Những đêm trắng trên đại công trường cao tốc Bắc - Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Những ngày cuối năm 2022, từ công trường đến trụ sở làm việc của các Ban Quản lý dự án thuộc Bộ Giao thông - Vận tải (đại diện chủ đầu tư các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam) đều sáng điện 24/24h. Trên công trường, các nhà thầu dồn sức thi công để “về đích” đúng hẹn, còn tại trụ sở làm việc, nhà quản lý căng mình xét duyệt hồ sơ, chấm thầu cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 để kịp khởi công vào cuối tháng 12-2022.

Thắp đèn thi công

Suốt nhiều tháng qua, trên đại công trường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, hàng nghìn cán bộ kỹ sư, công nhân cùng phương tiện máy móc, thiết bị hiện đại đang dồn lực thi công không quản ngày đêm để đẩy nhanh tiến độ các gói thầu.

Trải dài từ Bắc vào Nam, từ gói thầu XL11 - cao tốc Mai Sơn - QL45, XL02 - cao tốc QL45 - Nghi Sơn, XL08 - cao tốc Cam Lộ - La Sơn đến gói thầu XL04 - cầu Mỹ Thuận 2, bất kể ngày hay đêm, tiếng máy thi công không bao giờ lặng tiếng. Đặc biệt, tại hai gói thầu XL11 - cao tốc Mai Sơn - QL45 và XL08 - cao tốc Cam Lộ - La Sơn, không khí thi công những ngày cuối năm 2022 càng khẩn trương hơn khi lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải liên tục có chỉ đạo bám sát tiến độ để không trễ hẹn thông xe.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải, 4 dự án thành phần cao tốc Cam Lộ - La Sơn, Mai Sơn - QL45, Dầu Giây - Phan Thiết và Phan Thiết - Vĩnh Hảo sẽ hoàn thành, thông xe kỹ thuật vào ngày 31-12-2022. Bởi vậy, các nhà thầu thi công các dự án này đều căng mình, dồn lực thi công “ba ca, bốn kíp” để đáp ứng tiến độ đưa ra. Đó cũng là lý do vì sao trên đại công trường thi công cao tốc Bắc - Nam trong những ngày cuối năm luôn nhộn nhịp.

Tại công trường dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu, từng phần việc được các kỹ sư, công nhân triển khai một cách tỉ mỉ, làm đến đâu có tư vấn giám sát kiểm tra, đánh giá đến đó. Chỉ khi hạng mục đạt chất lượng, đúng kỹ thuật mới được chuyển giai đoạn. Ông Phạm Văn Minh, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 6 cho biết, tranh thủ thời tiết hanh khô về cuối năm, Ban đã cùng nhà thầu, tư vấn giám sát nỗ lực triển khai thi công tăng 3 ca/ngày. Trên toàn dự án, các nhà thầu đồng loạt triển khai 60 mũi thi công, với hơn 700 cán bộ kỹ sư, công nhân trên công trường và 586 thiết bị thi công.

Nhà thầu tăng ca, đốt đèn thi công đêm trên cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45

Nhà thầu tăng ca, đốt đèn thi công đêm trên cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45

Khó khăn lớn nhất vẫn là những ngày thi công dưới thời tiết khắc nghiệt và thất thường ở khu vực miền Trung. Những đợt mưa xối xả kéo dài khiến nhà thầu đứng ngồi không yên vì lo “lụt” tiến độ dự án, rồi còn khó khăn về giá dầu neo cao, giá nguyên vật liệu tăng gấp đôi, gấp ba lần so với thời điểm ký hợp đồng… không khỏi khiến nhiều nhà thầu nản lòng.

Không ít gói thầu cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 đến thời điểm cuối năm 2022 rơi vào cảnh thua lỗ nhưng với mục tiêu không vì khó khăn mà kéo chậm tiến độ dự án quan trọng quốc gia, các nhà thầu đã “vượt nắng thắng mưa”, tạm bỏ qua bài toán “lỗ lãi” để tập trung nhân lực, trang thiết bị tăng ca kíp hoàn thành đúng tiến độ các dự án thành phần, góp phần đảm bảo mục tiêu, Việt Nam có 5.000km đường cao tốc vào năm 2025.

Xuyên đêm duyệt hồ sơ

Đồng tốc với sự gấp rút trên công trường thi công, tại trụ sở Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông - Vận tải) - đơn vị chịu trách nhiệm thẩm định thiết kế, phê duyệt 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 để đảm bảo đồng loạt khởi công trước ngày 31-12-2022 cũng sáng đèn cả đêm.

20h tối 15-12-2022, đã qua 3 tháng kể từ khi bước vào đợt cao điểm thẩm định thiết kế kỹ thuật, dự toán, phòng làm việc của hàng chục cán bộ Phòng Quản lý xây dựng 3, Cục Quản lý đầu tư xây dựng vẫn huy động tối đa nhân sự rốt ráo hoàn thành thẩm định đối với 3 gói thầu còn lại của dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn và Quy Nhơn - Chí Thạnh.

