Những công việc nhiều “thương tích” nhất

(ANTĐ) - Dù có yêu công việc đến đâu đi chăng nữa, đôi lúc bạn cũng cảm thấy căng thẳng. Với một số người, công việc hàng ngày còn có những mối nguy hại về mặt thể chất - tinh thần mà để lâu có thể trở nên tồi tệ hơn. Các chuyên gia y tế của Mỹ đã thống kê những nghề nghiệp vất vả, chịu “đau đớn” nhất tại nước này.

Những công việc nhiều “thương tích” nhất

(ANTĐ) - Dù có yêu công việc đến đâu đi chăng nữa, đôi lúc bạn cũng cảm thấy căng thẳng. Với một số người, công việc hàng ngày còn có những mối nguy hại về mặt thể chất - tinh thần mà để lâu có thể trở nên tồi tệ hơn. Các chuyên gia y tế của Mỹ đã thống kê những nghề nghiệp vất vả, chịu “đau đớn” nhất tại nước này.

Lính cứu hỏa có nguy cơ thương tích cao
Lính cứu hỏa có nguy cơ thương tích cao

Cảnh sát: 20 tuổi, Best mới phục vụ tại Sở Cảnh sát Weymouth ở Massachusetts được 1 năm, đã trải qua nhiều tình huống rượt đuổi tội phạm nhưng căng thẳng ngày càng tăng. Trong khoảng thời gian ngắn, anh đã bị thương 3 lần, trong đó lần chấn thương mạnh nhất là bị xe đâm phải khi đang điều khiển giao thông bằng tay. Đi tuần trên xe ôtô, phải thường xuyên ra-vào xe khiến CSGT Mỹ bị đau lưng, đau cổ kinh niên. Một số thống kê còn cho thấy cảnh sát là nghề có tỷ lệ tự tử cao thứ 2 ở nước này và tỷ lệ ly hôn cao gấp 3 lần thông thường. Đó là bởi lực lượng cảnh sát chịu sức ép kinh khủng trong những môi trường đặc biệt nguy hiểm. Tuy nhiên, như Best tâm sự, niềm vui được phục vụ nhân dân, phục vụ cộng đồng giúp họ vượt qua mọi áp lực hàng ngày.

Lính cứu hỏa: Với lực lượng cứu hỏa, tên gọi nghề nghiệp đã cho thấy nguy cơ mà họ phải đối mặt: Từ việc phải chịu đựng sức nóng, cháy nổ, đến các hoạt động đòi hỏi vận dụng sức lực và trí lực như phun giữ vòi, leo trèo thang, cứu người bị kẹt trong đám cháy… Tuân thủ một chế độ làm việc nghiêm ngặt, lính cứu hỏa được coi là những chiến binh thực sự bởi chỉ cần có hiệu lệnh, họ luôn trong tư thế sẵn sàng nhận nhiệm vụ.

Lái xe đường dài: Ngồi sau tay lái nhiều năm ròng khiến các cơn đau chân của các lái xe đường dài trở nên không chịu nổi, không kể tổn thương về lưng và cổ. Những nguy cơ về bệnh nghề nghiệp của họ không chỉ đến từ tình trạng ngồi lỳ trên quãng đường di chuyển dài mà còn cả việc kéo, đẩy hàng trong mỗi chuyến đi. Theo các chuyên gia về y học lao động, lái xe tải chịu sức ép cho lưng do ngồi nhiều cao nhất, nhất là khi phải vượt qua vùng đồi núi liên tục. Thực tế là nhiều người đã quen nghề, quen các tuyến đường nên chấp nhận “chung sống” với các cơn đau.

Blogger: Với một số người, blog đơn giản là viết nhật ký trên Internet. Tuy nhiên, với một số blogger chuyên nghiệp kiếm sống bằng những gì họ đăng tải hàng ngày và sự nổi tiếng của trang web đó thì mỗi trang đều có giá của nó. Người ta đánh giá thế giới blog như trò chơi mèo đuổi chuột, nếu không tăng tốc thì sẽ bị tụt hậu. áp lực đó khiến cho các blogger phải thường xuyên làm việc trên máy tính, về mặt thể chất hiển nhiên ảnh hưởng đến tư thế ngồi, mắt, đầu, cổ, lưng, cằm… Những “thương tật” này sẽ có xu hướng ngày càng tăng cùng với sự phổ biến của công nghệ thông tin.

Nhạc sỹ: Vừa phải ngồi nhiều, vừa phải liên tục thực hiện các cử động lặp đi lặp lại, đó là nguy cơ tiềm ẩn cho bệnh nghề nghiệp của các nhạc sỹ. Nhiều nghệ sỹ đánh trống, chơi đàn bị đau ở cổ tay, ngón tay nhưng sợ đi khám bởi sợ phải nghe lời bác sỹ không nên sử dụng nhạc cụ được nữa mặc dù họ là những người luôn cẩn thận chăm sóc tay, chân của mình nhất.

Trong danh sách top 10 bệnh nghề nghiệp ở Mỹ còn có y tá, công nhân viên ngành xây dựng, phi công, diễn viên múa và diễn viên đóng thế. Đáng chú ý, thống kê hồi cuối năm 2007 cho thấy, y tá là nghề có số người xin nghỉ làm vì ốm, đau cao nhất ở Mỹ. Diễn viên múa ballet tưởng như nhẹ nhàng nhưng thực sự rất áp lực bởi sự nghiệp ngắn ngủi và nguy cơ bị chấn thương cao do chế độ tập luyện khắt khe không khác gì vận động viên. Dù thế nào thì đó đều là yêu cầu, tính chất của công việc và phần lớn mọi người muốn theo đuổi nghề đến cùng vì sự đam mê.

Hải Yến

(Theo Abcnews)