Những cựu thành viên yakuza Nhật Bản muốn nổi tiếng để… bảo vệ mình

ANTD.VN - Mặt Ryuichi Baba trông thật đau đớn khi chết, nhưng thay vì ngã ra trên sàn bê tông, anh ngả vào một tấm nệm và ít phút sau thì… sống lại. Đó chỉ là một cảnh quay trong bộ phim hành động “Crazy Fighter” (tạm dịch Chiến binh điên rồ) với tham gia diễn xuất là các võ sư và cựu thành viên các băng đảng tội phạm có tiếng.

Baba đã 20 năm gắn bó với giới mafia và mới chỉ dứt ra được cuộc đời tội lỗi 6 năm trước. Tham gia công ty chuyên cung cấp diễn viên hành động Takakura-gumi, anh là một trong 60 thành viên từng đứng trong hàng ngũ băng đảng tội phạm nhưng đã tìm được lối thoát và xây dựng cuộc đời mới. Những nỗ lực của họ đang dần được đền đáp ở một đất nước mà “dân mafia” vẫn bị kỳ thị và xa lánh. “Tôi chưa bao giờ có ý định trở thành một diễn viên, nhưng tôi nghĩ, nếu trở nên dễ nhận ra thì băng đảng sẽ khó làm hại được tôi. Đó là lý do tôi cố tình đặt bản thân mình vào sự chú ý của giới truyền thông”, Ryuichi Baba chia sẻ.

Những cựu thành viên yakuza Nhật Bản muốn nổi tiếng để… bảo vệ mình ảnh 1Với 20 năm sống với mafia, Ryuichi Baba (ngoài cùng bên trái) vào vai rất “ngọt”

Tự triệt tiêu khi bị trấn áp mạnh 

Tại Nhật Bản, các nhóm tội phạm có tổ chức được gọi là yakuza hay boryokudan. Được biết đến với hệ thống phân cấp và quy tắc nghiêm ngặt, các nhóm này liên đới đến đủ thứ tội phạm, từ tống tiền đến rửa tiền buôn bán ma túy và kinh doanh tình dục. Ngoài những hoạt động ngầm mang tính cá biệt, nhiều tổ chức còn đăng ký hoạt động với cảnh sát và lập cơ sở đại diện trên toàn quốc. Cơ quan Cảnh sát Quốc gia (NPA) thậm chí còn liệt kê các địa chỉ kinh doanh của một số tổ chức yakuza trên trang web của họ.

Vào thời kỳ hoàng kim những năm 1960, yakuza hoạt động trên phạm vi quốc tế và đỉnh điểm năm 1963 có tới 184.091 thành viên thuộc 5.216 nhóm, theo Bộ Tư pháp Nhật Bản. Qua nhiều thập kỷ, các cuộc trấn áp nghiêm ngặt dẫn đến sự suy giảm về số lượng của các nhóm này.

Từ năm 2010 đến năm 2011, một loạt các quy định đã làm cho các băng đảng khó khăn hơn để tồn tại khi việc tuyển dụng, trả tiền bảo kê hay chia sẻ lợi nhuận với yakuza đều được coi là bất hợp pháp. Ngay cả việc cung cấp hợp đồng điện thoại di động và cho thuê căn hộ liên quan đến yakuza trở nên khó khăn hơn.

Trước các biện pháp mạnh tay như vậy, số lượng các băng đảng yakuza của Nhật Bản theo thông báo của Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản hiện đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm. Tuy nhiên, trên toàn thế giới, yakuza tiếp tục thu hút sự chú ý của công chúng với các bộ phim về “xã hội đen” như “Kill Bill” của đạo diễn người Mỹ Quentin Tarantino, “Outrage” của đạo diễn Takeshi Kitano hay hàng loạt trò chơi điện tử như “Yakuza”.

Cuộc sống địa ngục

Bên trong căn phòng chật chội của Ryuichi Babak, ở một thị trấn nhỏ ngoại ô Tokyo có vài chiếc máy tính xách tay đang chạy. Nó trông giống như “đại bản doanh” của một hacker nhưng lại là nơi Baba cảm thấy yên bình nhất. Những ngày này, anh vừa làm diễn viên, vừa điều hành công việc kinh doanh phần mềm cùng “nghề tay trái” khác là một YouTuber, lồng tiếng cho nhân vật Shigewo Jhogashima - một ông trùm yakuza ngồi trên xe lăn trong một chương trình hoạt hình trực tuyến.

Baba kể, anh chưa bao giờ có ý định tham gia “xã hội đen” nhưng mẹ anh là người có liên quan đến yakuza và thường bị bắt nạt khi còn bé, Baba rơi vào cuộc sống băng đảng lúc nào không hay. Trong 20 năm, anh kiếm tiền bằng mọi cách để tránh bị đánh đập. Anh ta chuyên làm môi giới cho những phụ nữ làm việc trong ngành công nghiệp giải trí dành cho người lớn và nộp tiền kiếm được cho “ông trùm”. Người đàn ông này đã cố bỏ trốn vài lần, nhưng luôn bị truy đuổi, bắt lại và bị trừng phạt. Hàm răng của anh giờ đều là răng giả vì bộ răng thật đã không trụ nổi sau những trận đòn đó. “Tôi sống như một nô lệ. Tôi luôn sợ hãi, thậm chí cảm thấy băng nhóm kiểm soát cả tâm trí tôi”, Baba nói.