Hơn 22 năm công tác trong ngành giao thông, ông Thái Bá Thuy - Trưởng Phòng Quản lý xây dựng 3 cho biết, cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 là dự án đầu tiên đạt được tốc độ rất cao về thời gian triển khai. Nếu tại dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, thời gian thực hiện lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần kéo dài khoảng 1 năm (tính từ khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư) thì ở giai đoạn 2, thời gian rút gọn chỉ hơn 5,5 tháng.

Thời gian tổ chức lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán và lựa chọn xong các nhà thầu thi công ở dự án giai đoạn 1 khoảng một năm rưỡi, thì ở giai đoạn 2 chỉ 6 tháng. Tính chung thời gian thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư (cả phê duyệt dự án và phê duyệt thiết kế dự toán) mất khoảng 3 năm ở giai đoạn 1 thì sang giai đoạn 2 chỉ chưa đầy 1 năm.

Nhớ lại thời điểm chỉ sau 1 tháng Quốc hội có Nghị quyết 44 phê duyệt chủ trương đầu tư, ngày 11-2-2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 18 đề ra chi tiết các mốc tiến độ, nhiệm vụ cụ thể của các bộ, ngành, địa phương, kèm các cơ chế đặc thù để đảm bảo tiến độ khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần ngay trong năm 2022, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng Bùi Quang Thái khẳng định, đây là điều chưa từng có. Đây cũng là cơ sở quan trọng để khắc phục được tình trạng chậm trễ trong thủ tục chuẩn bị đầu tư vốn tồn tại ở nhiều dự án giao thông trước đó.

Công tác giải phóng mặt bằng cũng có nhiều đột phá. Trước đây, việc bàn giao cọc giải phóng mặt bằng phải trải qua nhiều quy trình thì với giai đoạn 2, khi báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt, công tác bàn giao cọc giải phóng mặt bằng đã cơ bản hoàn thiện. Các địa phương có thể triển khai các công tác kế tiếp (đo đạc, kiểm đếm…) và bắt tay giải phóng mặt bằng ngay khi được bố trí vốn. Ước tính, công tác bàn giao cọc giải phóng mặt bằng của dự án được rút ngắn gần 1 năm so với thông thường.

Thi công trên công trường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây

Thi công trên công trường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây

5 tháng thần tốc khảo sát, lập dự án

Để có được kết quả này, ông Bùi Quang Thái cho rằng, cần phải kể đến khổ lao của các anh em cán bộ Ban Quản lý dự án, là đại diện chủ đầu tư các dự án thành phần. Các Ban Quản lý dự án đã phải “ăn ngủ” với hồ sơ khảo sát, thiết kế phục vụ công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 18 triển khai Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, để đến ngày 14-7, tất cả 12 dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc đã được Bộ Giao thông - Vận tải phê duyệt.

Đại diện Ban Quản lý dự án Thăng Long chia sẻ, ngay khi Chính phủ ban hành Nghị quyết triển khai, Ban Quản lý dự án Thăng Long và hầu hết các Ban Quản lý dự án khác tham gia dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đã thần tốc lập văn phòng điều hành dự án tại hiện trường ngay từ khâu khảo sát thay vì lập ở bước giải phóng mặt bằng như dự án giai đoạn 1.

Thách thức đối với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 là phải được khởi công ngay trong năm 2022. 12 dự án thành phần phải được trình phê duyệt trước ngày 30-6-2022. Từ thời điểm Quốc hội ban hành Nghị quyết 44 ngày 11-1-2022 đến thời điểm phê duyệt dự án, chỉ có 5 tháng khảo sát, lập dự án.

Áp lực không kém với những kỹ sư khảo sát hiện trường chính là những cán bộ, chuyên viên tham gia vào quá trình thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi được các ban trình lên. “Khoảng gần 1 tháng liên tiếp kể từ tháng 5, cao điểm từ đầu tháng 6-2022, báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần bắt đầu được trình lên, thời gian rời trụ sở của hơn 100 cán bộ, chuyên viên Cục Quản lý xây dựng cùng cán bộ các Ban Quản lý dự án, lực lượng tư vấn rất ít khi sớm hơn 21h”, một cán bộ Phòng Dự án đầu tư 2 (Cục Quản lý xây dựng) nhớ lại.

“Trái ngọt” sau những vất vả là tới cuối tháng 12-2022, 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 đã hoàn thành và đưa vào khai thác đúng như chỉ đạo của Chính phủ và Quốc hội. Cùng với đó, đồng loạt 25 gói thầu thuộc 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 cũng đã được khởi công xây dựng, đáp ứng đúng yêu cầu mà Chính phủ, Quốc hội đã giao cho ngành Giao thông - Vận tải.

Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Danh Huy: Đồng loạt khởi công 12 dự án thành phần ngày 1-1-2023

“12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam được đồng loạt khởi công ngày 1-1-2023, tổ chức tại 9 điểm cầu của 9 địa phương nơi có dự án cao tốc đi qua. Đây là lần đầu tiên Bộ Giao thông - Vận tải tổ chức đồng loạt thế này, đó là nhiệm vụ rất khó nhưng mang lại nhiều lợi ích. Trong đó, bà con nhân dân các địa phương có tuyến cao tốc đi qua đều được trực tiếp tiếp nhận chỉ đạo của Chính phủ, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với các vùng dự án đi qua là như nhau.

