Những giá trị vĩnh hằng

ANTĐ - 97 năm sau khi Cách mạng Tháng Mười nổ ra, thời cuộc đã có nhiều đổi thay. Quê hương của “Mười ngày rung chuyển thế giới” cũng chỉ là những ký ức trong trí nhớ của một lớp người. Bối cảnh đó thật dễ dàng và thuận lợi để các học giả tư sản tha hồ “làm mưa, làm gió” với các chỉ trích nhằm vào Cách mạng Tháng Mười.

Những giá trị vĩnh hằng ảnh 1Ngày 7-11, hơn 6.000 người đã diễu hành trên Quảng trường Đỏ ở Matxcơva
để kỷ niệm 73 năm ngày diễn ra cuộc diễu binh huyền thoại của Hồng quân Liên Xô

Nhưng dù có bôi đen, bịa đặt thế nào, trong dòng chảy của lịch sử với biết bao sự kiện, sôi động hào hùng cũng nhiều, mà khốc liệt bi tráng cũng không ít, Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga vẫn đóng cho mình một cái mốc vững chắc, hào khí cách mạng của nó vẫn tiếp tục lan tỏa. Bởi vì Cách mạng Tháng Mười không phải là một vụ “cưỡng ép lịch sử”, mà là giấc mơ cháy bỏng của bao thế hệ người lao động bị bóc lột, đầy đọa đến cùng cực về một xã hội công bằng, bác ái, không còn nạn người bóc lột người, dân tộc này áp bức dân tộc khác. 

Tự thân những khẩu hiệu “Hòa bình cho các dân tộc”, “Ruộng đất cho nông dân”, “Bánh mì cho người đói”, “Tự do cho người nô lệ”... từng vang lên trong những ngày nổ ra cuộc Cách mạng Tháng Mười đã nói lên tất cả mục tiêu cao đẹp của nó là hướng tới nhu cầu của đại đa số quần chúng. Và trên thực tế, Cách mạng Tháng Mười đã đem lại đất đai, nhà máy, công xưởng, quyền tự quyết cho nhân dân Nga, trao cho hàng triệu người lao động cơ hội sáng tạo và tự quyết định tương lai của mình. 

Chủ nghĩa tư bản đã không thể giải quyết được cuộc đối đầu không khoan nhượng giữa những kẻ bóc lột và người bị bóc lột, và chỉ sau ngày 7-11-1917, loài người mới tìm được cái nôi để nuôi dưỡng, biến những giấc mơ công bằng, bác ái thành hiện thực. Lần đầu tiên trong lịch sử, loài người đã giải quyết được mâu thuẫn nghìn đời giữa lao động và tư bản, và cuối cùng lao động đã chiến thắng. 

Điều đó giải thích tại sao hàng trăm triệu người ở các nước châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh, nô lệ của những cường quốc thực dân, đã tìm thấy ở Cách mạng Tháng Mười một hình mẫu và con đường thực tế để tự giải phóng. Điều đó giải thích tại sao trong cơn lốc thoái trào của phong trào cộng sản quốc tế, của hệ thống xã hội chủ nghĩa, những giá trị vĩnh hằng của Cách mạng Tháng Mười vẫn tỏa sáng. 

Bởi vì sự vận động, phát triển của thời đại hiện nay dù có phức tạp đến đâu chăng nữa vẫn phải tuân theo quy luật khách quan của đời sống xã hội mà các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin đã chỉ ra. Đó là chừng nào xã hội còn áp bức, bóc lột, bất công, chừng đó nhân loại còn phải tiếp tục đấu tranh cho một xã hội tự do, dân chủ, không còn áp bức, bóc lột, bất công. Lý tưởng về một xã hội không còn nạn người bóc lột người vẫn có sức mạnh chinh phục lòng người. 

Từ năm 2008 trở lại đây, trước sự suy thoái kinh tế, khủng hoảng tài chính của mô hình kinh tế tân tự do tư bản chủ nghĩa, người ta mới càng thấy những giá trị mà chủ nghĩa xã hội mang lại. Thực tế khẳng định rằng Chủ nghĩa tư bản dù đã biến đổi rất nhiều nhưng nó vẫn dựa trên bóc lột và chạy theo lợi nhuận mà hậu quả là sự phân hóa giàu nghèo, là sự xuất hiện của các cuộc chiến tranh khu vực, xung đột sắc tộc giữa các quốc gia.…

Đó là cơ sở để chúng ta khẳng định điều mà C. Mác từng nói: “Cách mạng có thể bị thất bại, nhưng cách mạng không bao giờ bị tiêu diệt”. Chủ nghĩa xã hội dù có thoái trào nhưng lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười thì vẫn tiếp tục soi rọi con đường của thời đại bởi nó ẩn chứa trong mình những giá trị vĩnh hằng mà con người luôn hướng tới.