine El Abidine Ben Ali buộc phải từ chức. Không dừng lại ở đó, làn sóng này nhanh chóng lan rộng khắp khu vực. Những người biểu tình Ai Cập lật đổ nhà lãnh đạo cầm quyền trong suốt 30 năm Hosni Mubarak, dẫn đến tình trạng bạo loạn đẫm máu kéo dài đến nay.  Và quân nổi dậy ở Libya đã giao chiến với những người ủng hộ nhà lãnh đạo lâu năm, hùng mạnh Moammar Gaddafi. Gaddafi đã bị giết vào tháng 10 sau nhiều tháng chạy trốn lực lượng nổi dậy và những đợt đánh bom của NATO.

Trong khi đó, tinh thần phản kháng cũng bùng phát tại Syria, Algeria, Yemen, Jordan, Mauritania, Saudi Arabia, Oman, Sudan và Morocco.

Làn sóng biểu tình vẫn nổ ra mạnh mẽ ở nhiều quốc gia với hy vọng Mùa xuân Ả Rập sẽ mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của tự do và thịnh vượng. Tuy nhiên, Mùa xuân Ả Rập chỉ thực sự đến khi những bất ổn chính trị được đẩy lùi.

Trùm khủng bố bin Laden bị tiêu diệt

Sau 10 năm dốc bao tiền của và sức lực vào cuộc chiến chống khủng bố, quân đội Mỹ đã gặt hái được thành công vang dội trong năm nay: tiêu diệt  Osama bin Laden, lãnh đạo mạng lưới khủng bố al Qeada đồng thời là tên khủng bố bị truy nã số 1 thế giới Ả Rập.

Với Tổng thống Mỹ Obama, vụ tiêu diệt bin Laden đánh dấu một điểm nổi bật trong thời kỳ nắm quyền của ông. Đôi khi bị coi là quá mềm mỏng về vấn đề khủng bố, Tổng thống Obama lần này đã làm được việc mà nhiều người tiền nhiệm của ông phải “bó tay”, đó là kết liễu cuộc đời của trùm khủng bố từng gây nhiều sóng gió cho nước Mỹ.

Trong khi đó, sự kiện này cũng tác động lớn tới an ninh chính trị khu vực Nam Á. Người ta đã chứng kiến khủng bố bạo lực bùng nổ trong những tháng qua ở Pakistan, những cuộc biểu tình rầm rộ chống Mỹ và cả sự căng thẳng trong quan hệ Pakistan- Mỹ xung quanh vụ việc này. Rõ ràng thời hậu bin Laden là không hề đơn giản và bàn cờ địa chính trị Nam Á cũng đang có những biến chuyển mới sau sự kiện lịch sử này.

Trận lụt lịch sử tại Thái Lan

Chịu hậu quả nặng nề không kém Nhật Bản, người dân Thái Lan vừa phải đối phó với cơn "đại hồng thủy" tồi tệ nhất trong vòng nửa thế kỷ qua.

Từ cuối tháng 7, những cơn mưa lớn bắt đầu đổ xuống miền Bắc và các cao nguyên ở miền Trung của Thái Lan. Nước tích tụ từ những cơn mưa sau đó chảy vào các sông Chao Phraya, Chi và Mun, trước khi đổ tiếp vào sông Mekong, khiến mực nước tại các sông này lên cao. Tình hình càng nghiêm trọng hơn khi ảnh hưởng của cơn bão Nock-ten làm tăng lượng mưa ở miền Bắc và Đông Bắc Thái Lan, khiến tình trạng ngập lụt trên diện rộng nhanh chóng xảy ra.

Theo số liệu của Cơ quan phòng ngừa thảm họa và giảm thiểu thiệt hại (DPMD) của Thái Lan, tính đến ngày 3-12, lũ lụt cướp đi sinh mạng của 666 người, làm ba người mất tích và hiện vẫn còn 16 tỉnh bị ngập lụt.

Khủng bố kép tại Na Uy

Đất nước Bắc Âu nổi tiếng yên bình với xã hội cởi mở và người dân không thấy có lý do phải tự bảo vệ mình. Tuy nhiên, tất cả đã thay đổi khi chỉ trong một ngày, Na Uy chìm trong hai vụ khủng bố đẫm máu mang tính lịch sử. Cả thế giới bàng hoàng vì bạo lực mang bóng dáng của khủng bố đã lan đến một trong những quốc gia bình yên nhất thế giới và là quê hương của giải Nobel Hòa bình. Tuy nhiên, vụ khủng bố kép đã phần nào đánh động những vấn đề an ninh của Na Uy và quan điểm về sự an toàn tuyệt đối của Na Uy có thể sẽ thay đổi nhanh chóng và toàn diện.

Thảm họa động đất - sóng thần tại Nhật Bản

Nhiều tháng trôi qua, nhân dân Nhật Bản vẫn chưa hết bàng hoàng về sức hủy diệt kinh hoàng của thảm họa động đất 9,0 độ ritcher gây sóng thần dọc bờ biển Thái Bình Dương. Sau khi phải đối mặt với thiên tai nặng nề xuất phát từ trận động đất kinh hoàng 9 độ richter, Nhật lại phải đương đầu với cuộc khủng hoảng hạt nhân tồi tệ nhất kể từ thảm họa Chernobyl năm 1986. Nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi bị mất điện, dẫn tới việc lõi hạt nhân ở ba lò phản ứng bị tan chảy, phóng xạ rò rỉ ra không khí và nước nhiễm xạ chảy ra ngoài biển. Hiện vẫn chưa rõ những tác động lâu dài do nhà máy điện hạt nhân bị hỏng hóc này gây ra.

Tuy nhiên, ánh lên trong cơn nguy kịch đó là tinh thần của Nhật Bản. Người dân Nhật đã cho cả thế giới thấy được tinh thần đoàn kết chống lại thiên tai khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ.

Những nhân vật nổi tiếng ra đi trong năm 2011

Ngày 5-10, cả thế giới, đặc biệt là những người quan tâm đến công nghệ, đều cảm thấy bàng hoàng và tiếc thương trước sự ra đi của "phù thủy công nghệ" Steve Jobs - Chủ tịch kiêm người sáng lập hãng máy tính Apple.

Cựu CEO thiên tài của Apple đã ra đi ở tuổi 56 sau một thời gian dài chống chọi với bệnh ung thư và nhiều vấn đề khác về sức khỏe, để lại cho vợ, 4 người con và gần 50.000 nhân viên Apple sự mất mát to lớn.

Elizabeth Taylor, huyền thoại điện ảnh Hollywood, đã qua đời ngày 23-3-2011 ở tuổi 79. Bà từng được Viện Hàn lâm Điện ảnh Hoa Kỳ xếp ở vị trí thứ 7 trong danh sách những ngôi sao điện ảnh vĩ đại nhất mọi thời đại.

Năm 1999, Elizabeth Taylor được Hoàng gia Anh phong tước Phu nhân. Khi còn sống, Elizabeth Taylor đã phải vật lộn với các vấn đề về sức khỏe, chứng nghiện rượu và nghiện ma túy. Bà qua đời ngày 23-3 tại trung tâm y tế Cedars-Sinai ở Los Angeles, California, thọ 79 tuổi.