Cách thức tổ chức này cũng sẽ thống nhất nhận thức, hành động từ Bộ Giao thông - Vận tải, địa phương, các bộ, ngành liên quan, nhà thầu, tư vấn…, tạo ra khí thế quyết tâm ngay từ đầu năm, thực hiện phong trào thi đua đẩy nhanh tiến độ dự án. Thêm nữa, tại 12 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 áp dụng một số cơ chế đặc thù để rút ngắn thời gian nhưng vẫn tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Cụ thể, áp dụng chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với các gói thầu tư vấn, xây lắp liên quan đến dự án, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư; cho phép triển khai đồng thời một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong giai đoạn chuẩn bị dự án; sớm bàn giao cọc giải phóng mặt bằng để các địa phương thực hiện trước các công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; cho phép triển khai đồng thời các thủ tục để rút ngắn thời gian thực hiện các công việc khảo sát, thiết kế, lập, thẩm định phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật nhằm sớm triển khai thi công…

Với các cơ chế đặc thù nêu trên cùng với việc các chủ đầu tư, tư vấn và cơ quan tham mưu của Bộ Giao thông - Vận tải đã không quản ngày đêm, làm việc không có ngày nghỉ, ngày lễ, khắc phục các khó khăn địa hình hiểm trở, thời tiết mưa nhiều, nắng gắt để hoàn thành khối lượng công việc rất lớn. Nếu trước đây bình quân một dự án nhóm A sau khi chủ trương đầu tư được phê duyệt, tổng thời gian triển khai lập dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, đấu thầu và khởi công khoảng 2 năm thì đối với dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông thời gian triển khai rút ngắn còn một nửa. Như vậy, thời gian từ khi Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư cho đến khi khởi công toàn bộ 12 dự án thành phần là khoảng gần 1 năm, rút ngắn được 1/2 thời gian so với các dự án thực hiện theo những trình tự thủ tục thông thường”.

Ông Lê Quyết Tiến (Phó Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ Giao thông - Vận tải): Xây dựng tiêu chí đánh giá và lựa chọn nhà thầu có năng lực

“Tại dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, Bộ Giao thông - Vận tải đã chỉ đạo các Ban Quản lý dự án xây dựng tiêu chí lựa chọn nhà thầu đúng theo quy định pháp luật. Quy trình lựa chọn nhà thầu cũng theo đúng các bước, đúng trình tự. Bộ Giao thông - Vận tải còn chỉ đạo chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án đăng thầu về dự án trên các cơ quan báo chí, trang điện tử của các Ban Quản lý dự án để các nhà thầu nắm bắt thông tin, lựa chọn đối tác đủ khả năng thực hiện dự án. Ban Quản lý dự án sẽ dựa vào các tiêu chí đánh giá và lựa chọn nhà thầu có năng lực.

Về việc xây dựng tiêu chí lựa chọn nhà thầu, các tiêu chí được xây dựng trên cơ sở tuân thủ pháp luật về đấu thầu. Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã có Thông tư 08 để các Ban Quản lý dự án dựa vào đánh giá. Nghị định 15 của Chính phủ cũng quy định về năng lực nhà thầu. Công tác chuẩn bị lựa chọn nhà thầu đã được lựa chọn cùng với công tác khảo sát thiết kế, dự toán. Đến nay, các Ban Quản lý dự án đã phê duyệt kết quả chỉ định thầu, đảm bảo tuân thủ pháp luật, lựa chọn nhà thầu đáp ứng yêu cầu của dự án. Về quy trình thủ tục đều tuân thủ theo quy định pháp luật.

Bên cạnh xây dựng bộ tiêu chí theo đúng quy định pháp luật xây dựng và pháp luật về đấu thầu hiện hành, Bộ Giao thông - Vận tải đã đề nghị chủ đầu tư đăng tải thông tin gói thầu kèm theo tiêu chí để các nhà thầu tiếp cận thông tin, tự đánh giá năng lực của mình, xác định khả năng tham gia dự án với tư cách độc lập hoặc liên danh.

Để xác định được nhà thầu nào là mạnh hay đủ năng lực, ngoài quy định pháp luật về đấu thầu, căn cứ hướng dẫn của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Nghị định 15 của Chính phủ, Ban Quản lý dự án 6 đã được Bộ Giao thông - Vận tải giao xây dựng bộ tiêu chí mẫu, các cơ quan tham mưu của Bộ cũng đã tham gia, thống nhất một số tiêu chí quan trọng. Ví dụ, về yêu cầu năng lực hành nghề thi công xây dựng, khảo sát thiết kế, tất cả các nhà thầu phải là hạng I. Về tiêu chí năng lực tài chính, doanh thu, nguồn lực tài chính, với gói thầu từ 3.000 - 8.000 tỷ đồng, nhà thầu phải có năng lực tài chính tương ứng với quy mô gói thầu. Với những tiêu chí này, chỉ có những nhà thầu thi công dự án quy mô lớn mới đáp ứng được tại dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2”.