Mặc dù sống trong cảnh như vậy, anh vẫn hy vọng có ngày rời khỏi giới xã hội đen. Baba bí mật tự học các kỹ năng về máy tính, đăng các clip làm hình xăm trực tuyến và xây dựng những người theo dõi trên Youtube. Thế giới ảo trở thành nơi trú ẩn của anh, một không gian an toàn nơi anh gặp người vợ tương lai của mình, Mika. “Anh ấy rất hài hước. Tôi không bao giờ cảm thấy sợ anh ấy”, Mika Baba, hiện đang là quản lý của Baba, nói với CNN. 

Trong nhiều năm, cặp đôi trao đổi tin nhắn trên một trang chuyên về hình xăm, rồi chuyển sang trò chuyện riêng như người bạn tâm giao. “Anh ấy luôn nói về việc muốn rời khỏi yakuza như thế nào”, Mika kể. Thời điểm còn ở trong băng đảng, Baba tránh gặp Mika trực tiếp vì sợ gây nguy hiểm cho cô. 

Ngày đó cuối cùng cũng đến. Cảm giác tuyệt vọng vì không thể thoát khỏi cuộc sống địa ngục, Baba đã tự tử trong công viên nhưng được một người phát hiện, đưa đến bệnh viện kịp thời. Tại bệnh viện, cảnh sát đã khuyên anh cắt đứt quan hệ với cuộc sống quá khứ một lần và mãi mãi. “Khi rời khỏi “xã hội đen”, tôi cảm thấy như từ địa ngục được lên thiên đàng”, Baba, người vẫn uống nhiều loại thuốc để kiểm soát cơn hoảng loạn của mình nói.

Những cựu thành viên yakuza Nhật Bản muốn nổi tiếng để… bảo vệ mình ảnh 2Không đủ sống bằng nghề diễn xuất, Ryuichi Baba điều hành công việc kinh doanh phần mềm riêng

Cơ hội tái sinh

Cảm giác tái sinh của Baba cũng là cảm giác chung của các thành viên khác trong công ty diễn viên hành động Takakura-gumi. Nhìn họ thực hiện các cảnh quay và đùa giỡn với nhau trong bộ phim mới, người sáng lập Takakura-gumi So Kuramoto nói, ông hy vọng sẽ tạo ra hình ảnh về những cựu thành viên yakuza đã hướng thiện và ít nguy hiểm hơn. “Chúng tôi không phải là chính trị gia. Chúng tôi không thể thay đổi xã hội, nhưng có thể thay đổi cách nghĩ của mọi người”, ông Kuramoto nói. Ông Kuramoto cho rằng giúp họ xuất hiện trên màn ảnh cũng là thúc đẩy ý tưởng rằng mọi người đều xứng đáng có cơ hội thứ hai. Mặc dù vậy, những gangster chuyển nghề diễn viên này hầu hết vào vai phản diện và côn đồ, nhờ những trải nghiệm độc đáo ở thế giới ngầm.

Người sáng lập công ty Takakura-gumi còn cho biết, công ty ông tuyển dụng những người cảm thấy họ có trách nhiệm bảo vệ thứ gì đó, và bước đầu tiên chính là chăm sóc cho bản thân và gia đình. Trong phòng thay đồ, Baba mặc bộ đồ màu xám sáng bóng kết hợp với đôi bốt bóng loáng, vào đúng vai khuôn mẫu “trùm” yakuza, với sự giúp đỡ của vợ anh. “Tôi nợ vợ mọi thứ. Cô ấy thực sự ủng hộ tôi và giúp tôi trở thành con người của tôi hôm nay”, Baba nói.

Cựu thành viên Yakuza khó tái hòa nhập cộng đồng

Những người mang nhiều hình xăm lớn - thể hiện mối quan hệ trước đây với thế giới tội phạm, thường đối mặt với sự phân biệt đối xử ở Nhật Bản, khi mà nhiều khách sạn và cơ sở dịch vụ cấm khách có hình xăm vào bồn tắm công cộng hoặc hồ bơi. Với họ, việc tái hòa nhập xã hội, đặc biệt là xin việc không hề dễ dàng. Một cuộc khảo sát năm 2016 cho thấy, 80% doanh nghiệp ở một thành phố miền Nam Nhật Bản không tuyển những người từng tham gia “xã hội đen”. Hơn nữa, theo quy định, các tay giang hồ từng lĩnh án với tội danh có liên quan đến yakuza đều bị quản chế 5 năm. Họ cũng bị cấm mở tài khoản ngân hàng và hay đứng tên thuê tài sản.

“Con đường hướng thiện sau khi rời khỏi yakuza thật khó khăn”, nam diễn viên Kenta Noguchi, người từng là tay sai của một ông trùm yakuza và trưởng nhóm băng đảng cho biết. Anh ta đã ở tù một năm, sau khi chấm dứt quan hệ với băng đảng. Hiện giờ đang muốn xây dựng một thương hiệu thời trang riêng, nhưng Kenta Noguchi đôi khi cảm thấy rất khó để mọi người nhìn nhận những cựu thành viên băng đảng như người bình thường.